Những tấn bi kịch

Những tấn bi kịch
TP - Hơn 2000 năm qua kể từ ngày bi kịch đầu tiên – Icare mục tử - ra đời, loài người đã luôn sống trong những tấn bi kịch khác nhau.

> Hãy cứ cho Balotelli ăn… chuối

Dù sớm phải chia tay nhưng Croatia đã để lại dấu ấn đẹp. Ảnh: Tumblr.com
Dù sớm phải chia tay nhưng Croatia đã để lại dấu ấn đẹp. Ảnh: Tumblr.com.

Chính sự xung đột của những đối lập đã tạo nên hai luồng cảm xúc: Vui - buồn, sướng - khổ, hồi sinh - tàn tạ, nhập vào nhau, thống nhất trong một chỉnh thể, dựng lên những triết lý của lẽ đời.

Bóng đá cũng là cuộc đời. Khi người ta phải đối kháng thì sự xung đột luôn luôn hiện rõ và dường như lúc nào cũng ở cao trào của nút thắt như kết cấu bi kịch Aristote. Có người đi phải có người ở lại, có nụ cười phải có nước mắt…

Nga rời Euro khi không tự định đoạt được chính mình. Nga “chết” trước Hy Lạp bởi nghĩ mình là kẻ bề trên.

Cái tôi của kẻ chinh phạt, những lời tán tụng, sự tham hưng phấn… đã bắt Nga gồng mình tấn công thay vì cứ từ tốn tìm lấy một kết quả hòa là đủ. Và rồi Nga nhận đòn đánh chứ danh Hy Lạp: Phòng ngự phản công.

Mỹ học phân loại bi kịch này là bi kịch của sự lầm lẫn, sự kém hiểu biết, sự “ngu dốt”.

Hà Lan rời Euro với 0 điểm trong tay. Theo định nghĩa bi kịch thì cái “chết” của “cơn lốc” còn không được coi là bi kịch bởi nó không để lại niềm xót thương.

Vậy bi kịch của Hà Lan nằm ở đâu? Xin thưa, nằm ở những người kỳ vọng Hà Lan. Đó là bi kịch của cái chết trước bình minh khi những anh hùng được kỳ vọng sa cơ.

Croatia rời Euro với một niềm kiêu hãnh. Bilic rời Croatia cũng có cho riêng mình niềm kiêu hãnh đó. Croatia là kẻ ngáng đường đáng sợ trong mắt những người cùng bảng còn Bilic là người hùng trong mắt CĐV áo caro.

Nhưng tất cả vẫn là bi kịch, khi cái mới, cái tiến bộ, cái cách mạng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu mà tiêu vong.

Ibrahimoviv cùng đồng đội rời Euro nhưng vẫn kịp dạy cho Pháp – những người đi tiếp - một bài học.

Song, cái cách dạy đó không làm người ta mủi lòng với Thụy Điển mà chỉ thêm xót thương cho số phận Ibra, cho bi kịch Ibra – một bi kịch của người hùng sinh ra nhầm thời, nhầm chỗ.

Bi kịch của Ibra cũng là bi kịch của Sheva và đối lập với bi kịch của những Rooben, Van Persie, Sneijder, Van der Vaart…

Aristote chỉ ra rằng: Những con người có hành động nghiêm túc và cao thượng, “người tốt nhất so với những người trong thực tế” sau những xung đột phải chịu đựng sự bất hạnh, thậm chí bị tiêu vong thảm khốc thì đó là bi kịch.

Nhưng sự thất bại của họ làm cho người đời xót thương, ca ngợi họ, vẽ chân dung họ đẹp, “đẹp hơn thực” để treo trước cuộc đời một tấm gương.

Nói cách khác, bi kịch làm trong sạch hóa cảm xúc bằng cách khêu gợi sự xót thương và khủng khiếp (hiệu ứng catharsis).

Chiếu theo lời Aristote, chúng ta có một kết luận: Nga – Bài học; Croatia và Bilic – Tấm gương; Ibra – Sự xót thương; Hà Lan – Sự khủng khiếp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG