Nóng Chi Lăng, căng Gò Đậu

Nóng Chi Lăng, căng Gò Đậu
TP - Chỉ trong một tuần, sân Chi Lăng liên tiếp trở thành tâm điểm của V-League. Ba ngày sau khi tiếp người anh em T&T Hà Nội, SHB Đà Nẵng lại làm chủ nhà để nghênh chiến với HA.GL.
Nóng Chi Lăng, căng Gò Đậu ảnh 1
Một pha tấn công của Bảo Khanh  Ảnh: Quang Thắng

Ở lượt đi mùa bóng năm nay, SHB.ĐN chịu thúc thủ tại Pleiku với bàn thua ở những phút cuối cùng, sau một lỗi lầm cá nhân ở hàng thủ, nhưng thất bại đó không nói lên chênh lệch về trình độ giữa hai đội bóng.

Thậm chí, nếu SHB.ĐN đừng cố gắng chơi quá mức thận trọng trước chủ nhà HA.GL thì chưa chắc đội bóng sông Hàn đã phải chịu cảnh trắng tay.

Tuy nhiên, khi đó SHB.ĐN chưa xác lập được vị thế độc tôn như ở V-League hiện nay, nên có thể họ còn ngần ngại để áp đặt lối chơi ngay trên sân khách, nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác.

Với SHB.ĐN hiện nay, chuyện lấy trọn ba điểm ở ngoài sân Chi Lăng không còn là vấn đề quá lớn, bởi ngay cả những nơi được coi là hiểm địa như sân Nha Trang hay sân Lạch Tray cũng còn không ngăn nổi bước tiến của đoàn quân màu cam, thì trên sân nhà Chi Lăng, SHB.ĐN lại càng đáng sợ hơn nữa.

Lịch thi đấu vòng 16 V-League 2009:

Bình Dương – Thể Công
M.NĐ – XM.HP
SLNA – XMCT.TH
K.KH – TP.HCM
SHB.ĐN – HA.GL
T&T HN – ĐT.LA
TĐCS.ĐT – QK4

Lịch sử đối đầu tại V-League cho thấy, SHB.ĐN có thể cầm hoà HA.GL ngay tại Pleiku, nhưng đội bóng phố núi thì chưa bao giờ kiếm nổi một điểm tại Chi Lăng. Trong bốn lần đụng độ gần đây nhất, có tới hai lần HA.GL hứng chịu thảm bại (thua 0-4 năm 2008 và thua 0-3 năm 2005) và chỉ hai lần thua với cách biệt tỷ số tối thiểu (thua 0-1 năm 2006 và thua 1-2 năm 2007).

So với HA.GL, SHB.ĐN trội hơn rõ rệt về thể lực, và đây có thể là điểm làm nên khác biệt trong cuộc chạm trán này. Các cầu thủ HA.GL vốn đã không có nền tảng thể lực sung mãn và lại có phân nửa đội hình bị cảm cúm phải nhập viện vào giữa tuần, nên việc phải đụng độ với đội bóng có lối chơi thiên về sức mạnh như SHB.ĐN là thử thách cực kỳ khó khăn với họ.

Lối chơi của SHB.ĐN tuy không cầu kỳ, bởi bài tủ của họ chỉ là việc phóng những đường chuyền dài lên cho cặp tiền đạo ngoại Almeida - Merlo dứt điểm bằng đầu, nhưng để hoá giải là nhiệm vụ không dễ dàng. Đấy còn chưa kể tới việc khi cần chơi bóng ngắn kỹ thuật thì SHB.ĐN cũng chẳng kém ai, vì trong đội hình của họ còn có những cái tên như Molina hay Nguyễn Rogerio.

Ở một trận đấu khác, cuộc chạm trán Bình Dương - Thể Công tại sân Gò Đậu cũng rất được quan tâm bởi nhiều lẽ. Đây là lần đầu tiên HLV Lê Thuỵ Hải trở lại Bình Dương trong tư cách HLV một đội bóng đối địch sau khi ông đã làm nên lịch sử tại đất Thủ với hai chức VĐQG liên tiếp.

Bên cạnh đó, HLV Lê Thuỵ Hải cũng sẽ có cơ hội gặp lại HLV Mai Đức Chung, đồng đội cũ và cũng là “sếp” cũ (ông Hải là trợ lý cho ông Chung tại Merdeka Cup 2008). Nói một cách nào đó thì đây là trận derby trên băng ghế huấn luyện giữa hai HLV cùng xuất thân từ lò Đường sắt.

Ông Hải và ông Chung giống nhau ở chỗ họ cùng bắt đầu công việc mới ở một đội bóng giàu tham vọng, và cho tới nay, cả hai ông đều chưa xác lập được dấu ấn thực sự của mình tại đây và cũng chưa làm nên một cuộc lột xác thực sự như kỳ vọng. Bởi vậy, trong trận chiến này, khát khao chiến thắng của mỗi HLV lại càng nhân lên gấp bội và chắc chắn sẽ không có chỗ dành cho tình cảm quen biết trong 90 phút thi đấu.

So về thực lực, Bình Dương trội hơn hẳn so với Thể Công, nhưng nếu tính về kinh nghiệm cầm quân tại V-League cũng như độ am hiểu với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì HLV Mai Đức Chung không thể là đối thủ của HLV Lê Thuỵ Hải. Đây mới là lần đầu tiên ông Chung dẫn dắt một đội bóng chuyên nghiệp, còn HLV Lê Thuỵ Hải đã chinh chiến V-League từ 5 năm nay. Thế nên, có thể xem đây là một yếu tố làm nên sự khác biệt trong cuộc chạm trán này.

MỚI - NÓNG