Phía sau cuộc “đào thoát” của Công Vinh

Phía sau cuộc “đào thoát” của Công Vinh
TP- Đã ký kết hợp đồng ghi nhớ với Thể Công nhưng vào phút chót, Công Vinh lại trở thành người của T&T Hà Nội với bản hợp đồng chuyển nhượng mà nhiều nguồn thạo tin cho biết có giá trị lên tới xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Đằng sau cuộc đào thoát ngoạn mục này là cả một câu chuyện ly kỳ.

Phía sau cuộc “đào thoát” của Công Vinh ảnh 1
Tiền đạo Công Vinh

Một lần Thể Công…

Cách đây hơn một tháng, chính xác là vào ngày 3/9, sau khi trực tiếp thương lượng với đại diện CLB Thể Công tại TP Vinh (Nghệ An), Công Vinh đã quyết định sẽ ký hợp đồng có thời hạn ba năm với Thể Công, bắt đầu từ mùa giải 2009.

Giải thích về quyết định này, Công Vinh cho biết: “Tôi chọn Thể Công vì đây là đội bóng có tham vọng, môi trường tốt. Thể Công đã tỏ rõ điều ấy bằng quyết tâm vô địch V-League mùa sau, chính điều này đã thuyết phục tôi hoàn toàn. Tôi cần một môi trường như Thể Công để phát triển sự nghiệp”.

Ở thời điểm ấy, sự lựa chọn của Công Vinh đã gây ngạc nhiên cho không ít người, bởi trước đó, Thể Công hoàn toàn không thể hiện bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy họ muốn mua Công Vinh, mà những đội bóng “máu mê” nhất với chân sút xứ Nghệ phải là T&T HN, XM.HP hay XM.V.Ninh Bình.

Cuối tháng 9/2008, thương vụ gia nhập Thể Công của Công Vinh gần như đã được hoàn thành tới 90% khi đại diện Thể Công vào tận Nghệ An để làm việc với GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm về việc đền bù chi phí đào tạo cho một loạt cầu thủ xứ Nghệ mà Thể Công muốn chiêu mộ như Công Vinh, Minh Đức hay Quốc Vượng.

… và ba năm với T&T HN

Và vào lúc tưởng chừng như sự xuất hiện chính thức của Công Vinh tại Thể Công chỉ còn là vấn đề thời gian thì bất ngờ Công Vinh lại hủy bỏ bản hợp đồng ghi nhớ với Thể Công để quay sang T&T HN, đội bóng mà mới chỉ trước đó không lâu, chính Công Vinh từng nói rằng: “Về đâu cũng được chứ nhất định không về T&T HN”.

Không mất quá nhiều thời gian để thương lượng, bản hợp đồng chuyển nhượng giữa Công Vinh và T&T HN chính thức được ký kết vào tối 17/10 vừa qua.

Hiện nay thông tin chi tiết về bản hợp đồng cũng như mức lương mà Công Vinh nhận được ở T&T HN vẫn được giấu kín nhưng một số nguồn tin cho biết, phí lót tay của Công Vinh nằm trong khoảng từ 7 tới 10 tỷ đồng và lương tháng của cầu thủ này ở T&T HN sẽ không dưới 40 triệu đồng.

Trước mắt, Công Vinh sẽ thi đấu cho T&T HN trong ba mùa bóng, bắt đầu từ năm 2009.

Trao đổi với Tiền phong, HLV trưởng T&T HN Triệu Quang Hà cho biết: “Sở dĩ Công Vinh quyết định gia nhập T&T HN là bởi chúng tôi đã bày tỏ thiện chí muốn chiêu mộ cậu ấy từ rất lâu. Còn việc Công Vinh có ký hợp đồng ghi nhớ với Thể Công hay không thì tôi không biết”.

Giống như HLV Triệu Quang Hà, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, cũng tỏ ra rất kín tiếng khi nói về bản hợp đồng chuyển nhượng đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Ông Hiển từ chối tiết lộ thông tin về khía cạnh tài chính của bản hợp đồng nhưng giải thích rằng Công Vinh lựa chọn T&T HN vì “quý mến đội bóng này”.

Giải mã cuộc “đào thoát” ngoạn mục

Thế nhưng, theo tìm hiểu của Tiền phong, lý do khiến Công Vinh gia nhập T&T HN không đơn giản chỉ vì yếu tố tình cảm như lời ông Hiển, mà thực ra là bởi tiền đạo này đã bị Thể Công bất ngờ khước từ vào phút chót.

Hôm qua, GĐĐH Thể Công Hồ Tri Liêm đã có một ngày cực kỳ bận rộn khi ông liên tục phải nghe điện thoại để hỏi về vụ “mua hụt” với Công Vinh. Thế nhưng, vị GĐĐH này hoàn toàn không tỏ ra thất vọng hay bực tức, mà ngược lại, cách trả lời của ông khiến người ta có cảm giác như Thể Công đang rất vui mừng khi có T&T HN “hứng” hộ Công Vinh.

Ông Liêm nói: “Không phải Thể Công không thiết tha với Công Vinh nữa nhưng chúng tôi phải có sự tính toán hợp lý. Nếu xét dưới góc độ tài chính, Thể Công phải chi 6 tỷ đồng (2 tỷ đồng/mùa giải trong ba năm) cùng mức lương 50 triệu đồng/tháng để có được chữ ký của Công Vinh.

Quy đổi số tiền này ra USD thì mỗi tháng Thể Công phải trả xấp xỉ 14.000 USD cho riêng một mình Công Vinh, trong khi một ngoại binh chơi hay nhất tại V-League hiện nay cũng chỉ nhận lương 8.000 USD/tháng (Leandro của XM.HP là ngoại binh nhận lương cao nhất ở V-League 2008 với thu nhập 7.000 USD/tháng - PV), và nếu cộng thêm cả phụ phí thì cũng chưa tới 12.000 USD/tháng.

Vậy trong trường hợp này, nên lấy Công Vinh hay sử dụng một tiền đạo ngoại có năng lực và sức càn lướt tốt hơn? Bài toán này chắc hẳn là không quá khó để tìm lời giải, và Thể Công đã quyết định lựa chọn giải pháp thứ hai”.

Sự lựa chọn khả dĩ

Nội dung trả lời của ông Liêm cũng trùng khớp với thông tin mà chúng tôi thu nhận được, bởi trước đây một tháng quả thực Thể Công vẫn muốn có Công Vinh. Tuy nhiên, sau khi nhà tài trợ Viettel tỏ ý không xuôi lắm với thương vụ này thì Thể Công buộc phải ngãng ra.

Nguồn tin của chúng tôi cho biết, mặc dù đã giao toàn bộ công việc chuyên môn cho Thể Công lo liệu và chỉ làm nhiệm vụ rót kinh phí nhưng cách thức làm việc của Thể Công trong vụ Công Vinh khiến Viettel không cảm thấy hài lòng, nhất là sau khi Thể Công lại chưa khai thác một cách tốt nhất năng lực của thế hệ U21 mà Viettel từng mất xấp xỉ 20 tỷ đồng để đưa đi châu Âu tập huấn dài hạn cách đây ít năm.

Bởi thế, vào phút chót, Thể Công buộc phải rút lại ý định chiêu mộ Công Vinh và để từ chối tiền đạo này một cách khéo léo, họ đã đưa ra một loạt yêu cầu khiến Công Vinh cảm thấy khó có thể chấp nhận.

Chẳng hạn như việc Công Vinh có thể phải tự bỏ tiền túi để thanh toán chi phí đào tạo cho SLNA, hay Công Vinh không được trả lương trong thời gian khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Thật khó tin rằng một đội bóng có thể bỏ ra 6 tỷ đồng cùng mức lương “khủng” để trả cho Công Vinh như Thể Công lại có cách hành xử theo kiểu “mua con trâu nhưng tiếc sợi dây thừng” như vậy và với người trong cuộc thì phải tự hiểu rằng tốt nhất là nên chấm dứt sự hợp tác này.

Và một khi bị Thể Công nói lời từ chối thì T&T HN bỗng trở thành sự lựa chọn duy nhất của Công Vinh, bởi tiền đạo này đã nhiều lần khẳng định rằng trong trường hợp rời Nghệ An thì Vinh chỉ muốn đầu quân cho một đội bóng ở Hà Nội, vậy nên XM.HP và XM V.Ninh Bình đương nhiên không có cơ hội.

So với Thể Công, T&T HN có thể kém hơn về cả vị thế cũng như tiềm lực tài chính nhưng bù lại, đội bóng của bầu Hiển cũng có tham vọng làm nên chuyện lớn ngay trong mùa bóng đầu tiên tham dự V-League, nên Công Vinh không phải quá băn khoăn khi đưa ra quyết định.

Hơn nữa, khi về với T&T HN, Công Vinh đương nhiên sẽ trở thành ngôi sao sáng giá nhất đội bóng và điều này đồng nghĩa với việc lối chơi của T&T HN sẽ được xây dựng để phục vụ cho Công Vinh.

Trong khi đó, nếu gia nhập Thể Công, Công Vinh chưa chắc đã có được vị trí số một ở đội bóng quân đội, nhất là khi Vinh lại được hưởng chế độ đãi ngộ quá chênh lệch với những trụ cột đã nhiều năm cống hiến cho Thể Công như Bảo Khanh hay Phước Tứ. Chỉ riêng điều này cũng đủ khiến cho khả năng Công Vinh hòa nhập được với môi trường Thể Công hay không trở thành một dấu hỏi to tướng, mà chưa cần nói tới việc liệu tiền đạo này có phát huy được những phẩm chất tốt nhất của mình hay không.

Vậy nên, việc Công Vinh lựa chọn T&T HN làm bến đậu mới cho sự nghiệp của mình có lẽ sẽ mang lại lợi ích cho cả ba bên, Thể Công, T&T HN và dĩ nhiên là cả bản thân Công Vinh.

Vì thế, vụ chuyển nhượng kỷ lục này xét ra lại không quá bất ngờ, bởi về bản chất, nó là giải pháp khả dĩ nhất cho tất cả những bên liên quan trong hoàn cảnh hiện nay.

Cùng với Công Vinh, Thành Lương cũng được cho là một tân binh khác của Thể Công ở mùa bóng 2009 nhưng thông tin từ chính Lương “dị” cho hay, tiền vệ này sẽ ở lại HN.ACB và thi đấu ở giải hạng Nhất 2009 cho tới khi mãn hạn hợp đồng với đội bóng Thủ đô vào giữa năm 2009. Thành Lương cho biết hiện nay anh vẫn chưa chính thức quyết định sẽ đầu quân cho đội bóng nào sau khi rời khỏi HN.ACB bởi vẫn đang cân nhắc. Như vậy, khả năng Thể Công “hụt” tiếp một tuyển thủ quốc gia nữa trong mùa chuyển nhượng này là rất cao.
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.