Sao Việt du học quần vợt

Sao Việt du học quần vợt
TP - Cây vợt nữ số một Việt Nam Thùy Dung một mình xách vợt sang Mỹ tập huấn dài ngày, với mục tiêu trước mắt lọt vào top 400 thế giới và giành huy chương vàng đơn nữ tại SEA Games 25 diễn ra cuối năm nay ở Lào.

Cuối năm 2008, Thùy Dung lên đường sang Mỹ tập huấn tại học viện quần vợt Extreme Academy ở Florida. Thùy Dung chọn Florida vì ở đây, Dung có thể tham gia các giải đấu trong hệ thống thi đấu của Hiệp hội Quần vợt Nhà nghề Nữ (WTA).

Theo lịch trình, các giải đấu này diễn ra liên tục hằng tuần ở Florida và Dung sẽ có điều kiện đăng ký tham dự mà không phải di chuyển xa, tiết kiệm chi phí.

Giữa tháng 3/2009, Thùy Dung sẽ chuyển qua Học viện Vic Braden ở St.George (bang Utah). Theo dự kiến, chuyến tập huấn tại Mỹ này của Thùy Dung sẽ kéo dài khoảng năm tháng, sau đó Thùy Dung trở lại châu Á tham dự một số giải trong hệ thống tính điểm của ITF và WTA để hướng tới hoàn tất mục tiêu lọt vào top 400 thế giới. Hiện Dung xếp thứ 659 trên bảng xếp hạng của WTA.

Sao Việt du học quần vợt ảnh 1

Mục tiêu trước mắt của Thùy Dung là top 400 thế giới

Đây là năm thứ tư liên tiếp Thùy Dung tập huấn dài ngày ở nước ngoài và là lần thứ ba cô ghé chân tới Mỹ. Cô gái 22 tuổi này không còn xa lạ với việc phải sống một mình nơi đất khách quê người.

Một ngày của Thùy Dung ở Học viện Quần vợt Extreme Academy tại Florida là tập luyện từ 9h30 tới 12 giờ. Nghỉ trưa xong, tập tiếp từ 13h30 tới 15h30. Kết thúc bài tập tennis, Thùy Dung còn tập thể lực từ 16h30 tới 17h30 rồi mới nghỉ ngơi.

Năm 2008, Thùy Dung giành chiến thắng thuyết phục ở cả giải vô địch quốc gia và giải các cây vợt xuất sắc toàn quốc. Dù vậy, cây vợt nữ số một Việt Nam chưa bao giờ hài lòng với chính mình. Quyết tâm đó của Thùy Dung được thể hiện bằng chuyến tầm sư học đạo dài ngày tại Mỹ.

Tại Extreme Academy, cô đang tập luyện cùng một VĐV nữ từng vào tới chung kết giải Junior US Open 2008 và đang đứng trong top 10 Junior với thứ hạng WTA là 280. Tại Florida, Thùy Dung tập luyện theo chế độ một HLV làm việc với một vài VĐV. Khi chuyển sang Học viện Vic Braden, Thùy Dung sẽ tập một kèm một với HLV riêng.

Sao Việt du học quần vợt ảnh 2
Thùy Dung bên ngoài sân đấu tại giải Delray Beach (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bước ngoặt

Khi còn ở Việt Nam, có rất nhiều lần tôi thi đấu đúng vào ngày 8/3. Còn đón ngày 8/3 ở nước ngoài thì nhiều lắm. Cũng có vài lần tôi được tặng hoa vào ngày 8/3, có lần do người yêu tặng nữa cơ. Nhưng chuyện đó đã là quá khứ”.

Nhà có ba chị em gái nhưng chỉ Thùy Dung theo đuổi sự nghiệp thể thao. Ngày trước cô hay theo bố ra sân tennis nên được tập cùng.

Trong ba năm đầu tiên làm quen với quần vợt (từ 12-14 tuổi), Thùy Dung chỉ tập luyện nghiêm chỉnh vào một tháng hè.

Thế rồi, bước sang tuổi 15, khi lần đầu được gọi vào đội tuyển quốc gia, Thùy Dung chuyển sang tập full-time, nhưng cũng chưa thể gọi là chuyên nghiệp bởi lúc ấy cô chưa xác định được đường hướng tương lai.

Bước ngoặt thực sự chỉ xảy ra ở tuổi 19 khi Thùy Dung lần đầu tiên đoạt chức vô địch quốc gia và cũng đạt được một số thành tích quốc tế trong năm như vô địch giải SAT Open ở Thái Lan, vô địch đồng đội ở Việt Nam, á quân đôi nữ của giải WTA 10.000 USD, vượt qua vòng loại của các giải WTA 10.000 USD.

Thùy Dung tâm sự: “Thùy Dung đặt mục tiêu sẽ lọt vào top 300 của WTA. Nhiều lúc buồn quá không chịu nổi, tôi cố gắng nuốt nước mắt vào trong”.

Không để thất vọng

Thùy Dung cho biết sở thích của cô mỗi khi rảnh rỗi là lên mạng nghe nhạc, đọc tin tức hoặc học tiếng Anh. Cuối tuần có thể tranh thủ đi xem phim, mua sắm.

Cô gái Hà Nội thích “uống cà phê vào lúc trời mưa” vì “trời mưa thì chắc chắn được nghỉ tập”. Thùy Dung giải thích thêm: “Nếu trời nắng ráo mà làm thế thì tôi cảm thấy hơi có lỗi với chính mình”.

“Hơn năm năm theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp, cũng có nhiều lúc cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi. Tôi không muốn mình là kẻ thất bại, chạy trốn hiện tại.

Tôi tự nhủ mình phải tiếp tục đứng lên. Hơn nữa, ngoài tôi, còn có gia đình và rất nhiều người động viên, kỳ vọng.

Tôi không thể để mọi người và bản thân mình cảm thấy thất vọng”.

MỚI - NÓNG