Rồng trắng ra đòn

Rồng trắng ra đòn
TP - Lặn người như rồng cuộn, lão võ sư uốn người đỡ đòn. Võ sĩ giao đấu lăn ra sàn đấu vì đau đớn. Đòn thế của lò võ Bạch Long, trong thế thủ đã tiềm ẩn đòn tấn công đối phương.

Quảng Ngãi có 3 lò võ mang biểu tượng con rồng. Võ sư Bùi Phú Một, người sáng lập năm nay tuổi đã ngoài tuổi 70.

Bán bò học võ

Quảng Ngãi những năm loạn lạc là nơi quy tụ rất nhiều bậc võ lâm anh tài tứ chiếng đến so găng cao thấp. Thế nên, võ thuật được truyền dạy khắp nơi. Ở Quảng Ngãi, lão võ sư Bùi Phú Một (sinh năm 1940) ở phường Quảng Phú được xếp vào hàng danh sư của đất Quảng. Ông là người lập ra lò võ Bạch Long.

Gia tài của gia đình lão nông Bùi Phụ Huynh là 4 con bò. Hằng ngày, cậu con trai Bùi Phú Một được giao nhiệm vụ chăn thả ngoài đồng. Thế nhưng, ông Huynh không ngờ rằng, những ngày chăn trâu cắt cỏ, thằng con trai của mình đã nung nấu chí học võ. Ông cũng không hiểu vì sao thằng con của mình tự dưng múa máy tay chân uyển chuyển như một võ sĩ trên lưng bò.

Buộc trâu ngoài đồng, cậu bé Một (13 tuổi) lén đến thụ giáo học võ của sư phụ Tấn Hoành – một đại sư của đất Quảng Ngãi. Mỗi tháng học võ phải trả tiền thầy 2 đồng. Sư phụ Hoành ngạc nhiên khi thấy thằng học trò có cặp giò đá vút vút như song roi này cứ hứa với thầy: “Dạ con xin tháng sau mới có tiền trả”. Mà nó hứa đến 5 tháng vẫn không thấy tiền đâu.

Bí tiền, về xin cha tiền đi học võ, ông Huynh quắc mắt: “Mày học võ chỉ để ăn trộm !”. Không còn cách nào khác, ông Một lén bán bớt một con bò để nộp tiền cho thầy. Chuyện bán con bò - tài sản của gia đình xem ra nhanh như bán một bó rau. Cậu bé Một mang tiền nộp học phí cho sư phụ. Buổi chiều hôm đó, chờ trời sập tối mới dám lừa bò về chuồng. Đàn bò thiếu mất một con nên cậu Một mắt mũi lấm lét đi vào nhà. Ông già ra chuồng kiểm tra, phát hiện la lớn: “Con bò con đẹp nhất đâu rồi”. Vậy là cậu Một bỏ trốn khỏi nhà. Lang thang ngoài đường học võ, tối ngủ trong đám mía. Cả nhà biết sự tình bán bò để học võ nên gọi về tha tội.

Năm 16 tuổi, sư phụ cho học trò thượng đài ở huyện Mộ Đức. Lần đầu giao đấu, sư phụ dặn nhỏ là chỉ giao hữu thôi. Lên đài, ra được vài đòn, bị trúng một cú đá chí mạng, cậu Một tức khí cuộn người thế hoành đả long xà giáng võ sĩ kia một đòn nốc ao. Những cái nóng nảy thời trẻ sau này trở thành bài học kinh nghiệm để ông Một truyền dạy cho học trò hai chữ: Nhẫn nhịn.

Năm 1976, ông lập lò võ Bạch Long mang biểu tượng con rồng trắng.

Rồng trắng xuất chiêu

Trong ngôi nhà ẩn sau luỹ tre làng, ông Một xoay người với những đòn thế trong bài thiệu. Trên người khoác chiếc áo trắng in hình con rồng cuộn mình trong mây, ông giải thích hai chữ “Bạch Long”. Theo ông, con rồng tượng trưng cho sự biến hóa uyển chuyển nhưng cũng đầy sức mạnh.

Thời trẻ, khi thượng đài, cái thế đánh như rồng cuộn, hổ vồ của ông đã nhiều lần quật ngã các võ sĩ. Một cú lắc người để triệt tiêu lực của đối thủ, khi địch thủ chưa kịp kéo chân về thì đã lãnh trọn một chưởng tối tăm mặt mũi.

Võ sĩ các lò khi nhắc đến Bạch Long thường cho rằng “ớn nhất là đòn phá xương”. Một cú đá ngang sẽ gặp phải chỏ nhọn. Một tích tắc lơ là, Bạch Long sẽ cuộn người theo thế rồng, tấn công chớp nhoáng như cuồng phong, bão tố…

Lão võ sư Bùi Phú Một là con rồng già, bên cạnh ông là những chú rồng con đang tiếp tục phát huy những thế võ uyển chuyển, kỳ ảo khôn lường của ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.