Sea Games: Khổ vì thử...doping

Các VĐV điền kinh thường là những người khổ nhất khi lấy mẫu thử doping. Ảnh: D.B.B
Các VĐV điền kinh thường là những người khổ nhất khi lấy mẫu thử doping. Ảnh: D.B.B
TP - Vừa thi đấu xong, người chưa ráo mồ hôi đã phải vào phòng kiểm tra để lấy mẫu. Ai không hoàn thành định mức của BTC thì cứ thế ngồi chờ, không được phép lang thang nơi khác. VĐV cứ nghĩ đến phải kiểm tra doping là ngán.

> Lởn vởn bóng ma doping ở Sea Games 26

Theo quy định của BTC Inasoc, tất cả các VĐV đoạt HCV đều bắt buộc phải kiểm tra doping. Với các đối tượng khác, BTC sẽ chọn ngẫu nhiên người cần phải kiểm tra.

Như môn điền kinh, 9 HCV của VN là 9 que thử. Cộng với thêm khoảng trên dưới 50 que thử nữa cho các VĐV còn lại. Nhưng riêng như môn bắn súng, theo HLV Nguyễn Thị Nhung, ba VĐV đoạt thứ hạng cao nhất đều phải lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra doping.

Để thực hiện việc trên, ngay sau mỗi trận đấu BTC đều bố trí người chờ bên ngoài. VĐV bị chọn kiểm tra sẽ phải đi theo vào phòng lấy mẫu. Quy định là VĐV phải “cho” đủ một lọ dung tích khoảng 120ml.

Thực ra với VĐV một số môn, việc lấy mẫu xét nghiệm doping không khó. “Nhoắng” cái là xong. Nhưng với một số môn đòi hỏi cường độ vận động cao thì quả là cực hình.

Tỷ như các nội dung đường trường của điền kinh. VĐV sau khi phải chạy quãng đường dài vài kilômét, cơ thể ra mồ hôi nhiều, nên đến lúc vào phòng lấy mẫu xét nghiệm thì…hết tiền.

Uống đầy bụng nước cũng không thể cho ra sản phẩm đủ theo yêu cầu của BTC. Dù có uống đầy bụng nước, nhưng cơ thể vẫn không tiết ra được. Cách duy nhất là ngồi chờ. Đây quả là cực hình với các VĐV, khi vừa trải qua trận đấu vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng.

VĐV Nguyễn Thị Phương (HCB cự li 3000m vượt chướng ngại vật) than thở, ngay sau khi rời cuộc đua đã bị người của BTC lôi đi, ngồi tới nửa đêm mới được về. Quy định của BTC, nên bắt buộc phải tuân thủ. Nhưng về đến phòng thì tưởng không còn chút sức nào.

Trong chuyện này có lẽ chỉ VĐV nước chủ nhà Indonesia là sướng, bởi gà nhà bao giờ cũng được ưu ái hơn. Nhiều VĐV nước bạn, thi xong là tót về làng VĐV, khỏe re.

Đây cũng nói thêm, là để việc kiểm tra khách quan, trong thành phần giám sát về doping của Inasoc cũng có cả chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, việc kiểm tra trong sáng đến đâu thì nói như Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy, “người ta làm với nhau chứ mình làm sao biết”.

Kể cũng lạ, các VĐV điền kinh của Indonesia kỳ này chạy như lên đồng. Người vượt qua Nguyễn Thị Phương ở cự li 3.000m vượt chướng ngại vật, Rini Budiarti cũng chính là người đã thua cô rất xa ở giải vô địch châu Á 2011 diễn ra cách đây 2 tháng. Nguyễn Thị Phương cho biết, hoàn toàn bất ngờ với sự tiến bộ vượt bậc của Rini.

Từ Palembang, Indonesia

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG