Sa thải HLV ở V-League: Làm bóng đá kiểu 'mì ăn liền'

Sa thải HLV ở V-League: Làm bóng đá kiểu 'mì ăn liền'
Thất bại nhiều thì phải thay đổi. Đó là bóng đá. Nhưng vừa thất bại mà đã thay đổi hàng loạt, việc 2 HLV bị sa thải hay điều chuyển công việc chỉ sau 3 vòng đấu, có lẽ chỉ có ở bóng đá Việt Nam.

Điều gì đã khiến cho các ông bầu nhanh tay sa thải các HLV, nếu đó không phải bóng đá ở Việt Nam đang được nhìn như một cơ hội để người ta chớp lấy, nhằm phục vụ mục đích quảng bá thương hiệu?

Bóng đá là "công cụ" gần như hoàn hảo để quảng bá thương hiệu, để các ông bầu từ trong bóng tối bước ra ánh sáng. Nhưng bóng đá ở Việt Nam lại chưa phải là một "công cụ" làm ra tiền.

Bà Clare Kenny, Giám đốc Marketing của AFC, một trong những nhân vật chủ chốt của Chương trình Tầm nhìn châu Á (Vision Asia), sau khi khảo sát bóng đá Việt Nam (BĐVN) dự tính, với tốc độ kinh doanh bóng đá như hiện tại, các CLB Việt Nam cần ít nhất 15 năm nữa mới bắt đầu làm bóng đá có lãi.

Mà khi chỉ là một công cụ quảng cáo, nó không thể loại bỏ tính thời điểm. Các ông bầu, các doanh nghiệp muốn phút chốc được nhiều người biết tới thường không đầu tư vào bóng đá dài hạn, chờ đợi hàng năm trời mới thấy thương hiệu của mình bắt đầu được đánh bóng.

Ông Đoàn Nguyên Đức ở Hoàng Anh Gia Lai, đưa Lee Nguyễn về để phục vụ cho chiến lược tiếp tục đánh bóng thương hiệu của tập đoàn không đủ kiên nhẫn chờ đợi thêm vài vòng đấu. Phải là thành công tức thì, nếu không nó sẽ tạo ra những hiệu ứng phụ.

Nếu đội bóng HAGL có ngôi sao Lee Nguyễn (từng tập luyện ở PSV Eindhoven và khoác áo U20 Mỹ) mà không giành được chức vô địch, người ta sẽ hiểu, bầu Đức đầu tư sai, nhìn nhầm người. Chính bởi vậy, ông đã lập tức sa thải HLV trưởng Dusit người Thái Lan chỉ sau 2 trận đội bóng này thất bại ở mùa 2009, dù cho trước đó, ông coi quyết định bổ nhiệm cựu danh thủ này như một sự lựa chọn sáng suốt và mang màu sắc của đội bóng hay được gọi là Gỗ.

Trên thực tế, Dusit cũng không phải là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới những thất bại ban đầu, bởi giờ đây, khi đang tiếp tục cầm quân (tạm thay cho HLV mới được bổ nhiệm Chatchai, cũng người Thái Lan), HAGL lại thắng liên tiếp 2 trận.

Đội bóng Ximăng Hải Phòng cũng đã sa thải ông Alfred Riedl chỉ sau 3 trận đấu do HLV người Áo chỉ kiếm nổi 3 điểm về cho CLB trong khi mục tiêu đặt ra là phải có 2 trận thắng.

Người ta bảo đó là điều tất yếu xảy ra, nhưng là từ góc độ doanh nghiệp được giao quản lý đội bóng đất cảng này muốn có ngay một danh hiệu để nâng tầm thương hiệu. Nhưng trong bóng đá, không phải cứ muốn là được và không phải cứ đổ tiền ra là thành công khắc đến.

Chân lý "lên tiếng" rất nhanh, không ai dám đến hành nghề HLV ở Hải Phòng nữa, và sau 1 tuần kể từ khi ông Alfred Riedl ra đi, Ximăng Hải Phòng tiếp tục thất bại.

Hậu quả từ thứ bóng đá quảng bá

Chưa hết, hậu quả từ việc các doanh nghiệp muốn chớp thời cơ với bóng đá không chỉ có thế. Nếu nó chỉ tạo nên sự hỗn loạn tạm thời xem ra cũng còn chấp nhận được, vì sự bù đắp bởi tính hấp dẫn cho bóng đá doanh nghiệp mang lại (tiền nhiều thường nâng cao chất lượng). Nhưng có một nguy cơ lơ lửng, có thể sẽ diễn ra cuộc chia tay hàng loạt trong tương lai không xa, các doanh nghiệp bỏ các CLB, để đi tìm những cơ hội quảng bá thương hiệu khác.

Chiến lược marketing là như thế, trong mỗi giai đoạn có một chiến lược (và chính sách) quảng bá hình ảnh khác nhau, như Pepsi Cola cách đây khoảng chục năm thường tìm đến các tập thể để quảng cáo còn sau đó họ lại hướng tới các cá nhân ngôi sao. BĐVN cũng đã chứng kiến sự rút lui của Đạm Phú Mỹ, PJICO, Vạn Hoa, Thép Việt Úc, Bia Huda, Thép Miền Nam, Thép Pomina, Ngân hàng Đông Á...

Có rất nhiều bài học. Người ta có thể học từ xa, qua những cái giá mà bóng đá phương Tây đã trải nghiệm, và học ngay từ chính những bước đi của BĐVN.

Chiếc cúp Vàng Đông Nam Á sau 49 năm chờ đợi suýt chút nữa đã không thể có, nếu như VFF theo thói quen, sa thải HLV Calisto ở Đội tuyển Việt Nam sau một quãng đường chuẩn bị với trên dưới chục trận đấu không thắng. Thời điểm ấy, có người gọi đấy là sự kiên nhẫn.

Và chính HLV Calisto khi còn ở Đồng Tâm Long An (ĐTLA) cũng là một bài học. Đội bóng này cần tới 3 năm để xây dựng nên một đội hình, một phong cách chơi bóng rồi mới gặt hái những thành công đầu tiên. Nếu ĐTLA cũng sa thải ông Calisto trong 2 mùa đầu tiên, nếu ông Calisto cũng phải xách vali về nước ở mùa bóng 2005 khi ĐTLA rơi xuống đáy của bảng xếp hạng V-League, sẽ chẳng bao giờ người Long An được sờ vào chiếc cúp vô địch của BĐVN cả. 

Thời mà doanh nghiệp "chớp" bóng đá như một cơ hội để đánh bóng thương hiệu, có những ông bầu đòi hỏi thành công phải đến tức thì, sẽ là tiền đề cho một tương lai sau này, rằng bóng đá sẽ làm ra tiền và tự thân nó trở thành một ngành kinh doanh. Còn trước kia, khi chúng ta chỉ có bóng đá bao cấp, các ông bầu là các giám đốc Sở Thể dục-Thể thao chúng ta hầu như chưa nghĩ đến khái niệm "kinh doanh bóng đá".

Giám đốc truyền thông Premier League, Dan Johnson

"Bóng đá Anh phát triển được như ngày nay, giải Ngoại hạng Anh trở nên hấp dẫn nhất hành tinh, là nhờ chúng tôi xác định bóng đá là một ngành kinh doanh giải trí, được xây dựng dựa trên một nguyên tắc: Thành công cần có thời gian. Các CLB đầu tư rất nhiều trong một thời gian dài rồi mới bắt đầu gặt hái. Thành công trong bóng đá nhiều khi không nhất thiết bạn cứ phải là nhà vô địch.

Tôi có gần 1 tuần ở Việt Nam, được xem và được kể về những điều xảy ra với bóng đá của các bạn, tôi thấy Việt Nam thực sự có tiềm năng. Điều cần học hỏi nhất, theo tôi, là các bạn phải hiểu chính xác nguyên tắc ổn định và bền vững. Hãy xem, ở Anh, những CLB ổn định nhất, ít sa thải HLV nhất, đều thành công, như Manchester Utd. và Arsenal"

Theo Trần Diệu Anh
CAND

MỚI - NÓNG