Những bước ngoặt mới

Những bước ngoặt mới
TP - Ngoài thành công trong công tác tổ chức, quảng bá, nhất là khi lần đầu được đưa về một địa phương cấp huyện là xứ thơ Hà Tiên (Kiên Giang), giải đấu lần này còn đánh dấu một bước ngoặt mới về chuyên môn.

> Việt dã và bóng đá
> Hà Tiên Ngày tỉnh giấc sớm

Với 258 VĐV đến từ 27 đoàn, đây chính là giải có số lượng đông nhất trong cả chục mùa trở lại đây, dù việc tổ chức ở thị xã vùng biên viễn Hà Tiên là một trở ngại không nhỏ cho việc đưa quân tham dự của các đoàn.

Ngoài sự tập trung chuẩn bị của chính các đoàn, chính những đổi mới trong điều lệ đã giúp cho giải có thể thu hút gần như tối đa các gương mặt triển vọng ở nhiều lứa tuổi trẻ hay một vài nhân tố xuất sắc trước đây không có cơ hội tham dự chỉ vì lực lượng của đơn vị chủ quản quá yếu.

Rất thú vị vì lần đầu tiên có trường hợp VĐV một mình vào dự giải, rồi đoạt luôn huy chương như Vũ Thị Ly (Yên Bái)- chân chạy về nhì nội dung 3 km nữ trẻ…

Đáng chú nhất chính là qua giải đấu, mặt bằng chung của việt dã Tiền Phong đã thực sự được nâng lên một bước, cả về đỉnh cao lẫn phong trào. Nếu như ĐKVĐ Khánh Hòa đã một lần nữa khẳng định được sức mạnh truyền thống cùng sở trường “đấu” việt dã đặc biệt thì đội hạng nhì Quân đội đã vọt lên tạo ra một tương quan lực lượng hoàn toàn cân bằng.

Cuộc đua tranh ngôi đầu của hai kỳ phùng địch thủ này gay cấn và kịch tính đến mức được quyết định bằng sự hơn kém chỉ ở đúng 1 nội dung, với khoảng cách vỏn vẹn vài điểm.

Nền tảng vững chắc cho sự phát triển còn được tạo dựng bởi rất nhiều đoàn đã vươn lên lên mạnh mẽ, tiêu biểu như Quảng Ninh, Thanh Hóa. Rõ nhất là Bình Phước ngay lần thứ 2 góp mặt đã độc chiếm cự ly khó nhất là bán marthon nam với hai VĐV đứng trong tốp 3. Chưa kể chủ nhà Kiên Giang cũng tái xuất đầy ấn tượng sau 18 mùa liền vắng bóng.

Như lời của HLV trưởng Lâm Quang Dũng của Kiên Giang khi lên nhận giải hạng ba toàn đoàn, nhờ giải đấu của báo Tiền Phong mà việt dã tỉnh miền biển tây nam này đã có cuộc hồi sinh ngoạn mục. Cũng phải kể đến một số đoàn như Sơn La, Lâm Đồng đã thể hiện được sức vượt khó tuyệt vời để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai gần.

Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia của điền kinh Việt Nam từ Bùi Lương đến Hoàng An hay Dương Đức Thủy đều bày tỏ sự hài lòng ra mặt về sự xuất hiện của “hàng loạt tài năng mới và nhân tố trẻ”.

Đó là “vua” leo núi Trần Văn Lợi “vô đối” ở cự ly bán marathon nam, hay Bùi Thế Anh đã qua mặt tuyển thủ quốc gia lâu năm Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Đăng Đức Bảo để cán đích nội dung 5km nam tuyển trên bàn chân tóe máu.

Từ thành công tại giải, Lợi đã chính thức xác lập ngôi số 1 trên các đường chạy dài nam, với sự vượt trội ngày càng rõ so với các đối thủ. Còn “gương mặt lạ” đầy vẻ thư sinh sinh năm 1990 Thế Anh gây ấn tượng đến mức đã được các nhà tuyển trạch chấm sẵn để đặc cách vào ĐTQG.

Ngoài hai ngôi sao việt dã mới kể trên, còn có cả chục gương mặt trẻ và rất trẻ, thậm chí trước đó hoàn toàn vô danh đã chiếm lĩnh các thứ hạng cao nhất ở hầu hết các nội dung.

Chưa có giải nào mà ngôi đầu đã đổi ở 9/10 nội dung, chỉ duy nhất chuyên gia chạy dài nữ Phạm Thị Bình vẫn giữ được vị trí độc tôn của mình trên đường chạy bán marathon nữ. Rõ ràng rất bất ngờ, song đó chính là những thay đổi tích cực và đáng chờ đợi.

Mùa việt dã toàn quốc và bán marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 54 đã kết thúc tốt đẹp, tạo ra rất nhiều bước ngoặt mới cho chính giải đấu, và quan trọng hơn cho cả điền kinh Việt Nam.

Các chuyên gia của điền kinh Việt Nam từ Bùi Lương đến Hoàng An hay Dương Đức Thủy đều bày tỏ sự hài lòng ra mặt về sự xuất hiện của “hàng loạt tài năng mới và nhân tố trẻ”.

Những bước ngoặt mới ảnh 1
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.