Những “Hai Lúa” của bóng đá Việt Nam

Những “Hai Lúa” của bóng đá Việt Nam
TPCN - Giáp Tết, nhóm phóng viên chúng tôi lại lần xuống những vùng quê nghèo hẻo lảnh để tìm hiểu về cái nôi của những cầu thủ biết nói không với tiêu cực.
Những “Hai Lúa” của bóng đá Việt Nam ảnh 1

Tài Em làm điệu ở shop thời trang  

Cái tên cu Mười thân thương vẫn không đổi dù Tài Em đã là đội trưởng của Gạch Đồng Tâm và đội trưởng đội U23 Việt Nam.

Đám trẻ con có đứa chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn xung phong chạy trước chỉ nhà anh Mười. Có đứa còn khoe anh Mười hôm bữa đi SEA Games về cho con con đại bàng (biểu tượng SEA Games 23) đẹp lắm.

Đứa lại khoe có trái banh anh Mười ký tặng cho cả hội đá, nhưng… mất rồi…

Tiếp chúng tôi, ông Hai xíu móm mém kể chuyện thằng Mười với cái giọng chân chất: “Mấy chú nhà báo ở thành phố về cứ hỏi tôi hồi trước dạy thằng Mười thế nào để nó nói không với bán độ. Thú thật tôi có dạy nó cái gì đâu.

Cái nhà này, cái xã này ai cũng thế. Thằng Mười là con của cái ấp Lộ Đá (xã An Lục Long) thì phải sống như người dân ở đây. Nó đi đá bóng tài cán gì về đây mà khác người, khác với cuộc sống khó nghèo ngày nào ai coi cho đặng…”.

Cu Mười Tài Em quê ở huyện Châu Thành hồi bé cũng lam lũ như Quyến. Tài Em không phải chăn trâu, nhưng mang vác nặng mỗi mùa thu hoạch. Tuổi thơ của Tài Em thật vất vả.

Có ngày đạp xe đi gần hai chục cây số để giao lúa và giao hàng cho cha mẹ. Ông Hai xíu thật thà kể lại: “Cái xóm này ai chẳng biết thằng Mười hồi bé như thế nào. Nó “lúa” lắm, thấy ai khó khăn cái gì cũng lao vào giúp cả. Chúng tôi làm lụng suốt ngày có dạy được anh em nó cái gì đâu. Bóng đá dạy nó đó, mấy anh, mấy chú trên đội bóng rèn cho nó hết chứ tôi có biết mần cái gì đâu…”.

Nghe bác Hai Xíu ba Tài Em kể đến đấy chúng tôi nhớ lại trận Việt Nam gặp Thân Hoa Thượng Hải. Đội bóng thua và Tài Em bị va chạm máu mặt, máu mũi chảy đầm đìa nhưng vẫn năn nỉ các bác sĩ cầm máu cho em được vào sân chứ đừng thay ra.

Lại có lần hai anh em ngồi nói chuyện ở quán nước ven đường, vô tình  có người đến hỏi: “Cu Mười ơi! Lỡ cả đội bán, mày tính sao?”.

Nghe hỏi như bị xúc phạm, Mười gân cổ: “Nói thật 10 người bán còn mình tôi, tôi vẫn đá. Gí súng vào đầu nói thằng Mười này bán độ tôi cũng không bán đâu. Còn nếu lãnh đạo bảo tôi nhường cho đội này, đội nọ, tôi bỏ đội về làm ruộng chứ không đi đá banh nữa…”.

Vòng 1/8 Cúp Quốc gia, sau bàn thắng đốt lưới Đồng Tháp, cu Mười thản nhiên ngồi ở rìa cỏ cột lại đôi giày vía, nhiều người lại chia sẻ, động viên, Mười bẽn lẽn nói hai tiếng cảm ơn rồi hứa chắc nịch:

“Em không nghĩ bóng đá Việt Nam u ám mãi như thế đâu, em cũng không nghĩ chỉ có mình em chống tiêu cực như các anh báo chí nói đâu. Em chỉ làm đúng trách nhiệm của một người cầu thủ và người đội trưởng thôi.

Em tin sẽ có nhiều người như thế và tin bóng đá nước nhà sẽ sáng sủa hơn, sạch sẽ hơn và các cầu thủ chúng em sẽ thấy yêu nghề hơn và trân trọng với nghề hơn…”.

Nhịp sống bóng đá vẫn trôi đều và cái tên Tài Em vẫn bình dị nhưng cái thằng cu Mười ngày nào chở lúa ở ấp Lộ Đá…

Những “Hai Lúa” của bóng đá Việt Nam ảnh 2
"Cu Tý" Tấn Tài

“Cu Tý” Tấn Tài và quán cơm gia đình

Tấn Tài cũng lam lũ, vất vả và cơ cực từ nhỏ ở cái đất Khánh Hòa. Ở đội, Tấn Tài ngu ngơ nhất nhưng ra sân bao giờ Tài cũng là người “máu” nhất.

Hồi còn đá phong trào, thằng Tý có thói quen cứ tập xong là chạy lên quán lon ton phụ mẹ chạy bàn. Tý chẳng kiêng việc gì cả, từ chạy bàn, rửa chén đến mua giùm khách một gói thuốc hay làm được cái gì là Tý làm hết.

Ám ảnh nhất trong đời đá bóng của Tấn Tài là khi được gọi vào đội tuyển thời HLV Tavares. Ăn tập mãi chẳng được ra sân trong khi biết chắc ở quê nhà cần mình đá giải U21, lại được các chú ở đội bày, thế là Tài làm mọi cách để xin về.

Bây giờ Tài thật thà kể: “Em viết đơn còn không xong huống hồ gửi cho thầy Tavares. Nói thật hồi đấy em nhờ người khác viết đấy, nhưng mà cuộc đời ai chẳng có lỗi lầm phải không các anh…”.

Chia tay chúng tôi, Tài nói về chuyện đội tuyển và chuyện nói không với tiêu cực: “Ai nói em ngu hoặc em dở thì em chịu nhưng nói sai em hay làm em nhục em không chịu nổi đâu…

Hôm bữa em suýt choảng nhau với Hải Lâm và Quốc Vượng vì chửi em quá. Nhưng mà bây giờ thì em lại thấy thương cho các bạn ấy rồi. Bóng đá dễ sa ngã lắm, người ta cứ xáp vô, mình yếu một chút là theo liền à…”.

Tấn Tài còn e thẹn tự thú: “Người nhà quê như em ít học và có thể bán quán nhậu chứ không bao giờ bán linh hồn cho quỷ dữ. Các anh tin thằng em này đi…”.

MỚI - NÓNG