Phải nghĩ cách để chăm lo đầu ra cho các VĐV

Phải nghĩ cách để chăm lo đầu ra cho các VĐV
(TPO) Cuộc đối thoại trực tiếp diễn ra sáng 15/3 đã giải đáp và tháo gỡ khá nhiều những vướng mắc, tâm tư của các HLV, VĐV trong đội tuyển quốc gia, nhằm đảm bảo thành tích cao nhất tại SEA Games 23…

Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu ngành thể thao Việt Nam đã trực tiếp đứng ra đối thoại và trao đổi rất thẳng thắn với tất cả các HLV, VĐV của các đội tuyển. Quan trọng hơn, cuộc đối thoại diễn ra đúng vào thời điểm mà “không khí SEA Games 23 đã nóng dần lên từng ngày” như lời Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái.

Một trong những nguyện vọng được các HLV đề đạt nhiều nhất tới người đứng đầu ngành thể thao chính là vấn đề tiền lương và phụ cấp cho các chuyên gia, HLV và VĐV. Nếu như HLV đội tuyển Wushu Nguyễn Xuân Thi đặt vấn đề thưởng cho các chuyên gia nước ngoài như thế nào thì HLV Lê Công (đội tuyển Karatedo) lại mong muốn Uỷ ban TDTT nghiên cứu để đưa ra mức lương và trợ cấp phù hợp cho các thành viên đội tuyển.

Đúng với tính cách con nhà võ, HLV Lê Công phát biểu hết sức thẳng thắn: “Điều kiện tập luyện của đội tuyển karatedo tại Trung tâm Nhổn hiện nay còn tốt hơn ở ngoại nhưng tôi xin có ý kiến về mức sinh hoạt phí, tiền công tập luyện của các VĐV. Hiện nay mức lương, sinh hoạt trong cuộc sống đã tăng lên đến 3 lần song tiền công tập luyện của các VĐV vẫn chỉ là 25.000đ/ngày”. HLV Lê Công mạnh dạn đề đạt: “Theo tôi nên nâng mức tiền này lên cho các VĐV từ 40.000 - 50.000đ/ngày”. Ý kiến của HLV Lê Công nhận được sự chia sẻ của các đồng nghiệp bằng tràng pháo tay kéo dài.

Một số ý kiến khác của HLV Ngô Đức Uýnh (đội tuyển bắn súng), Nguyễn Văn Thắng (đội tuyển canoeing)… lại đề cập đến vấn đề nâng cấp, bổ sung trang thiết bị tập luyện cho các VĐV nhằm đáp ứng được các yêu cầu khi thay đổi luật thi đấu…, giúp các VĐV có thể nâng cao thành tích hơn nữa.

HLV Minh Tiến (đội TDDC), Phạm Quốc Trọng (đội karatedo)… lại mong muốn các VĐV được chăm sóc sức khoẻ, chữa trị chấn thương và tạo điều kiện học tập tốt hơn. Ông Trọng tâm sự: “Tôi nghĩ là chúng ta cần phải nghĩ cách để chăm lo đầu ra của các VĐV. Đã có nhiều trường hợp các phụ huynh gặp chúng tôi, xin cho con nghỉ thi đấu vì sợ con mình sẽ thành gà công nghiệp, sau khi nghỉ thi đấu không biết làm gì”.

Các VĐV như Mỹ Đức, Anh Tuấn… cũng bày tỏ mong muốn được Uỷ ban TDTT chăm lo hơn nữa đến điều kiện trang thiêt bị tập luyện để có thể đạt được thành tích tốt nhất.

Sau khi lắng nghe và ghi chép đầy đủ những ý kiến, tâm tư của các HLV, VĐV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã khẳng định: “Uỷ ban TDTT luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để VĐV các đội tuyển có thể tập luyện và thi đấu giành kết quả cao nhất. Mục tiêu của Việt Nam ở SEA Games 23 là phấn đấu nằm trong Top 3 vị trí cao nhất.”

Vị lãnh đạo ngành thể thao đã khép lại buổi đối thoại với 4 vấn đề: Thứ nhất, Đáp ứng tất cả các yêu cầu về trang thiết bị tập luyện cho các đội tuyển, các HLV, VĐV có thể tự đi mua theo đúng yêu cầu của mình.

Thứ hai, Tạo mọi thuận lợi tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe VĐV, những VĐV bị chấn thương sẽ được đưa chữa trị ở những nơi tốt nhất. Sắp tới, Trung tâm HLTTQG 1 sẽ được bổ sung thêm bác sĩ.

Thứ ba, sắp tới Trung tâm HLTTQG 1 sẽ phối hợp cùng Đại học TDTT Từ  Sơn mở các lớp dạy học ngay tại Trung tâm. Các VĐV có thể học theo 2 hình thức gồm học theo tín chỉ và học từ đầu, giúp các VĐV có được những kiến thức quan trọng và bằng cấp khi rời đội tuyển.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái khẳng định: Sẽ nghiên cứu và làm việc với Bộ Tài Chính về việc nâng mức lương, tiền công tập luyện cho các đội tuyển trong thời gian tới.

Những cam kết này của Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã giải toả được tâm tư, nguyện vọng của các HLV và VĐV tham dự cuộc đối thoại này. Rõ ràng, khi người lãnh đạo ngành đã trực tiếp chỉ đạo các vấn đề liên quan đến các đội tuyển, có thể hy vọng và tin rằng chất lượng tập luyện, thành tích thi đấu sẽ được nâng cao hơn rất nhiều mà mục tiêu nằm trong Top 3 ở SEA Games 23 đã ngay gần trước mặt.

MỚI - NÓNG