Nước mắt trọng tài

Nước mắt trọng tài
Trên sân cỏ, trong những tình huống nào đó, trọng tài có thể là người làm cho những cầu thủ, những người hâm mộ bóng đá rơi nước mắt, nhưng tại phiên toà này, sau khi nghe tuyên án, chính những trọng tài lại là người rơi nước mắt.
Nước mắt trọng tài ảnh 1
Thời gian đọc bản án mất gần 2 tiếng. Lương Trung Việt mệt nên được phép ngồi - Ảnh: Vnexpress

>> 'Vua sân cỏ' Lương Trung Việt bị phạt 7 năm tù

Trọng tài Trương Thế Toàn - trọng tài duy nhất của Việt Nam được tham dự bắt giải Olympic quốc tế - chỉ vì nhận bồi dưỡng 12 triệu đồng mà bị phạt tới 4 năm tù giam.

Trọng tài Trương Thế Toàn ngậm ngùi: "Tôi không hề có hành vi thổi thiên lệch cho đội nào, sau trận được bồi dưỡng thì nhận. Thật là dại dột khi nghe lời kêu gọi của VFF tự nguyện nộp lại tiền nên phải vào vòng lao lý, nhiều người không nộp và không khai là nhận thì có sao đâu".

Lê Văn Tú, Nguyễn Hữu Thành thì nước mắt chảy dài trên má: "Chỉ có 1,5 hay 3 triệu gì đó, anh Vũ Tiến Thành góp vào bữa nhậu với tôi, thế mà cũng bị quy thành nhận hối lộ và phạt tù. Từ khi bị khởi tố đến giờ, tôi quá khổ rồi, chỉ có 1 bữa nhậu mà đến giờ đã phải bán nhà để làm lộ phí đi lại phục vụ Cơ quan điều tra".

Nhưng nỗi đau lớn nhất có lẽ là Lương Trung Việt. Việt có hoàn cảnh sống rất khó khăn, nghèo túng; tại toà, Việt tự nhận phạm lỗi do nhận thức, ý thức pháp luật hạn chế, chứ không hề hứa hẹn hoặc tác động vào các trọng tài để làm sai lệch kết quả trận đấu. Việt cũng không đủ tiền để thuê luật sư bào chữa cho mình.

Trong những ngày diễn ra phiên xét xử, khi các bị cáo khác khá điềm tĩnh, thoải mái trao đổi với nhau thì Việt luôn cúi đầu yên lặng. Giờ nghỉ trưa, các bị cáo tại ngoại được ra về, một mình Lương Trung Việt dép lê, áo buông ngoài quần, tay mang còng, bó gối, thu người, cô độc và tiều tụy nhai cơm hộp phía cuối phòng xử án. Những giọt nước mắt rơi trong câm lặng ở góc khuất cuối hành lang.

Nỗi đau!

10 phút trước khi phiên xử diễn ra, HLV trưởng ĐTVN Riedl bất ngờ có mặt ở cổng toà để thăm hỏi người trợ lý cũ Vũ Tiến Thành. Rơm rớm nước mắt, Vũ Tiến Thành nắm chặt tay người đồng nghiệp cũ cảm động không nói lên lời. Nhưng Thành đau, vì cuộc gặp lại diễn ra trong tình cảnh đắng cay này.

Khác với 2 ngày xét xử, ngày tuyên án, trong toà xuất hiện rất nhiều gương mặt từ VFF. Nhưng họ chỉ đến với tư cách cá nhân, vì tò mò, để xem, để nghe ngóng...

Vũ Tiến Thành cay đắng "VFF chẳng khác nào cha mẹ mà chúng tôi là những đứa con hư. Nhưng con hư cha mẹ cũng có trách nhiệm, tại sao lại bỏ rơi chúng tôi? Giá như VFF có mặt ở phiên toà này ngay từ đầu, giá như VFF nói giúp với toà một câu về bối cảnh bóng đá VN lúc đó, giá như VFF dám nhận lỗi rằng khi đó đã không có quy chế chặt chẽ để chúng tôi có sự ngộ nhận...Nhưng từ đầu đến cuối, chúng tôi đã đơn độc".

Lê Văn Tú bật khóc ngay trước toà, vì những chứng cứ đưa anh ra trước toà hôm nay lại là do anh tự nguyện nộp hưởng ứng lời kêu gọi của VFF.

VFF khi đó đã hứa sẽ mở lượng khoan hồng cho những trọng tài thành thực khai báo, nhưng đến khi họ phải ra toà vì sự thành thực đó thì lại chẳng ai ở VFF đứng ra nói một câu cho họ. Có lẽ, với những bị cáo, ngoài nỗi đau từ hình phạt của pháp luật, còn một nỗi đau khác!

Theo Lao động

MỚI - NÓNG