Phiên dịch - Nghề tay trái bất đắc dĩ của sao

Phiên dịch - Nghề tay trái bất đắc dĩ của sao
TP - Đặc trưng của dân thể thao là đi nhiều, thậm chí rất nhiều, thế nên, việc một VĐV hoặc cựu VĐV sở hữu vốn liếng ngoại ngữ kha khá mà không qua trường lớp chuyên nghiệp giờ chẳng phải chuyện lạ ở thể thao Việt Nam.
Phiên dịch - Nghề tay trái bất đắc dĩ của sao ảnh 1
Ông Hoàng Vĩnh Giang sử dụng thành thạo cả tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nga. Ảnh:VSI

Nổi tiếng nhất và giỏi nhất trong giới thể thao về ngoại ngữ chắc chắn phải là ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Việt Nam.

Xuất thân là VĐV chuyên nghiệp (ông Giang từng là kỷ lục gia nhảy cao của Việt Nam với thành tích 1m96) và sau này được đào tạo chuyên sâu tại Liên Xô (cũ) cũng như Trung Quốc chuyên ngành thể thao, nên ông Giang rất giỏi tiếng Nga và tiếng Trung.

Bên cạnh đó, do đặc thù của nghề quản lý thể thao, ông Giang cũng học thêm tiếng Anh và đây là thứ tiếng mà ông sử dụng cực kỳ thuần thục. Hẳn nhiều người còn nhớ, tại Hội nghị LĐ thể thao Đông Nam Á trước thềm SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, ông Giang đĩnh đạc điều khiển cả phiên họp với sự tham dự của hàng trăm người bằng thứ tiếng Anh rất chuẩn xác.

Nhờ giỏi ngoại ngữ nên khi cùng thể thao Việt Nam “đánh chuông xứ người”, ông Giang luôn có sự ứng biến hợp lý tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế. Trong số các quan chức thể thao cấp cao hiện nay của Việt Nam, ông Giang là người hiếm hoi có thể trao đổi thẳng thắn với các đồng nghiệp nước ngoài.

Từ cương vị người quản lý thì ông Hoàng Vĩnh Giang là một điển hình, nhưng để lấy một ví dụ như vậy trong số các VĐV hiện đang thi đấu thì sẽ rất khó, bởi các VĐV hầu hết đều sở hữu một vốn liếng ngoại ngữ tương đối.

Chẳng hạn như Đỗ Thị Ngân Thương, cô gái vàng của TDDC Việt Nam, do đã sang Trung Quốc tập huấn dài hạn từ khi còn rất nhỏ nên Ngân Thương sử dụng tiếng Trung cực kỳ thành thạo, và rất nhiều lần Ngân Thương được tín nhiệm nhờ làm phiên dịch cho các chuyên gia Trung Quốc hoặc VĐV các môn khác khi cần.

Không chỉ riêng Ngân Thương, hầu hết các VĐV TDDC khác do đặc thù thường được đưa sang Trung Quốc tập huấn dài hạn từ nhỏ nên đều có thể sử dụng tiếng Trung thuần thục như tiếng mẹ đẻ. Chuyện của các VĐV Wushu cũng tương tự như vậy, dù có đôi chút khác biệt.

Phiên dịch - Nghề tay trái bất đắc dĩ của sao ảnh 2
VĐV Thùy Linh

Thùy Linh, cô gái được coi là “mỹ nữ” của Wushu Việt Nam hiện nay, rất chịu khó học tiếng Trung Quốc và có thể trao đổi với chuyên gia Trung Quốc bằng thứ tiếng này. Không chỉ nói mà Thùy Linh còn có thể viết tiếng Trung, nhưng cô thừa nhận vốn liếng ngoại ngữ của mình chỉ đủ để giao tiếp thông thường, còn nếu muốn nói chuyện thành thạo như người Trung Quốc thì cần phải học thêm nhiều nữa.

Đồng đội của Thùy Linh là Thùy Dương cũng xác nhận như vậy và Thùy Dương có giải thích thêm rằng việc phải nói được và hiểu được một số thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Trung là nhiệm vụ bắt buộc, nếu không sẽ không thể có kết quả tốt khi luyện tập và thi đấu bởi không hiểu được ý thầy và cũng không thể truyền đạt với thầy những suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, không phải cứ đi nước ngoài tập huấn nhiều lần thì sẽ giỏi ngoại ngữ, vì điều này còn phụ thuộc vào ý thức cũng như khả năng của từng người.

Chẳng hạn, tuy cùng là Wushu, nhưng nếu các VĐV Taolu (biểu diễn) như Thùy Linh, ThùyDương hầu hết đều có thể sử dụng tiếng Trung, thậm chí có thể làm phiên dịch giúp các đội khác khi cần, thì không phải VĐV Sanshou (tán thủ) nào cũng có khả năng như vậy.

Nguyên do là các VĐV Taolu phần lớn là nữ giới và thường nhập môn từ rất sớm, nên họ có ý thức học và khả năng nắm bắt tiếp thu kiến thức mới cũng tương đối nhanh, còn các VĐV Sanshou hầu hết là nam, lại không nhất thiết phải nhập môn sớm, nên có không ít VĐV chỉ sử dụng được vài từ tiếng Trung hoặc thậm chí là không biết chút nào.

Trong số các cựu tuyển thủ bóng đá nữ thuộc thế hệ vàng thứ nhất, Thúy Nga là một trong những người có vốn liếng tiếng Trung khá tốt. Thế nhưng, Thúy Nga cũng thẳng thắn thừa nhận rằng mình không thể làm thay công việc của trợ lý ngôn ngữ, bởi nếu muốn đạt tới trình độ như vậy thì phải học hành nghiêm túc và bài bản hơn nhiều.

Theo Thúy Nga, hầu hết các đồng đội của cô đều biết tiếng Trung, nhưng sử dụng tốt nhất là cựu hậu vệ Hồng Phúc, hiện làm việc ở Trung tâm TDTT huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Thúy Nga cho biết, từ khi còn là cầu thủ, Hồng Phúc đã cắp sách tới Trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Trung, và cộng với việc được tiếp xúc trong môi trường tiếng Trung nhiều lần, nên vốn liếng ngoại ngữ của Hồng Phúc đã dày lên rất nhanh.

Tất nhiên, không cần nói thì cũng biết việc có thêm một ngoại ngữ sẽ giúp ích như thế nào cho các VĐV, nhất là sau khi họ không còn thi đấu.

Từ nền tảng là số vốn ngoại ngữ tích luỹ được khi còn là VĐV, họ chỉ cần trải qua một vài khoá học ngắn hạn là có thể sử dụng thuần thục để giúp ích cho cuộc sống của mình.

Chẳng hạn, không ít VĐV Wushu sau khi giải nghệ đã có nghề tay trái là đánh hàng quần áo, với nguồn hàng chính của họ là Quảng Châu (Trung Quốc). Nhờ thạo tiếng Trung nên việc sang Quảng Châu để chọn hàng, rồi mang hàng về Việt Nam bán là chuyện rất đơn giản với họ.

* Trợ lý ngôn ngữ của ĐT Việt Nam hiện nay là ông Ngô Lê Bằng, cựu cầu thủ Quân khu Thủ đô. Sở trường của ông Bằng là tiếng Nga vì ông từng có năm năm theo học ĐH TDTT Liên Xô (cũ) và ông đã làm phiên dịch cho Tổng lãnh sự quán Nga tại TPHCM trong 10 năm. Thế mà chỉ bằng cách tự học tiếng Anh, HLV Ngô Lê Bằng đã dần dần trở thành phiên dịch tiếng Anh từ lúc nào không biết, và từ năm 2006 tới nay, HLV Ngô Lê Bằng đã trở thành trợ lý ngôn ngữ của hai đời HLV ngoại là ông Alfred Riedl và Henrique Calisto.

* Ở giai đoạn hai V-League 2007, sau khi trợ lý ngôn ngữ của SLNA rút lui khỏi cương vị công tác vì lý do riêng, SLNA đã chỉ định tiền vệ Abbey, cầu thủ hiện đang khoác áo Thể Công, làm phiên dịch cho đội bóng. Nhờ có thâm niên hơn năm năm chơi bóng tại Việt Nam nên Abbey sử dụng tiếng Việt rất thuần thục, thậm chí anh là một trong những ngoại binh hiếm hoi ở Việt Nam biết hát bài Tiến quân ca.

MỚI - NÓNG