Quá nhiều bê bối

Quá nhiều bê bối
TP - Mới đi nửa chặng đường nhưng Olympic 2012 có quá nhiều scandal liên quan các VĐV tranh tài.

> Olympic 2012 rúng động vì scandal dàn xếp tỷ số ở môn bóng đá nữ

Trung Quốc làm mọi cách để có thứ hạng cao tại các kỳ Olympic
Trung Quốc làm mọi cách để có thứ hạng cao tại các kỳ Olympic.

Trung Quốc bị chỉ trích

Lần đầu tiên ở một kì Thế vận hội, BTC đã buộc phải loại 8 VĐV của một môn vì thi đấu thiếu trung thực.

Ở lượt cuối vòng bảng bộ môn cầu lông nữ, các VĐV Trung Quốc và Hàn Quốc để tránh gặp “đồng hương” của mình ở tứ kết đã thi đấu không tích cực.

Sau khi xem xét kĩ băng ghi hình, BTC quyết định loại 8 VĐV (4 Hàn Quốc, 2 Trung Quốc và 2 Indonesia) vì đã “không hết mình khi nhập cuộc”.

Cũng từ đây, tranh cãi nổ ra khi nhiều người cho rằng, thi đấu với mục đích cao nhất là giành huy chương vậy tại sao phải phí sức cho một trận không còn nhiều ý nghĩa.

Một trong hai VĐV Trung Quốc bị loại khỏi Olympic là Ya Yang đã tuyên bố giải nghệ sau án phạt.

Câu chuyện lùm xùm này còn chưa kịp lắng xuống thì tờ Daily Mail của Anh bất ngờ tung ra một thiên phóng sự nói về chính sách đào tạo “gà nòi” của Trung Quốc khi bắt các VĐV nhí khổ luyện từ thủa nhỏ với nhiều cơ cực và đau đớn với mục đích giành huy chương Olympic.

Các em bị bước vào ‘lò luyện’ với những giáo án vô cùng khắc nghiệt và phải chấp nhận một tuổi thơ bị đánh cắp.

Tờ báo dẫn ra câu chuyện nữ VĐV giành HCV ở cả ba kì Thế vận hội là Wu Minxia bị ép tập luyện đến mức cả năm không về nhà.

Trong thời gian đó, cô cũng không biết rằng bà nội đã mất và mẹ cô đang vật lộn chống lại bệnh ung thư.

Mục đích cao cả nhất của thể thao là vì con người, thế nhưng những gì ngành thể thao Trung Quốc đang làm dường như đã vi phạm những giá trị đạo đức.

Với chiến lược “mài giũa một thế hệ tài năng”, Trung Quốc đang thực hiện giấc mộng bá chủ trong làng thể thao thế giới và trên thực tế họ vẫn đang vững vàng ở một trong hai vị trí dẫn đầu trên BXH huy chương như một câu trả lời ngạo nghễ trước những chỉ trích của truyền thông quốc tế.

Triều Tiên bị giễu cợt

Các VĐV Triều Tiên đã thi đấu rất xuất sắc tại Olympic London 2012 nhưng có tới hai lần họ bị giễu cợt một cách công khai.

Đầu tiên, BTC Olympic đã nhầm lá cờ của Hàn Quốc khi giới thiệu các nữ cầu thủ Triều Tiên trong một trận đấu bóng đá nữ. Sai lầm rất nhạy cảm này khiến các cầu thủ và ban huấn luyện đội nữ Triều Tiên rất phẫn nộ.

Chưa dừng lại ở đó, một tờ báo ở Australia còn làm trò đùa “chết người” khi đã tự ý đổi tên các đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên thành “Nice Korea” và “Naughty Korea” (“Triều Tiên tốt” và “Triều Tiên xấu”). Rất may là ban biên tập tờ báo đó đã lên tiếng xin lỗi.

Những bê bối khác

Tính tới nay, đã có 5 VĐV bị loại vì sử dụng doping bao gồm: cua rơ Nga Victoria Baranova, VĐV thể dục Uzbekistan Luiza Galiulina, VĐV cử tạ Albania Hysen Pulaku, VĐV chạy đường trường của Ma rốc Amine Laalou và VĐV chạy cự ly ngắn của St Kitts & Nevis, Tameka Williams.

Cũng phải nhắc đến việc đài lửa Olympic, vốn phải được thắp sáng trong suốt thời gian Thế vận hội diễn ra, đã bị tắt chỉ vài ngày sau lễ khai mạc hoành tráng.

Đó là một quyết định của BTC để di chuyển đài lửa sang vị trí khác thích hợp hơn. Tuy nhiên, chẳng thể bịt được những lời bình luận rằng vì lửa Olympic chập chờn nên những bê bối mới diễn ra liên tục như vậy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG