Pháo sáng và 'bóng tối' V-League

Sự cố đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy
Sự cố đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy
TP - Sân vận động Hàng Đẫy từ lâu đã trở thành “địa chỉ đen” của tình trạng đốt pháo sáng ở V-League. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm dường như chưa bao giờ thực sự đánh giá đâu là nguyên nhân của tình trạng trên, để tìm ra hướng giải quyết dứt điểm.  

Chỉ tính riêng mùa giải 2019, sân Hàng Đẫy dẫn đầu về tình trạng để CĐV đốt pháo sáng, với số tiền phạt CLB Hà Nội phải đóng lên tới 175 triệu đồng (sau vòng 22). Ở vòng 6, đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển đã phải nhận án “treo” sân 1 trận, nhưng sau đó khiếu nại thành công.

Một tờ báo đã thống kê, từ năm 2014 đến nay, BTC sân Hàng Đẫy bị phạt nhiều nhất vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng (465 triệu đồng), theo sau là Hải Phòng (265 triệu đồng) rồi Nam Định (125 triệu đồng). Số tiền phạt vì đốt pháo sáng liên quan tới CĐV Hải Phòng cũng cao nhất (33%), còn 2 CLB phải nộp phạt vì pháo sáng nhiều nhất là Hải Phòng (290 triệu) và Nam Định (110 triệu đồng). Ở đây có 2 vấn đề cần đặt ra.

Thứ nhất, ở góc độ là đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh trận đấu, BTC sân Hàng Đẫy hoàn toàn có thể nhận ra, trong cả mùa giải họ cần siết chặt an ninh ở hai trận đấu nóng nhất, là với Hải Phòng và Nam Định. Thực tế ở mùa giải này, cả hai trận đấu của Hà Nội với hai đối thủ trên đều xảy ra tình trạng đốt pháo sáng nghiêm trọng, nhưng an ninh sân không phản ứng kịp thời, hiệu quả.

Điều này cho thấy năng lực đánh giá tình hình của BTC sân Hàng Đẫy và CLB Hà Nội rất hạn chế. Càng đáng trách hơn khi trước trận đấu với Nam Định hôm 11/9, CLB Hà Nội đã được VPF khuyến cáo nhưng không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh. Việc BTC sân Hàng Đẫy bị đánh giá đã chủ quan, buông lỏng công tác đảm bảo an ninh là có cơ sở. Án phạt của Ban Kỷ luật VFF, treo sân Hàng Đẫy 2 trận là cần thiết để những người có trách nhiệm xốc lại ý thức trách nhiệm.

Vấn đề thứ 2, quan trọng hơn theo thống kê trên, CLB Hà Nội cần đặt câu hỏi vì sao Hàng Đẫy lại trở thành địa chỉ “đỏ” với CĐV Hải Phòng và Nam Định như vậy? Trả lời được câu hỏi này, Hà Nội có thể xác định được nguyên nhân gốc rễ, từ đó đưa ra phương hướng giải quyết, bên cạnh việc cần siết chặt lại khâu an ninh.

Ở đây xin kể ra 2 câu chuyện. Mùa giải 2015-2016, Hải Phòng và Hà Nội đã tạo thành cuộc đua song mã tới chức vô địch V-League. Đội bóng của bầu Hiển rốt cuộc giành chiến thắng, nhưng CĐV Hải Phòng đã thể hiện sự bất phục với lý do CLB Hà Nội có nhiều “anh em” ở V-League. Họ đã phản ứng khá mạnh, trong đó có việc tổ chức trao cúp cho đội về nhì.

Mùa giải trước, Nam Định trong cuộc đua trụ hạng với Cần Thơ và trước trận đấu then chốt của Cần Thơ, báo chí đưa tin bầu Hiển treo thưởng cho đội bóng Tây đô 3 tỷ đồng nếu trụ hạng. HLV trưởng Nam Định khi đó, ông Nguyễn Văn Sỹ đã cho rằng “bóng đá giống như trò hề” khi được hỏi về việc này, trong khi CĐV Nam Định phản ứng rất dữ dội.

Để trị dứt điểm “bệnh” cần “bắt” được đúng nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, BTC sân Hàng Đẫy cũng như đội bóng của bầu Hiển có vẻ như chưa bao giờ “đụng” tới được cốt lõi tình trạng pháo sáng bị đốt tràn lan trên sân nhà. LĐBĐVN (VFF) và cả CLB Hà Nội cũng chưa bao giờ đưa ra một câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn trước về chuyện có hay không mối liên hệ giữa CLB Hà Nội và những “người anh em”. Trong khi đó, đây là vấn đề có thể ảnh hưởng lớn tới chất lượng, sự minh bạch, công bằng của V-League.

Hệ quả của nó là sự mất niềm tin với người hâm mộ, chán nản của các CLB khi không thể cạnh tranh sòng phẳng, nản lòng nhà tài trợ, chứ không chỉ vấn đề an ninh liên quan tới pháo sáng.

MỚI - NÓNG