Rụt rè trong chiếc vỏ bao cấp

XM Hải Phòng là trường hợp cá biệt có thể tự sống nhờ nguồn thu hiện nay
XM Hải Phòng là trường hợp cá biệt có thể tự sống nhờ nguồn thu hiện nay
TP - Vì lý do này hay lý do khác và dưới nhiều hình thức, ở một số đội bóng, người ta vẫn cố tình níu kéo chiếc áo bao cấp khoác trên mình, bất chấp sự lỗi thời cùng những hệ quả của nó.
XM Hải Phòng là trường hợp cá biệt có thể tự sống nhờ nguồn thu hiện nay
XM Hải Phòng là trường hợp cá biệt có thể tự sống nhờ nguồn thu hiện nay . Ảnh: Phạm Yên

Sẽ có người đặt ngược vấn đề, các CLB ở VN hiện nay nếu để hoạt động như một doanh nghiệp độc lập đúng nghĩa, thì gần như chết hẳn, chỉ xét ở góc độ lấy thu bù chi. Điều này không sai. Một thực tế không cần tranh cãi, 14/14 CLB V.League đều chưa thể tạo ra nguồn tiền đủ để trang trải các chi phí hoạt động cho CLB.

Đòi hỏi một đội bóng ở V.League sống được như một CLB thuộc các giải vô địch quốc gia châu Âu, tạo nguồn tài chính từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình, đồ lưu niệm… ở thời điểm hiện nay là không tưởng.

Ngay như HA.GL, đội bóng đi tiên phong cho phong trào bóng đá bắt tay doanh nghiệp, nguồn sống cũng không nhờ các hoạt động trực tiếp của bóng đá, cho dù bầu Đức có thể tự hào khoe, bóng đá đã mang lại những thành công rất lớn cho HA.GL.

Thêm vào đó, không thể phủ nhận rằng, dưới nhiều hình thức khác nhau, hoạt động ở các CLB vẫn chịu sự chi phối từ các địa phương. Mác chuyên nghiệp của một CLB, ở một góc độ nào đó mới chỉ mang tính chất đối phó với quy định của VFF và AFC.

Để hô biến một đội bóng thành chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chí của AFC (doanh nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân, nguồn tài chính riêng…) không phải là chuyện quá khó đối với các địa phương.

Tuy nhiên, bất chấp những lý do trên, cổ phần hóa vẫn là bước đi không thể tránh khỏi của các CLB. Một thực tế là sự xuất hiện của các doanh nghiệp đã đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động bóng đá trong nước. Tính cạnh tranh, độ hấp dẫn của V.League đã tăng lên rất nhiều.

Ở góc độ tài chính, dù chỉ là trường hợp cá biệt, XM.HP có thể coi là một ví dụ cho thấy, các CLB bóng đá VN vẫn có khả năng tự nuôi sống mình, nếu biết cách. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh ấy, quá trình cổ phần hóa ở nhiều CLB lại diễn ra khá chậm chạp và gượng gạo. Vì điều kiện khách quan hay lý do nào khác?

Ở đây, xin nhắc lại một chút về trường hợp của Megastar Nam Định. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không thể chắc, đội bóng thành Nam có hoàn tất thủ tục chuyển giao cho nhà tài trợ Megastar trước hạn 31-8 của VFF hay không.

Theo như lời của chủ tịch Nguyễn Hưng Thái, Nam Định mới làm được 50% khối lượng công việc chuyển đổi. Trước những dấu hiệu cho thấy, Megastar đã bắt đầu nản, phía Nam Định lại tỏ ra không mấy vội vàng.

Giải thích về trường hợp của Nam Định với Tiền Phong, Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi cho biết, nếu Nam Định không đủ điểm trụ hạng, hoặc không cổ phần hóa, đương nhiên sẽ phải xuống Hạng nhất. Nhưng nếu Nam Định phạm vào cả hai khoản trên, vừa không cổ phần hóa, vừa không đủ điểm trụ hạng, cũng vẫn được thi đấu ở Hạng nhất, chứ không bị đánh xuống hạng thấp hơn.

Trong khi thời hạn để các CLB Hạng nhất làm xong cổ phần hóa kéo dài tới năm 2014. Thực tế là hiện tại, Nam Định đã gần như chắc suất rớt hạng (đứng cuối bảng xếp hạng, kém đội xếp thứ 12 Lam Sơn Thanh Hóa 12 điểm, trong khi giải chỉ còn 6 vòng đấu). Nhìn trên góc độ này, sẽ dễ hiểu hơn thái độ của Nam Định.

Một ví dụ khác là Lam Sơn Thanh Hóa. Trả lời Tiền Phong mới đây, PGĐ Sở VH-TT&DL kiêm chủ tịch CLB Trịnh Văn Sức cho biết, Thanh Hóa đã lên kế hoạch cổ phần hóa CLB. Việc chuyển đổi sẽ hoàn thành trước thời hạn 31-8 của VFF. Vấn đề đáng bàn: dù gắn kết với doanh nghiệp nào, kinh phí hoạt động của Lam Sơn Thanh Hóa cũng vẫn được nói là từ nguồn ngân sách của tỉnh rót xuống.

MỚI - NÓNG