Những mốc son vàng 46 năm Việt dã

Những mốc son vàng 46 năm Việt dã
Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 46-2005, VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp, diễn ra vào sáng Chủ nhật 20/3/2005 tại thành phố hoa Đà Lạt, Lâm Đồng
Những mốc son vàng 46 năm Việt dã ảnh 1

Năm 2005, báo Tiền Phong trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển. Song song với sự phát triển đi lên của tờ báo, giải Việt dã toàn quốc mang tên báo Tiền Phong, giải đấu đỉnh cao có tuổi đời lâu nhất trong làng thể thao Việt Nam, cũng có sự phát triển không ngừng và đã bước sang tuổi 46. 

Giải là nơi tranh tài của các VĐV đỉnh cao của điền kinh Việt Nam, cũng là nơi góp phần phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ cho nền thể thao nước nhà. Qua 46 năm phát triển, Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong có nhiều cột mốc đáng nhớ như:

Trong 46 mùa giải Việt dã, Thủ đô Hà Nội là nơi đăng cai tổ chức nhiều giải Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong nhất với 13 lần.

Hà Nội chính là nơi lần đầu tiên Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong được tổ chức vào ngày 25/12/1958 với 72 VĐV thuộc 23 đoàn của 15 tỉnh, thành tham dự. Khác với các kỳ đăng cai tổ chức gần đây quanh bờ hồ Hoàn Kiếm thơ mộng khi đó đường chạy được thiết kế nằm trong khuôn viên Vườn Bách thảo nổi tiếng có chiều dài 5km với nhiều địa hình phức tạp: đường nhựa, đường đất, chạy băng qua thảm cỏ, lên xuống dốc, vượt ngọn núi Nùng xinh đẹp cùng nhiều chướng ngại vật khác.

Cũng tại giải năm đó, “Anh hùng thế vận” Emil Zatopek của nước bạn Tiệp Khắc, người đã 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ năm 1948 tới năm 1953 cũng có mặt thi đấu và là VĐV nước ngoài đầu tiên tham dự giải.

Ba VĐV về đầu giải đầu tiên là nhà giáo Hoàng Viết Mông của tỉnh Lạng Sơn, người từng giật giải nhất cuộc thi chạy Việt dã quanh bờ Hồ năm 1957, Bùi Lương (vô địch Việt dã Hải Phòng) và Nguyễn Chuyển cũng của Lạng Sơn.

Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 5 (23/12/1962) tổ chức tại Nam Định mới có sự góp mặt của “phái yếu”. VĐV Nhạn Mỹ Na của Hà Nội trở thành nữ hoàng đường chạy năm đó.

Phải tới lần tổ chức thứ 27 (5/12/1986) tại An Giang, 2 nội dung thi đấu nam trẻ và nữ trẻ mới được đưa vào chương trình thi đấu. VĐV Nguyễn Duy Đức của đoàn chủ nhà đăng quang ngôi nam trẻ còn VĐV Nguyễn Thị Phương Thảo của Long An giành ngôi nhất nữ trẻ.

Sau giải lần thứ 22 năm 1979 tổ chức tại Huế, vì những lý do khách quan, phải 2 năm sau, năm 1981, Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 23 mới được tổ chức tiếp tại TPHCM. Kể từ lần đầu tiên tổ chức giải cho tới lần thứ 46 này, năm 1980 là năm đầu tiên và cũng là duy nhất không tổ chức Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong.

Bắt đầu từ Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 31 năm 1990 tại An Giang, BTC thống nhất tổ chức giải vào ngày Chủ nhật trước hoặc đúng ngày sinh nhật Đoàn 26/3.

VĐV có thâm niên dự giải nhiều nhất: Hoàng Minh Phước- Bộ Công an với 22 năm liên tục và Bùi Lương- Hà Nội với 20 năm.

Các VĐV nhiều lần giành chức vô địch nhất:

Nam: Bùi Lương (Hà Nội) 9 lần vô địch, Nguyễn Văn Thuyết (Nam Định) 6 lần và đặc biệt nhất là danh thủ Lưu Văn Hùng (Thanh Hóa) với 8 năm liên tiếp đăng quang ngôi vô địch từ năm 1993 tại Pleiku, Gia Lai cho đến khi lần cuối cùng lên ngôi vô địch năm 2000 cũng trên miền đất đỏ Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.

Nữ: Đặng Thị Tèo (Hà Nội) 7 năm, Trần Thị Soa (Nghệ Tĩnh) 6 năm, Vũ Thị Hoa (Quảng Ninh) 4 năm.

Có 2 địa phương đoạt giải vô địch toàn đoàn nhiều nhất là Hà Tây (11 lần) và Khánh Hòa (10 lần).

Giải thưởng: Tổng trị giá giải thưởng gần 60 triệu đồng, lớn nhất trong hệ thống giải thưởng điền kinh quốc gia. Hệ thống giải thưởng Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong gồm giải thưởng cho 10 VĐV nam, nữ hệ đội tuyển, 6 VĐV nam, nữ hệ tuyển trẻ và giải thưởng cho 3 vị trí đầu giải toàn đoàn, đồng đội nam, nữ và cá nhân nam, nữ hệ phong trào. 

MỚI - NÓNG