Phía sau thất bại của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

Phía sau thất bại của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam
TP - Phó phòng các đội tuyển quốc gia VFF Nguyễn Trọng Giáp than thở: “Tôi nghe tin đội tuyển nữ thua tới 0-5 mà buồn quá. Thực ra, theo tôi thì bóng đá nữ Thái Lan không tiến nhanh như ta nghĩ mà chẳng qua là đội tuyển nữ Việt Nam đang... giật lùi”.

Đã có nhiều lý do được đưa ra để biện giải trận thua bẽ mặt của đội tuyển nữ Việt Nam trước Thái Lan, đó là thời tiết nóng, là nhiều trụ cột bị chấn thương, là thể lực của các cầu thủ Việt Nam không tranh đua được với sức trẻ Thái Lan...

Tuy nhiên, lý do lớn nhất cần phải nhắc đến chính là những sai lầm trong chuyên môn và chỉ đạo của HLV Ngô Lê Bằng.

Sau khi lên thay HLV Thái Tuấn, ông Bằng đã thay đổi khá nhiều lối chơi của đội bóng, cụ thể chuyển đổi sơ đồ quen thuộc 3-4-1-2 từ thời HLV Mai Đức Chung, Steven Darby, Thái Tuấn thành 4-4-2.

Các cầu thủ chưa quen với cách vận hành lạ lẫm này và kết quả là từ khi ông Bằng lên cầm quân, ngay cả những trận đá với quân xanh ở Nhổn đội nữ cũng ít khi thắng.

Trận thắng duy nhất là trận gặp tuyển Thái Lan tại Lạch Tray gần 10 ngày trước lại là một trận đấu khá vất vả và không thể yên tâm về chuyên môn khi mà đội tuyển nữ Việt Nam bị dồn ép, chỉ có xà ngang và cột dọc mới giúp các cô gái Việt Nam giữ nguyên mành lưới.

Lùi về đầu tư

Công bằng mà nói, tuyển nữ Thái Lan có tiến bộ bằng việc thắng cả Hàn Quốc và chơi ngang ngửa với tuyển Việt Nam - đó là điều mà trước đây họ chưa làm được.

Thất bại của đội nữ Việt Nam trong trận đấu với Thái Lan chính là biểu hiện rõ rệt nhất của một bước lùi mang tính định hướng và đầu tư.

Bởi vậy điều thay đổi lớn nhất mà bóng đá nữ Việt Nam cần làm không chỉ là tăng cường lực lượng cho SEA Games 24 mà chính là trách nhiệm của Uỷ ban TDTT, VFF và địa phương nâng tầm chất lượng đội bóng cơ sở và giải VĐQG.

Có như thế mới tìm ra được sự ổn định lâu dài và hướng tới những mục tiêu lớn hơn thay vì chỉ tập trung ở SEA Games.

Sự tiến bộ ấy là hệ quả của một cách đầu tư bài bản và tốn kém để bóng đá Thái Lan tiến đến ngôi đầu khu vực và xa hơn là những cuộc chơi tầm châu lục.

Nhưng đúng như ông Nguyễn Trọng Giáp thừa nhận: “Cơ bản là do chúng ta lùi”. Bản thân thành tích ba lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games và nghiễm nhiên đứng vị trí số một Đông Nam Á dường như đã triệt tiêu cố gắng của những nhà quản lý cũng như của chính các cầu thủ.

Biểu hiện chững lại của bóng đá nữ Việt Nam đã bộc lộ ngay tại SEA Games 23, dù đã đoạt HCV nhưng đó là tấm huy chương rất nhọc nhằn hơn hẳn những lần trước.

Một năm sau, mọi chuyện đã rõ ràng hơn khi đội tuyển nữ thua Đài Loan ở ASIAD 15 và không hoàn thành chỉ tiêu đứng thứ ba trong bảng. Và bây giờ là trận thua 0-5 muối mặt trước đội tuyển Thái Lan.

Không khó để nhận thấy bóng đá nữ Việt Nam ngày càng hiếm những nhân tố trẻ có khả năng bởi phong trào bóng đá nữ đã chững lại sau nhiều năm phát triển.

Việc Hà Tây lên ngôi vô địch năm 2006 lại là tiếng chuông cảnh tỉnh cho hai địa phương mạnh nhất là Hà Nội và TPHCM khi công tác đào tạo nữ cầu thủ trẻ đang xuống dốc không phanh.

Bản thân Hà Tây cũng như Hà Nam cũng rất “bí” cầu thủ khi chế độ đãi ngộ thấp, đặc biệt “đầu ra” cho cầu thủ nữ khó khăn khiến họ không còn chuyên tâm bóng đá. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.