Nhọc nhằn cầu thủ Việt xuất ngoại

Nhọc nhằn cầu thủ Việt xuất ngoại
TP - Bóng đá Việt Nam đã quá quen với việc đón nhận các cầu thủ ngoại tới thi đấu. Ở chiều ngược lại, cũng có những cầu thủ từ V-League thử vận may trên đất người nhưng đều không để lại dấu ấn.
Nhọc nhằn cầu thủ Việt xuất ngoại ảnh 1
Nếu Leixoes SC ký hợp đồng với Công Vinh (phải), cũng chưa chắc Vinh được thi đấu ở đội một của CLB này . Ảnh: Hoàng Vĩnh

Cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại thi đấu là tiền đạo Lê Huỳnh Đức - người vừa đưa SHB.Đà Nẵng vô địch V-League 2009 sớm ba vòng đấu trong vai trò HLV.

Năm 2001, khi đang khoác áo Ngân hàng Đông Á, qua sự giới thiệu của HLV Tavares, Huỳnh Đức ký hợp đồng ngắn hạn với CLB Lifan, chơi ở giải C-League. Chuyến đi này ban đầu rất hứa hẹn, bởi so với khả năng của Huỳnh Đức, C-League không phải là sân chơi quá tầm.

Thế nhưng, ở Lifan, Huỳnh Đức hiếm khi được ra sân và suốt quãng thời gian thi đấu cho CLB này, thành tích của Huỳnh Đức chỉ là một bàn thắng.

Sau Huỳnh Đức tới lượt Việt Thắng, tiền đạo của CLB Đồng Tâm Long An tới Bồ Đào Nha thi đấu. Nhờ mối quan hệ của HLV Calisto, Việt Thắng có bốn tháng thi đấu tại giải hạng Nhì Bồ Đào Nha. Dù được quảng bá rầm rộ nhưng thực chất, chuyến đi của Thắng chỉ là một khóa học việc ngắn hạn.

Trong thời gian đó, Việt Thắng đang bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam treo giò. Chính vì sợ rằng, do không được thi đấu, Thắng có thể sẽ thui chột tài năng nên ĐT.Long An chủ động sắp xếp chuyến đi này.

Trên thực tế, để đưa Thắng tới giải hạng Nhì Bồ Đào Nha, ĐT.Long An phải chi một số tiền không nhỏ. Dĩ nhiên, với mục đích học việc, Việt Thắng không để lại bất cứ dấu ấn nào bên trời Âu. Sau này, Thắng có lần tâm sự, chuyến đi ngắn tới Bồ Đào Nha chủ yếu giúp anh duy trì phong độ chứ không có cơ hội thi đấu.

Cùng thời điểm với Việt Thắng, Lương Trung Tuấn tự bỏ tiền túi sang thử sức ở giải Thai - League trong màu áo của Cảng Thái Lan. Trong sáu tháng tại đây, Trung Tuấn thường xuyên được ra sân và theo đánh giá, anh là một trong những vị trí tốt nhất của Cảng Thái Lan ở mùa giải 2004.

Chuyện Trung Tuấn có thể hòa nhập và chơi tốt ở Cảng Thái Lan cũng dễ lý giải bởi trình độ của Thai-League cũng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn V-League.

Sau Việt Thắng, tới lượt tiền vệ Hữu Thắng của Bình Dương thử vận may ở giải Vô địch Quốc gia Mỹ (MLS). Cuối năm 2008, khi sắp đáo hạn hợp đồng với Bình Dương, theo gợi ý của nhà môi giới cầu thủ Mae Mua, Hữu Thắng tới thử việc lại CLB LA Galaxy - đội bóng của những ngôi sao nổi tiếng như Beckham, Donovan…

Giấc mơ Mỹ của Hữu Thắng nhanh chóng kết thúc khi anh không qua được cữ thử việc của LA.Galaxy. Cầu thủ này sau đó cũng chìm hẳn ở Ninh Bình và giờ đang chơi những mùa cuối cùng trong màu áo Bình Dương.

Chuyện cầu thủ ta xuất ngoại vừa được hâm nóng với sự kiện tiền đạo Lê Công Vinh được CLB đang chơi tại giải Vô địch Quốc gia Bồ Đào Nha, Leixoes SC mời ký hợp đồng. Công Vinh có bao nhiêu phần trăm thành công trên đất Bồ?

Cũng giống như Huỳnh Đức, Việt Thắng hay Hữu Thắng, bản thân Công Vinh chủ động liên hệ với đối tác. Cụ thể, thông qua HLV Calisto, Công Vinh được giới thiệu với Leixoes SC như một cầu thủ tốt nhất Việt Nam. Ngay cả khi có sự bảo đảm của HLVCalisto, cộng thêm việc thẩm định băng ghi hình, việc Leixoes SC chấp nhận ký hợp đồng với Công Vinh cũng không đồng nghĩa với việc anh sẽ được thi đấu ở đội một của CLB này.

Giải Vô địch Quốc gia Bồ Đào Nha hơn hẳn về trình độ so với C-League, giải hạng Nhì Bồ Đào Nha hay MLS. Bất lợi về thể hình, thể lực và rào cản ngôn ngữ, văn hóa… rất khó để Công Vinh thành công.

Công Vinh có thành công ở Leixoes SC hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, chuyến đi tới Leixoes của Vinh sẽ giúp anh mở rộng tầm mắt, hoàn thiện tài năng và ở chừng mực nào đó, sự hiện diện của chân sút này đã góp phần quảng bá cho hình ảnh của V-League, của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.

MỚI - NÓNG