Quần vợt thế giới chia rẽ bởi Djokovic

Novak Djokovic thành lập một tổ chức quần vợt mới
Novak Djokovic thành lập một tổ chức quần vợt mới
TP - Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic gây sốc khi đứng ra thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA), đối đầu với Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nam (ATP).

Sự nghiệp của Novak Djokovic vươn lên một tầm cao mới, sau khi tay vợt 33 tuổi người Serbia đánh bại Milos Raonic ở chung kết Cincinnati Masters 2020 để giành danh hiệu Masters 1000 thứ 35, cân bằng kỷ lục của Rafael Nadal. Chức vô địch Cincinnati Masters 2020 cũng giúp Djokovic kéo dài chuỗi 23 trận thắng trong năm 2020, và biến anh trở thành tay vợt đầu tiên vô địch mỗi sự kiện Masters 1000 ít nhất hai lần.

Dù vậy, thành tích của Djokovic lại bị chính anh làm lu mờ bởi những lùm xùm ngoài sàn đấu. Nhà vô địch Grand Slam 17 lần và tay vợt người Canada Vasek Pospisil (hạng 94 thế giới) khiến làng banh nỉ thế giới ngỡ ngàng khi cùng nhau thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA).

Cuối tuần qua, cặp đôi này tổ chức buổi lễ ra mắt PTPA, với tuyên bố tổ chức này sẽ hoạt động độc lập và tách biệt với Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nam (ATP). Mục đích ra đời của PTPA, theo hai tay vợt này, là để nâng cao tiếng nói của các tay vợt trên sân chơi của chính mình. PTPA sẽ đại diện cho lợi ích của những người chơi quần vợt chuyên nghiệp nam, bao gồm 500 tay vợt đơn nam và 200 tay vợt đôi nam hàng đầu.

 Djokovic từng là chủ tịch Hội đồng các tay vợt của ATP, còn Pospisil là đại diện cho các tay vợt xếp hạng 51-100 của ATP trong hai năm qua, nhưng cả hai đều từ chức vào cuối tuần qua. Trong e-mail kêu gọi các tay vợt gia nhập PTPA, Djokovic và Pospisil cho biết họ sẽ giữ vai trò đồng chủ tịch, với nhiệm kỳ hai năm.

Sự ra đời của PTPA lập tức gây tranh cãi và chia rẽ lớn. Hai tay vợt hàng đầu thế giới là Rafael Nadal và Roger Federer phản đối điều này và cho rằng hiện tại không phải là lúc để gây chia rẽ trong quần vợt. Trên Twitter, Nadal viết: “Thế giới đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp. Cá nhân tôi tin rằng đây là thời điểm cần phải bình tĩnh và đoàn kết. Đã đến lúc thống nhất, chứ không phải là chia rẽ”. Đồng quan điểm, Federer nói: “Đây là những khoảng thời gian đầy khó khăn và thử thách. Tôi tin rằng quan trọng nhất là chúng ta phải đoàn kết với tư cách là người chơi và người yêu thể thao, để mở ra con đường tốt nhất phía trước”.

 Andy Murray, thành viên khác của “Big Four” xác nhận sẽ xem xét thêm trước khi quyết định có tham gia PTPA hay không. “Tôi không hoàn toàn đứng về phía ATP hay PTPA, nhưng tôi cảm thấy rằng ban lãnh đạo hiện tại nên dành thời gian để thực hiện cam kết của họ”. Cũng theo tay vợt người Anh, PTPA sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều, nếu các tay vợt nữ cũng góp mặt.

Nếu điều này diễn ra trong trong tương lai, anh nhiều khả năng sẽ gia nhập PTPA. Bên cạnh Andy Murray, Daniil Medvedev cũng giữ trạng thái trung lập, chờ diễn biến tiếp theo của vụ việc. Trong khi đó, Noah Rubin và Milos Raonic nằm trong số 60 tay vợt xác nhận gia nhập PTPA. Nếu PTPA đi vào hoạt động, một “cuộc chiến” nổ ra với ATP hay thậm chí cả WTA là điều khó tránh khỏi trong tương lai.

MỚI - NÓNG