Ông bầu bỏ rơi, đội bóng khốn khổ

Ông bầu bỏ rơi, đội bóng khốn khổ
Cho đến ngày hôm qua, đội hạng Nhì Ninh Thuận vẫn không biết chắc có di chuyển ra Khánh Hòa để đá lượt trận cuối vòng bảng giải hạng Nhì mùa này hay không, trong bối cảnh không tiền, không tình và vô chủ. Chuyện thật như đùa với cung cách làm bóng đá ở ta.

Ông bầu bỏ rơi, đội bóng khốn khổ

Cho đến ngày hôm qua, đội hạng Nhì Ninh Thuận vẫn không biết chắc có di chuyển ra Khánh Hòa để đá lượt trận cuối vòng bảng giải hạng Nhì mùa này hay không, trong bối cảnh không tiền, không tình và vô chủ. Chuyện thật như đùa với cung cách làm bóng đá ở ta.

Đội hạng nhì Ninh Thuận đang rơi vào tình cảnh bị
Đội hạng nhì Ninh Thuận đang rơi vào tình cảnh bị "đem con, bỏ chợ".
 

Đội bóng vô chủ

Với giao kèo ban đầu, ông Võ Thái Lâm sẽ bỏ ra 4 tỷ đồng và 1 tỷ đồng còn lại (trong ngân sách dự tính là 5 tỷ đồng/mùa giải hạng Nhì) sẽ được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận “bơm” tiếp hơi. Nhưng, cho đến thời điểm này, ông Lâm mới chỉ bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng để trả lương, cũng như chi phí ăn ở - di chuyển của đội bóng. Và hết! Đó là lý do khiến cho Ninh Thuận vẫn đang nợ cầu thủ 2 tháng lương (6 và 7), cùng số tiền 300 triệu đồng tiền thưởng.

Về lý thuyết, Ninh Thuận thuộc sự quản lý (ngành dọc) của UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện địa phương này đá giải hạng Nhì 2012 cùng sự hỗ trợ của ông bầu Võ Thái Lâm, người từng có thời gian đình đám khi nhảy vào đầu tư cho SG.XT hồi đầu mùa giải năm nay. Nhưng trên thực tế, kể từ những ngày đầu tập trung đá giải đến bây giờ (tháng 2-2012), với tập thể gần 30 con người, vẫn không biết đích xác ông chủ thực sự của họ là ai?!

Địa phương chủ quản (trên danh nghĩa) thờ ơ và tỏ thái độ không hợp tác ngay từ đầu (gây khó khăn ngay cả việc tạo điều kiện về sân bãi tập luyện, thi đấu cho đội bóng), trong khi ông bầu Võ Thái Lâm lúc có lúc không, còn nhà môi giới Trần Tiến Đại (người tác hợp cuộc gả bán Thanh niên Sài Gòn ra Ninh Thuận-PV) quá bận bịu với việc mưu sinh và cả chuyện kiêm nhiệm ở SG.XT suốt thời gian qua, khó thể thò cánh tay ra tận Ninh Thuận mà điều phối đội bóng. Đó là chưa kể ông Đại cũng đang gặp vấn đề về tài chính.

Dấu hỏi dành cho ông bầu

Theo người trong cuộc, sở dĩ ông Võ Thái Lâm quyết định đầu tư vào bóng đá Ninh Thuận là bởi ông muốn tiếp tục được chính quyền địa phương ủng hộ gói thầu tổ yến lớn nhất nhì ở địa phương này. Sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu cái tổ yến ấy không nằm trong Nhà hát cũ ở trung tâm thành phố Phan Rang. Một số hộ dân ở gần đó thậm chí đã nghĩ ra việc xây các tổ yến, để dụ “yến của ông Lâm” qua ở, nhưng bất thành, bởi yến chỉ chui vào Nhà hát. Thế mới oái oăm.

Nhà hát được sử dụng cho việc nuôi yến và điều này gây sự bức bối trong một bộ phận cư dân Phan Rang. Nhưng, đó là chuyện làm ăn vĩ mô, và trong phạm vi bài báo này, chúng tôi khó có thể đề cập từng tiểu tiết. Chỉ biết rằng, vì sự lắt léo và khó hiểu trong giao kèo, với ông Võ Thái Lâm là nhân vật trung tâm, đã khiến cho tập thể gần 30 con người ở cái đội bóng Ninh Thuận đang sống rất vất vưởng: không tiền ăn sáng, tiêu vặt và sắp bị đuổi ra khỏi nơi cư ngụ.

Từ ban đầu, đội bóng đặt 16 phòng trong một khách sạn hạng trung ở Phan Rang, nhưng cho đến lúc này, mấy chục con người ấy bị dồn vào 4 phòng. Chưa hết, khách sạn cũng đã quyết định cắt cơm từ nhiều tuần nay, vì họ không thể tiếp tục ghi nợ nữa. Mùa giải đã sắp kết thúc, ngoài chuyện lương thưởng thiếu đã đành, cầu thủ Ninh Thuận còn đang lo ngay ngáy không biết đào đâu ra tiền để mua vé tàu xe về quê đây? Hỏi thế có bi đát không?!

Sau bầu Tuấn, bầu Long ở HP.HN, bóng đá VN cấp CLB còn chứng kiến khá nhiều cuộc chia tay của những ông chủ hờ. Có thể kể đến ông Lưu Quang Lãm (với Sài Gòn FC và lễ ra mắt hoành tráng ở Nhà hát TP.HCM), rồi các ông Vũ Anh Cường, Võ Thái Lâm (lại là Võ Thái Lâm) vẫn với Sài Gòn FC sau đó. Cho đến vụ “đem con (Ninh Thuận) bỏ chợ” lần này, đúng là chẳng còn điều gì để nói nữa. Tiếp theo sẽ là ông bầu nổi đình nổi đám nào nữa? Thật sự không biết dùng từ gì với cung cách làm bóng đá chuyên nghiệp kiểu VN!

Tình xa

“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…” (trích “Tình xa”, Trịnh Công Sơn).

Đúng là “tình xa” thật, xét hoàn cảnh lịch sử ra đời của đội bóng hạng Nhì Ninh Thuận với tiền thân là Thanh niên Sài Gòn. Sau khi đạt được sự thống nhất ban đầu giữa đôi ba bên: ông Trần Tiến Đại (ông chủ ban đầu và đích thực của Thanh niên Sài Gòn), ông Võ Thái Lâm (người được mệnh danh là “Vua yến” đất Ninh Thuận) và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Thanh niên Sài Gòn dời trụ sở ra Ninh Thuận và lấy danh đội bóng tỉnh này đi đá giải hạng Nhì năm 2012.

Thực tế, đội bóng này cũng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo từ cuối tháng 2/2012, với mục tiêu giao cho BHL là lọt vào bán kết giải hạng Nhì 2012, “chuyện hậu sự cho một trong hai suất lên hạng Nhất, lãnh đạo sẽ có cách”. Cho đến trước trận thua 0-2 trước Trẻ Sài Gòn (FC Thống Nhất) ở lượt trận áp chót, Ninh Thuận vẫn còn tràn trề cơ hội lên hạng. Nhưng, trong bối cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tâm trí đâu mà đá?! Đó là chưa kể đến lý do ngoài chuyên môn.

Nếu Ninh Thuận giành chiến thắng trận đấu trên sân Phú Nhuận hôm thứ Sáu tuần trước, 2 khả năng sẽ đồng thời xảy ra: một suất chơi bán kết giải hạng Nhì cho Ninh Thuận và đối tác Trẻ Sài Gòn sẽ xuống hạng. Ở chiều ngược lại, một trận thua sẽ cứu Trẻ Sài Gòn và Ninh Thuận tính ra cũng chẳng mất gì: tiền bạc (với 2 tháng lương gần nhất và 300 triệu tiền thưởng cho 3 trận thắng gần đây vẫn còn thiếu – PV) và lại bớt được tai tiếng với uy tín của “người lớn” đã xuống con số âm.

Sau rất nhiều những tính toán, Ninh Thuận quyết định bỏ cuộc chơi và cho đến thời điểm này, họ cũng không chắc sẽ đá lượt trận cuối với Trẻ Khánh Hòa (chiều mai, 19/7) nữa hay không, vì làm gì có kinh phí mà di chuyển ra phố biển? Nếu Ninh Thuận bỏ cuộc, họ còn có thể bị đánh rớt hạng và thiệt hại cực lớn. Nhưng có thể sẽ chẳng còn lựa chọn khác, bởi cái sự đói và khát trong lòng đội bóng lúc này, chỉ có doping tiền mới có thể chữa được.

Trong khi lãnh đạo địa phương chủ quản vẫn một mực không chịu thừa nhận đội bóng, thì ông chủ hờ Võ Thái Lâm bặt vô âm tín, trông chờ vào “tình xa” từ “cò” Đại trong hoàn cảnh này là thứ xa xỉ, bởi ngay cả ông Đại cũng cạn kiệt rồi.

“Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình

Làm sao em biết cuộc sống buồn tênh

Đôi khi ta lắng nghe ta”.

Theo Tùy Phong
Thể thao văn hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG