Roger Federer: Khi “đẳng cấp là mãi mãi”!

Roger Federer: Khi “đẳng cấp là mãi mãi”!
Người ta chờ một cuộc đổi ngôi. Người ta chờ đợi một sự thăng hoa. Nhưng tất cả đã không thành hiện thực. Tất cả đã dừng bước và ngả mũ trước đẳng cấp của một huyền thoại đã và đang ở thời kỳ đỉnh cao – Roger Federer.

>> Australian Open: 'Tàu tốc hành' cập bến Grand Slam thứ 16

Không có chỗ cho sự mất tự tin

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Federer và Murray khi bước vào trận đấu cuối cùng của Australia Open không phải là thứ hạng trên ATP. Cũng không phải số năm thi đấu chuyên nghiệp, tuổi đời hay phong độ. Sự khác biệt lớn nhất: Thái độ tiếp cận trận đấu.

Với Murray đây là một trận đấu của cuộc đời, là sự chờ đợi của cả một quốc gia và là bước ngoặt giúp anh có thể thoát khỏi cái bóng của một tay vợt “dễ dàng lên đỉnh ở ATP nhưng vô duyên với Grand Slam”. Với Federer đây là trận chung kết Grand Slam thứ 22, mở đường cho anh trở thành huyền thoại vĩ đại nhất của làng banh nỉ với chiếc cup thứ 16.

Kết quả là Ferderer bằng bản lĩnh và kinh nghiệm đã nhập cuộc bằng một gương mặt lạnh, cái đầu lạnh, không để các kỷ lục và sự hưng phấn nhấn chìm mình. Trong khi đó, Murray đã không thể vượt qua chính mình. Không bước qua được sức ép của sự kỳ vọng. Anh mất tự tin và chơi một trận dưới sức trong khi thực tế anh còn có thể làm tốt nhiều hơn thế.

Người ta có thể lấy lý do về kinh nghiệm để lý giải cho thất bại chóng vánh trong 3 set của Murray nhưng sẽ có người đặt câu hỏi: Del Potro thì sao?

Trận chung kết Mỹ mở rộng 2009 cách đây chưa lâu mới là trận chung kết Grand Slam đầu tiên của Del Potro. Ở thời điểm đó, Roger còn khát khao chiếc cup Grand Slam hơn nhiều khi anh muốn trở thành tay vợt đầu tiên 6 lần vô địch liên tiếp US Open. Nhưng tay vợt người Argentina đã không cho kinh nghiệm phát huy đúng lúc bằng một trận đấu để đời. Del Potro đã thi đấu với 200% sức lực và tinh thần để bước lên thiên đường bởi anh biết đó là cách duy nhất để vượt qua Federer.

“Nếu với Federer bạn không thi đấu bằng năng lực gấp đôi, thậm chí gấp ba thì khó lòng có thể chiến thắng”, Del Potro đã nói thế. Và khi Murray không thi đấu với 100% tinh thần thì một thất bại là không thể tránh khỏi và không thể bào chữa.

Roger Federer: Khi “đẳng cấp là mãi mãi”! ảnh 1
Murray đã không thể vượt qua chính mình

Sai lầm trong lối chơi

Rất nhiều người đã tự tin dự đoán về một trận thắng cho Murray bởi quá ấn tượng trước phong độ của anh trong 6 trận đấu trước, nhất là chiến thắng tuyệt đối trước tay vợt trẻ đang lên Cilic. Murray đã chơi một thứ quần vợt đầy tự tin và chủ động. Anh đánh bại đối thủ bằng những cú bung trái, những cú thuận tay dọc dây và những pha cứu bóng không tưởng.

Nhưng ở thời điểm chỉ một bước nữa là tới thiên đường, bản năng và sự kỳ vọng đã khiến Murray bất ngờ chọn lối chơi phòng ngự. Anh không dám đánh mạo hiểm, không chọn lối chơi tấn công ngay từ đầu. Anh chỉ vùng dậy và chơi “năm ăn năm thua” khi mọi thứ đã trở nên quá muộn. Bốn set point bị bỏ lỡ là dấu chấm hết cho ước mơ vô địch của một tay vợt vương quốc Anh sau 74 năm chờ đợi.

Ngược lại với Murray, Federer vẫn nhập cuộc với giải pháp tấn công ngay từ đầu. Anh giành được break-point từ rất sớm với những pha tấn công đa dạng bằng cả hai tay và những cú giao bóng cực tốt. Đây không phải trận đấu phô diễn toàn bộ những tuyệt kỹ của Federer như trận bán kết với Djokovic ở US Open hay trận chung kết ngẹt thở với Andy Roddick tại Wimbledon. Nhưng điều căn bản dẫn đến chiến thắng là anh: hiểu rõ đối thủ, áp chế đối thủ và tận dụng những sai lầm của đối thủ.

Anh sẵn sàng tấn công dù mắc nhiều lỗi đánh bóng hỏng hơn nhưng bù lại anh có số điểm winner vượt trội (46 so với 29). Anh tận dụng những áp lực tinh thần của đối thủ để ghi điểm break từ rất sớm. Và anh biết cách vượt qua những cơ hội của đối phương ở thời điểm quan trọng nhất để kết thúc trận đấu một cách gọn ghẽ. Tất cả những kỹ năng đó có lẽ chỉ có ở Federer – ông vua kỷ lục của làng banh nỉ thế giới.

Và hình ảnh người ta trở nên quen thuộc; Federer hôn chiếc cup, cảm ơn gia đình và người hâm mộ đã ủng hộ cho anh trên bục chiến thắng. Mặc dù nhiều người đã hy vọng một sự mới mẻ, một cuộc đổi ngôi nhưng cuối cùng tất cả đều cảm thấy hài lòng với những gì đã diễn ra bởi họ đều biết rằng: ở thời điểm này, Federer vẫn là tượng đài không thể vượt qua của làng quần vợt.

Một cuộc lật đổ như ở chung kết US Open 2009 chắc vẫn còn rất xa…

Theo Vũ Thược
VTV

MỚI - NÓNG