Sa sút vì yêu?

Sa sút vì yêu?
TP - Nổi lên trong làng quần vợt thế giới từ lúc chưa đầy 16 tuổi với hàng loạt chiến tích đáng nể, giờ đây, khi chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20, sự nghiệp của Nicole Vaidisova đang tuột dốc không phanh.
Sa sút vì yêu? ảnh 1
Vaidisova tại Roger Cup (Montreal, Canada) tháng 7/2008

Cách đây năm năm, Vaidisova xuất hiện như một tài năng trẻ đầy hứa hẹn của quần vợt thế giới. Rất nhiều chuyên gia khi đó dự báo về sự nổi lên của một Maria Sharapova mới. Thực tế là giữa hai cái tên này có rất nhiều điểm tương đồng, dù Vaidisova mang quốc tịch Czech còn Sharapova mang quốc tịch Nga.

Xuất thân từ con nhà nòi nên giống như Sharapova, Vaidisova cũng được làm quen với quần vợt từ rất sớm. HLV đầu tiên của Vaidisova chính là cha cô. Năm 10 tuổi, Vaidisova được cha mẹ đưa vào tập luyện tại Học viện quần vợt Nick Bollettieri tại Florida (Mỹ), nơi đào tạo ra Sharapova, Andre Agassi hay Monica Seles.

Sa sút vì yêu? ảnh 2
Vaidisova trong một trận đấu tại New York tháng 8/2008

Đỉnh cao

Bác sỹ Jim Loehr, một chuyên gia tâm lý người Mỹ rất nổi tiếng trong lĩnh vực quần vợt và từng cộng tác với những cây vợt hàng đầu thế giới như Jim Courier, Monica Seles và Daniela Hantuchova, nói rằng những trường hợp như Vaidisova không phải là hiếm gặp.

Theo Jim Loehr, điều Vaidisova cần làm bây giờ là phải thi đấu thật nhiều, cả đấu thật lẫn đấu tập, với nhiều dạng đối thủ khác nhau để tìm lại năng lực thực sự.

Sự nghiệp của Vaidisova bắt đầu cất cánh vào năm 2003, khi cô lọt vào trận chung kết của ba giải quần vợt liên tiếp và đoạt chức vô địch giải 10.000 USD ITF/Plzen tại CH Czech mà không thua một set nào.

Năm 2004, khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, Vaidisova càng chói sáng hơn nữa, khi cô giành được hai danh hiệu vô địch WTA và có thành tích thắng bại là 31-8 (31 trận thắng, tám trận thua.

Năm 2005, Vaidisova liên tiếp về nhất tại ba giải quần vợt trong ba tuần liên tiếp và kết thúc năm 2005 với một vị trí trong top 20 thế giới.

Năm 2006, Vaidisova lại làm tốn vô khối giấy mực của báo chí khi cô lọt vào tới bán kết giải Roland Garros và chỉ chịu dừng bước trước Svetlana Kuznetsova, sau khi vượt qua hàng loạt đối thủ sừng sỏ như Amelie Mauresmo hay Venus Williams. Nhờ thành tích này, Vaidisova xếp hạng bảy trong top 10 thế giới khi năm 2006 khép lại.

Năm 2007 cũng là một mốc son trong sự nghiệp của Vaidisova với những thành tích như lọt vào bán kết Australian Open, tứ kết Roland Garros và tứ kết Wimbledon.

Sa sút vì yêu? ảnh 3
Vaidisova và Stepanek luôn sánh vai

Tuột dốc

Cứ ngỡ như với bước tiến chóng mặt như vậy, năm 2008 sẽ là thời điểm thích hợp để Vaidisova chính thức toả sáng và gặt hái những chiến tích cao quý hơn nữa.

Tuy nhiên, Vaidisova thi đấu rất không tốt trong năm 2008, khi để thua ngay từ vòng đầu ở cả bốn giải Grand Slam quan trọng nhất trong năm, trong đó chỉ có thất bại trước Serena Williams ở Australian Open là có thể lý giải được, Tại Roland Garros, Wimbledon rồi US Open, Vaidisova đều chịu gác vợt trước những đối thủ chẳng mấy tên tuổi như Bethanie Mattek, Zheng Jie hay Séverine Brémond.

Từ lúc đó trở đi, Vaidisova không còn duy trì được phong độ đỉnh cao như trước và, hiện cô tụt xuống vị trí thứ 80 trên bảng xếp hạng của WTA. Bây giờ, ngay cả việc giành chiến thắng trước những đối thủ từng thua mình một cách dễ dàng trước đó cũng là nhiệm vụ khó khăn với Vaidisova.

Bằng chứng là ở giải BNP Paribas Open đang diễn ra ở Indian Wells (Mỹ), một trong những giải WTA Championship quan trọng nhất của năm và có sự tham dự của bảy trong số 10 cây vợt nữ xuất sắc nhất thế giới, Vaidisova chỉ thắng được Michaella Krajicek và Alona Bondarenko rồi tới vòng ba gác vợt trước Jill Craybas, cây vợt kỳ cựu người Mỹ từng thua chóng vánh trước chính Vaidisova tại Australian Open 2007.

Giải cứu ngôi sao

Nếu như Sharapova giành được Wimbeldon từ khi mới 17 tuổi, Vaidissova cũng trở thành tay vợt trẻ thứ 12 trong lịch sử lọt vào top 10 trên bảng xếp hạng của WTA ở tuổi 17.

Thậm chí, Vaidisova còn trở thành cây vợt đầu tiên giành được hai danh hiệu ngay trong mùa giải đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp (2004), và cô là một trong sáu tay vợt trong lịch sử có được năm danh hiệu trước sinh nhật lần thứ 17.

Lý giải cho sự sa sút nhanh chóng đến mức khó hiểu của Vaidisova, người ta chỉ ra một loạt nguyên nhân như những chấn thương liên tiếp ở tay và mắt cá mà Vaidisova gặp phải và đặc biệt là chuyện tình cảm rắc rối giữa cô với cây vợt đồng hương Radek Stepanek.

Còn nhớ, năm ngoái Vaidisova làm cả thế giới xôn xao khi có tờ báo đưa tin cô đang cặp kè với Stepanek và thậm chí hai người còn hứa hôn với nhau. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Stepanek không nhiều hơn Vaidisova đến 12 tuổi và Stepanek cũng chỉ vừa mới chia tay Martina Hingis sau khi hai người tưởng như đã làm lễ thành hôn.

Tuy nhiên, một nguồn tin thân thiết với Vaidisova thẳng thừng bác bỏ khả năng sự xuất hiện của Stepanek là nguyên nhân dẫn tới quá trình tuột dốc về chuyên môn của Vaidisova.

Nguồn tin này cho hay: "Nói như thế về Radek Stepanek là không công bằng, vì nếu không có anh ấy thì Nicole cũng sẽ yêu một người khác thôi".

Về chuyện thể lực, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Vaidisova hoàn toàn khoẻ mạnh và bằng chứng là cô luôn thi đấu rất tốt trong các buổi tập. Nhưng cũng nguồn tin nói trên tiết lộ: "Tập luyện thì tốt như vậy nhưng khi thi đấu thật sự Nicole lại không làm được điều đó.

Và khi mọi chuyện trở nên xấu hơn, Nicole cũng không thể làm sao để kiểm soát tình hình. Điều tưởng như phi lý đó đang xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thi đấu của Nicole".

Trong nỗ lực giải cứu chính mình, Vaidisova chia tay với HLV người Anh David Felgate kể từ sau Australian Open 2009. Hiện cô quay lại Học viện Bollettieri tại Florida để tập cùng cha dượng và cũng là HLV cũ của mình, ông Ales Kodat.

MỚI - NÓNG