SEA Games 29 và cuộc chiến 'ghế ngồi' ở VFF

Màn trình diễn của thầy trò HLV Hữu Thắng tại SEA Games 2017 có thể tác động mạnh tới nhân sự lãnh đạo cấp cao VFF tại Đại hội VFF lần VIII vào năm sau. Ảnh: VSI.
Màn trình diễn của thầy trò HLV Hữu Thắng tại SEA Games 2017 có thể tác động mạnh tới nhân sự lãnh đạo cấp cao VFF tại Đại hội VFF lần VIII vào năm sau. Ảnh: VSI.
TP - Cuộc chiến tại SEA Games 29 không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với đội tuyển U22 Việt Nam và HLV Nguyễn Hữu Thắng. Thành bại ở giải đấu sắp diễn ra tháng 8 này ở Malaysia thậm chí nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới nhân sự lãnh đạo cấp cao Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

Chuyện thay ngôi, đổi chủ vị trí “lái trưởng” đội tuyển Việt Nam sau mỗi giải đấu cấp khu vực, như SEA Games hay AFF Cup vốn không hề lạ xưa nay. Như một điều luật khắc nghiệt, trong bóng đá thành tích là yếu tố tiên quyết, quyết định chiếc ghế của ông thầy có được vững hay không. Việt Nam hay thế giới đều vậy.

Với trường hợp của HLV Hữu Thắng, sau thất bại ở AFF Cup 2016 thì SEA Games 29 trở thành canh bạc sinh tử. Ông Thắng, hoặc có tất cả, hoặc chấp nhận ra đi. Vấn đề đối với cựu trung vệ xứ Nghệ không chỉ là thành tích chuyên môn đơn thuần. Điều quan trọng hơn, nhiều ý kiến bắt đầu hoài nghi về lối chơi của các ĐTQG dưới thời HLV Hữu Thắng. Tiki-taka “phiên bản Việt” như mong ước của ông Thắng rốt cuộc đã không cho thấy hình hài rõ nét, và có lẽ bản thân HLV Hữu Thắng cũng bắt đầu chấp nhận rằng, trên thế giới chỉ có một Barcelona. Pep Guardiola hay Sir Alex Ferguson, những nhà cầm quân cựu trung vệ xứ Nghệ thán phục, cũng không có người thứ hai.

Tuy nhiên, SEA Games 29 sắp tới còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế đối với dân làng bóng, mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết. Thành bại ở giải đấu sắp diễn ra tại Malaysia không chỉ quyết định chiếc ghế của HLV Hữu Thắng, mà thậm chí có khả năng xoay chuyển cả nhân sự lãnh đạo cấp cao VFF, nhiệm kỳ VII. Điều này nghe có vẻ vô lý, khi trên thế giới, thành bại của một đội tuyển luôn gắn chặt với trách nhiệm của HLV trưởng, còn trách nhiệm của các liên đoàn, nếu bị đưa ra xem xét, phải ở góc độ hoàn toàn khác. Tuy nhiên ở bóng đá Việt Nam thì không lạ.

Một ví dụ điển hình có thể viện ra như năm 2011, khi U23 Việt Nam thất bại tại Indonesia dưới tay HLV Falko Goetz. Ông Goetz, như “quảng cáo” của nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lúc bấy giờ, là HLV ngoại tốt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, thất bại đau đớn của U23 Việt Nam ở Jakarta sau đó không chỉ khiến ông Goetz phải ra đi mà còn khiến một quan chức “cỡ bự” VFF thời điểm trên, TTK Trần Quốc Tuấn phải từ chức, dù chỉ đóng vai trưởng đoàn. Việc vắng một tay chuyên môn thạo việc như ông Trần Quốc Tuấn đã khiến công tác điều hành của VFF một thời gian dài sau đó lao đao, cho tới khi đương kim Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hiện nay đắc cử, và đưa ông Tuấn trở lại.

Câu chuyện kiểu trên khó lặp lại trong bối cảnh hiện nay, khi các vấn đề chuyên môn trở nên rành rẽ hơn. Tuy nhiên như trên đã nói, thành tích của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 vẫn có thể gây xáo trộn nhân sự đội ngũ cấp cao VFF trong tương lai. Lý do bởi chỉ sau đây gần 1 năm, nhiệm kỳ VII VFF sẽ kết thúc, đại hội theo kế hoạch sẽ diễn ra để mở đầu cho một giai đoạn mới. Viễn cảnh dễ nhìn ra nhất là Chủ tịch Lê Hùng Dũng, do vấn đề sức khoẻ, có thể rút lui. Ông Dũng như nhiều người trong giới biết, từ lâu đã muốn bỏ chiếc ghế “quyền rơm, vạ đá” như lời ông từng nói, và chỉ trụ lại vì đại cục. Vị trí Phó chủ tịch tài chính của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là chiếc ghế thứ 2 có khả năng đổi chủ. Ông Đức đã khẳng định sẽ ra đi nếu U22 Việt Nam không đoạt HCV SEA Games 29. Thậm chí, người ta cũng không rõ nếu thầy trò HLV Hữu Thắng đăng quang, ông Đức còn khát khao ở lại ngôi nhà VFF hay không.

Đây là hai chiếc ghế dễ nhìn ra nhất. Trên thực tế, các vị trí khác ở VFF cũng hoàn toàn có khả năng đổi chủ sau giải đấu sắp tới tại Malaysia. Với một nền bóng đá mà phản ứng đối với những thành tích trong ngắn hạn luôn mâu thuẫn với các kế hoạch, đòi hỏi về tương lai dài hạn, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mọi thành công ở các cấp độ khác nhau khó có thể được đánh giá một cách tỉnh táo, và rất dễ bị che khuất vì những kết quả trong ngắn hạn.

SEA Games 29 và cuộc chiến 'ghế ngồi' ở VFF ảnh 1
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.