Tây Ban Nha chỉ còn 2 đại diện ở châu Âu:

Nỗi đau biết tỏ cùng ai

Nỗi đau biết tỏ cùng ai
TP - Một mùa giải thất bát tại châu Âu đang chờ đón người Tây Ban Nha? Chí ít cho đến lúc này điều đó có vẻ là sự thật bởi ở hai giải đấu lớn nhất châu Âu, người Tây Ban Nha chỉ còn một Barcelona tại Champions League và một Getafe tại UEFA Cup.
Nỗi đau biết tỏ cùng ai ảnh 1
Một pha tranh bóng trong trận Real - Roma

Trong lịch sử đá cúp châu Âu, chỉ có mùa giải 2004/05 là năm duy nhất Tây Ban Nha chỉ còn lại một đại diện ở cả hai cúp là Villareal lọt vào đến tứ kết UEFA Cup nhưng rồi cũng nhanh chóng bị loại, khiến người hâm mộ và báo chí xứ sở đấu bò tót không màng tới các vòng bán kết sau đó. Getafe năm nay đã dũng cảm chiến đấu để tiến vào được tới vòng tứ kết nhưng cũng khó hy vọng họ có thể tiến xa hơn.

Dĩ nhiên, việc sa sút của bóng đá Tây Ban Nha không phải vì thiếu tài năng. Ngay cả Valencia, đội bị loại ngay từ vòng bảng Champions League, cũng sở hữu những chân sút cừ khôi đủ sức tranh tài ở đấu trường lớn nhất như David Villa, David Silva, Joaquin hay Fernando Morientes.

Cũng như vậy là trường hợp của Sevilla, Atletico Madrid và Villareal chứ chưa cần nói đến dàn sao rực rỡ của Real Madrid. Vậy mà tất cả những cái tên trên đều bị hất cẳng một cách không khách sáo khỏi những giải đấu danh giá sớm hơn nhiều so với dự đoán.

Và cũng mỉa mai thay, Getafe, đội bóng có lực lượng “còm” nhất, có rất ít cầu thủ tên tuổi và một HLV ít kinh nghiệm nhất, lại là đội tiến xa nhất so với 5 gã khổng lồ kể trên tại La Liga.

Dường như, trong vài năm trở lại đây, các đội bóng Tây Ban Nha đang dần tụt lại phía sau, giống như họ đang đình trệ lại trong khi những đối thủ xung quanh có những bước tiến vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Dĩ nhiên người Tây Ban Nha có ba CLB lọt vào đến bán kết UEFA Cup mùa giải trước nhưng cũng là năm thứ hai liên tiếp chỉ có một đại biểu của La Liga góp mặt tại tứ kết Champions League. Trong khi đó, giải Ngoại hạng thì lại từ ba đại diện năm ngoái tăng lên cả bốn đại biểu, con số tối đa cho mỗi nước, cùng góp mặt ở tứ kết năm nay.

Về mặt tổng thể, Tây Ban Nha không phải là một đại gia về mặt áp dụng chiến thuật thi đấu, cả ở cấp độ ĐTQG lẫn CLB. Thay vì dựa vào chiến thuật chặt chẽ, hợp lý, họ thường dựa vào sự khéo léo và khả năng kỹ thuật, vốn rất thừa thãi, để giành chiến thắng, cũng là để đáp lại đòi hỏi của CĐV, báo giới luôn yêu cầu một thứ bóng đá tấn công, quyến rũ mọi lúc, mọi nơi hơn là một chiến thuật chặt chẽ, hợp lý khi cần thiết.

Bởi thế, triết lý chỉ cần ghi nhiều hơn đối thủ một bàn thắng của cựu chủ tịch Real Madrid Florentino Perez, điều giúp bóng đá Tây Ban Nha lũng đoạn châu lục gần 10 năm trước, đến nay đã không còn hiệu quả.

Một khía cạnh khác dẫn tới thất bại của bóng đá Tây Ban Nha chính là sự trung thành tuyệt đối với một lối chơi.

Dù đã 9 lần vô địch châu Âu nhưng Real dù dũng cảm song có vẻ hơi ngây thơ khi tính bài đè bẹp đối thủ ngay tại sào huyệt của đối phương và bố trí một đội hình thiên về tấn công. Hậu quả là một trận thua để rồi rượt chạy trong vô vọng trước đối thủ dày dạn kinh nghiệm ở lượt về.

Các đội bóng Anh và Italia đã vận dụng rất tốt lợi thế bàn thắng sân khách và nếu họ tiếp tục chơi tốt phần còn lại của mùa giải, họ có thể phế truất danh hiệu giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu của Tây Ban Nha chỉ sau một, hai mùa giải tới. 

MỚI - NÓNG