Nội binh tiền tỷ nhưng không 'chất'

Nội binh tiền tỷ nhưng không 'chất'
TP - Một cầu thủ chưa được xếp vào diện sao như hậu vệ Đình Đồng của SLNA, cũng có thông tin có giá không dưới 5 tỷ đồng. Sự khan hiếm cầu thủ nội có chất lượng là nguyên nhân chính khiến thị trường cầu thủ VN rơi vào cơn bão giá chưa có điểm dừng.

Tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng thời điểm hiện tại là các CLB thuộc nhóm có nguy cơ cao, như V.Hải Phòng, ĐT.LA, HP.HN…hay thậm chí cả các đội đã có vị trí tương đối ổn định như Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa, B.Bình Dương hay Hà Nội T&T.

Trên sân tập của Hà Nội T&T, vài ngày lại thấy có cầu thủ mới đến thử việc. Sau khi thất bại trong thương vụ mua chân sút Samson Kayode của TĐCS.Đồng Tháp, HLV Phan Thanh Hùng chưa nguôi ý định kiếm thêm một ngoại binh cho hàng công, vốn đã yếu đi nhiều, bất chấp sự trở lại của tiền đạo Lê Công Vinh.

V.Hải Phòng sau trận thua tan nát 0-5 trước HN.ACB, HLV Vương Tiến Dũng mới đây cũng cho biết, đã thử hơn chục ngoại binh. Nhưng cũng như Hà Nội T&T, chưa cầu thủ nào trụ lại được ở đội bóng đất Cảng do không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn.

Các đội bóng còn lại đã kể đến ở trên, thông qua các “kênh” khác nhau đều đang ráo riết tìm kiếm cầu thủ mới. Phương án phổ biến là ngoại binh, cho dù yếu tố may rủi khá lớn. Lý do bởi kiếm được một cầu thủ nội chất lượng lúc này “khó hơn lên trời”, như than thở của GĐĐH một đội bóng ở Hà Nội.

HLV Vương Tiến Dũng khi được hỏi đã thừa nhận, lực lượng cầu thủ nội của V.Hải Phòng đang thiếu hụt trầm trọng, nhưng không biết giải quyết cách nào vì “cầu thủ nội nào tương đối tốt một chút đều đã có vị trí ổn định ở CLB rồi”.

Sự khan hiếm đã khiến giá cầu thủ nội tăng lên chóng mặt. Một hậu vệ “tầm tầm” như Đình Đồng (CLB SLNA) cũng có tin đang được “chào giá” tới 5 tỷ đồng. Hay như thủ môn Quang Huy, dù đang bị “thất sủng” ở V.Hải Phòng cũng đã có không ít đội đánh tiếng mời gọi.

Dĩ nhiên, các đội bóng “có của”, cũng vì vậy luôn trong cảnh lo ngay ngáy. “Hở ra một chút là mất quân liền. Cầu thủ bây giờ quan hệ nhiều, rất khó kiểm soát. Nếu mình không có biện pháp thì chẳng mấy chốc hết người đá”-một lãnh đạo CLB SLNA (xin được không nêu tên) cho biết.

Ở V.League, SLNA lúc này có thể coi là đội bóng có lực lượng nội binh tương đối dồi dào. Hầu hết lại là các cầu thủ trẻ, tiềm năng phát triển lớn, nhưng giá lại chưa đến mức “khủng” như các đàn anh vốn đã có tiếng tăm. Quy định của VFF, cầu thủ chỉ được quyền đám phán và ký hợp đồng với CLB mới 6 tháng trước khi hết hợp đồng với CLB cũ. Nhưng đa số đều “vượt rào” chứ không chờ đợi tới thời hạn cho phép.

Cùng với việc các CLB gia tăng tìm kiếm ngoại binh, hoạt động của các “cò” cầu thủ cũng đang ngày một mạnh mẽ. Bên cạnh các “cò” như Trần Tiến Đại, Mauro (Nhật Bản) vốn đã không còn xa lạ, bắt đầu xuất hiện nhiều “cò” mới, hoạt động tích cực từ trong Nam ra ngoài Bắc. Thậm chí, ở nhiều đội bóng, lãnh đội từ HLV tới GĐĐH cũng bị cho là “tay trong tay ngoài”, tham gia vào hoạt động môi giới cầu thủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG