Những mảnh đời cuồng si

Những mảnh đời cuồng si
TP – Fan cuồng bóng đá họ là ai? Là những người luôn dành tất cả tình yêu, sự quan tâm và theo sát mọi hành trình của đội bóng.

Trên lý thuyết, họ phải là những người sống “trên tiền”, bởi bóng đá là cuộc chơi vô cùng tốn kém. Nhưng vẫn có những mảnh đời cuồng si với trái bóng, yêu bóng đá hơn chính bản thân mình và theo cách vô cùng dị biệt.

Những mảnh đời cuồng si ảnh 1
"O Xuân" (giữa) với HLV Vương Tiến Dũng (phải)

O Xuân & tình yêu duy nhất

Nhìn một người đàn bà gầy guộc, cô độc, sống trong một căn nhà tồi tàn trong ngõ nhỏ phố Trương Định (Hà Nội) không ai tin đó là một fan cuồng bóng đá. Nhưng cuộc sống, có những bất ngờ nằm ngoài trí tưởng tượng phong phú của con người. Các CĐV trẻ gọi bà là “O Xuân”.

Gọi vậy, bởi không ai biết “O Xuân” họ gì. Người ta ươm ướm rằng bà chừng 60 tuổi. Không ai biết bà đến với bóng đá từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, ngay cả những CĐV thâm niên nhất của Thể Công và đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) cũng không thể so với “O Xuân” về thời gian đến với bóng đá.

Giới CĐV nhớ đến “O Xuân” không phải với tư cách là “lão bà” mà nhìn thấy ở bà những điều vô cùng khác người. Bà thường chống gậy đến sân xem bóng đá.

Gánh nặng thời gian và cuộc sống vất vả đã khiến người phụ nữ này không thể đi thẳng nữa. Nhưng dù đau yếu và bận rộn đến đâu thì cuối tuần “O Xuân” cũng phải tìm đến sân vận động. Nếu không có bóng đá, cuộc sống vốn rất ít niềm vui của bà sẽ trở thành vô nghĩa.

“O Xuân” là trường hợp vô cùng dị biệt. Đôi khi, bà cô độc ngay trên khán đài ồn ã. Nhưng với những người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ thì “O Xuân” là một người đáng thương, bởi cuộc sống của bà có quá nhiều nước mắt.

Nước mắt biến cô gái Xuân tràn đầy sức sống, hy vọng về tương lai thành một bà già héo hon. Hồi trẻ, “O Xuân” từng là công nhân công ty May Thăng Long, lẽ ra sẽ có một cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác.

Thế nhưng, vào ngày đen tối, người anh trai duy nhất hy sinh ngoài chiến trường, các chị đã lập gia đình, cô em gái út Xuân vốn có tiền sử bệnh tim quyết định ở vậy chăm sóc bà mẹ bị mù.

Thời gian trôi qua mang theo tuổi thanh xuân và những cơ hội về một gia đình êm ấm. Chưa một lần được hưởng hạnh phúc gia đình đúng nghĩa, không có nơi nương tựa, nhưng dường như chính điều đó khiến tình yêu bóng đá của “O Xuân” trở nên mãnh liệt.

Bà dành tất cả tình cảm, sự quan tâm của mình cho Thể Công và ĐTVN. Và hàng ngày, người ta thấy “O Xuân” cặm cụi bên rổ rau ngoài chợ, nhưng đến cuối tuần lại chống gậy, đến sân xem bóng đá.

Ngay cả việc đến sân với bà Xuân cũng là việc không hề dễ dàng. Lập cập đến sân đã nhọc, những đồng tiền tiết kiệm cả tuần sẽ được dùng làm lộ phí. Những hôm khỏe mạnh, Thể Công đi thi đấu xa còn tốn kém hơn nhiều.

Những mảnh đời cuồng si ảnh 2

Người ta nghĩ rằng, fan cuồng bóng đá là những người luôn hết mình, thậm chí hiếu chiến vì tình yêu của mình. Nhưng bà Xuân có lẽ vì hoàn cảnh, sự cô độc luôn song hành mà trở nên vô cùng yếu đuối. Bà rất mau nước mắt. Người phụ nữ ấy khóc rất nhiều khi ĐTVN thua trận.

“O Xuân” có một tình cảm đặc biệt cho HLV Vương Tiến Dũng. Bà từng có cảm giác như ai đó đâm vào tim mình khi đội bóng của ông Dũng thua trận, bởi HLV này là hiện thân của Thể Công.

Và khi Thể Công không còn nữa, “O Xuân” thực sự bị khủng hoảng. Bởi Thể Công đã trở thành máu thịt, một phần cuộc sống của bà hàng chục năm qua. Và giờ, chỉ cần ai nói đến hai chữ Thể Công là bà lại khóc.

Điên cuồng như “Cô Thúy”

Người ta biết đến “cô Thúy” với tư cách là fan cuồng. Người ta biết rất rõ không ít lần nữ CĐV số 1 của Thể Công và ĐTVN mất ăn mất ngủ, vơi cạn nước mắt vì trăn trở với bóng đá.

Rằng, với bóng đá, “cô Thúy” có thể hy sinh tất cả. Đơn giản vì CĐV này tìm được sự giải thoát, niềm yêu sống từ bóng đá.

Không tất tả như “O Xuân”, nhưng “cô Thúy”, cách mà các CĐV trẻ tuổi Thể Công và ĐTVN gọi “thủ lĩnh” của mình. Nhỏ nhắn, bị thời gian bào mòn xuân sắc nhưng chị Thúy khiến người ta nhớ, thậm chí cả sợ vì chất giọng rất bộ đội của mình. 18 năm qua, người phụ nữ từng một thời là quân nhân chuyên nghiệp đã gắn bó với Thể Công và ĐTVN trên mọi nẻo đường.

Nhiều người biết đến “cô Thúy” bởi tình yêu bóng đá hơn bản thân mình. Ở những điểm nóng nhất trên khán đài luôn có người phụ nữ này. Thậm chí, giữa ngàn vạn cánh mày râu cuồn cuộn sức lực, “cô Thúy” luôn là người lĩnh xướng cỗ vũ.

Trên khán đài Mỹ Đình rộng lớn, nếu nghe thấy giọng một người phụ nữ đanh thép hô vang: “Việt Nam! Hai ba!” thì đó là “cô Thúy”. Với các cầu thủ Thể Công và ĐTVN, họ luôn nhận được sự ủng hộ hết mình từ “cô Thúy” trong những thời điểm khó khăn nhất. Khi Thể Công thất bại, mọi người quay lưng, “cô Thúy” và những người bạn của mình lặng lẽ mua cân xoài, cân cam và vài bó hoa xuống động viên các cầu thủ.

Thậm chí, những chuyến đi xa, hoặc từ nước ngoài trở về, dù đêm khuya, hay sáng sớm tinh mơ giá lạnh, các cầu thủ vẫn cảm thấy ấm lòng vì đã có “cô Thúy” đứng bên đường, mặc áo đỏ, cầm hoa, hô vang hai tiếng Việt Nam. Không ai biết “cô Thúy” đến đó từ lúc nào, chẳng ai hiểu, cuộc sống của cô ra sao mà yêu bóng đá đến vậy.

Tôi còn nhớ vào đêm 28-12-2008 - thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi các cầu thủ bước ra khỏi phòng thay đồ với chiếc Cúp vô địch thì “cô Thúy” đã đứng ở đầu đường hầm và khóc. Cô khóc rất to. Khóc như chưa bao giờ được khóc.

Sau khóc là cười, là hành động vô cùng đáng yêu là yêu cầu HLV Calisto cùng các cầu thủ hôn lên má và ký vào chiếc áo mình đang mặc. Sau đó, chiếc áo được cất giữ ở nơi trang trọng nhất trong gia đình, chỉ đem ra mặc lại vào những dịp đặc biệt của bóng đá nước nhà.

CĐV Thể Công thường ví von rằng: “điên cuồng” và “phiêu lãng” như… “cô Thúy”. Ấy vậy mà người tinh ý vẫn nhận thấy điều u uẩn trong đôi mắt, trong tiếng thở dài thường trực của nữ CĐV này. Hiểu rồi để thấy, trong cuộc đời sôi nổi của một fan bóng đá cuồng nhiệt không chỉ có niềm vui, mà còn ẩn chứa vô khối nỗi buồn…

Sau rất nhiều ngày tranh luận, cố gắng níu kéo để bảo vệ mái ấm gia đình, cuối cùng, người phụ nữ vốn chỉ có hai mối quan tâm là gia đình và bóng đá đành chấp nhận ký vào đơn ly hôn. Sốc. Cay đắng hơn cả thua trận. Nhưng thật phi thường, nỗi buồn không đánh gục được “cô Thúy”.

Người ta vẫn thấy CĐV này ra sân chăm lo cho đám nhóc trên khán đài, rồi hò hét truyền lửa cho các cầu thủ. Và những ngày cuối năm 2009, “cô Thúy” lại đi đường bộ sang Lào cổ vũ cho các cầu thủ U23 vì: “bọn nhỏ bảo, cô phải sang với chúng cháu.

Chúng nó nói vậy thì có dốc túi cũng phải lên đường”. “Số tôi nó vậy, không được hạnh phúc. Không may là khi về già lại mất mát nhiều quá. Nhưng tôi không gục ngã vì vẫn còn bóng đá.

Tôi hạnh phúc với niềm đam mê của mình. Tôi không cô độc và không cho phép mình đầu hàng trước thất bại, giống như các cầu thủ vậy. Giờ tôi sống cho bóng đá và các con của mình”.

Trong cuộc sống bộn bề lo toan người ta sống vì mình hơn. Vậy mà vẫn có những người chỉ biết “cho” chưa bao giờ mong “nhận” được điều gì đó. Phải chăng, nhờ có những con người luôn với niềm đam mê cháy bỏng của mình mà cuộc sống của chúng ta không bị lập trình hóa và vẫn còn những điều lãng mạn trong cuộc đời này.

Món quà vô giá

Kết thúc mùa giải 2009, “O Xuân” nhận được một chiếc phong bì do HLV Vương Tiến Dũng gửi tặng. Trong phong bì có 5 triệu đồng với lời nhắn nhủ: “cố gắng đi chữa cho khỏi bệnh đau lưng”.

Lần đầu tiên sau hàng chục năm cơ cực, đơn độc, bà nhận được sự quan tâm của người khác.

Đáng nói hơn, đó là “thần tượng” Vương Tiến Dũng. Đêm đó “O Xuân” đã để chiếc phong bì lên bàn thờ, thắp hương báo với bố mẹ, người anh liệt sỹ và khóc.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.