SHB.Đà Nẵng và Hà Nội T&T hay chuyện hai đội bóng nhà bầu Hiển

SHB.Đà Nẵng và Hà Nội T&T hay chuyện hai đội bóng nhà bầu Hiển
TP - Bốn năm, tám lần chạm trán, các trận đấu giữa Hà Nội T&T với SHB.Đà Nẵng chưa bao giờ kết thúc với tỷ số hòa. Kịch bản luôn là một đội thắng ở lượt đi rồi sau đó thua ở trận lượt về bất kể sân nhà hay sân khách.

> CLB Hà Nội có được thăng hạng V.League?

Những cuộc đối đầu giữa Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng luôn gây nên nhiều điều tiếng trước và sau trận đấu. Ảnh: VSI
Những cuộc đối đầu giữa Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng luôn gây nên nhiều điều tiếng trước và sau trận đấu. Ảnh: VSI.

Một ông chủ, hai đội bóng trở thành một trong những vấn đề gây tốn nhiều giấy mực của báo giới nhất những năm gần đây.

Theo thống kê, kể từ khi Hà Nội T&T giành quyền thăng hạng ở mùa giải 2009 đến nay, mỗi khi gặp nhau trong một mùa giải, mỗi đội đều thắng một trận và thua một trận.

Cụ thể, mùa giải 2009 và 2010, Hà Nội T&T thắng cùng với tỷ số 1-0 trên sân Hàng Đẫy nhưng sau đó đều thua 1-2 và 0-1 khi đến làm khách tại Chi Lăng. Năm ngoái, trận lượt đi trên sân Hàng Đẫy SHB.Đà Nẵng thắng 2-0 thì lượt về, Hà Nội T&T kiếm lại ba điểm khi thắng 3-1.

Kịch bản trên tiếp tục được lặp lại ở mùa giải năm nay, sau khi để thua trên sân Chi Lăng, đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng lại thắng 2-1 trong cuộc chạm trán trên sân Hàng Đẫy diễn ra ở vòng đấu 20 vừa qua.

Nếu cho đây là một sự trùng hợp thì lịch sử bóng đá VN đang ghi nhận một cặp đấu hiếp gặp nhất, đến mức rất đáng để vỗ tay tán thưởng.

Ở vị trí của bầu Hiển, khi mà Hà Nội T&T hay SHB.Đà Nẵng đăng quang chức vô địch đều đem lại niềm vui như nhau thì kịch bản trên rõ ràng là hoàn hảo nhất, bởi hai đội bóng luôn giành được số điểm tối đa có thể (6 điểm)/hai cuộc đối đầu, thay vì chỉ là hai hoặc bốn điểm.

Về phía VFF, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng đây là vấn đề phát sinh trong quá trình lên chuyên nghiệp của bóng đá VN. Theo ông Hỷ, tình trạng này chỉ có thể giải quyết vào năm…2020, còn nếu lúc này làm chặt quá các ông chủ doanh nghiệp có thể quay lưng lại với bóng đá.

Kết thúc mùa giải 2011, trong số những tồn tại của bóng đá VN được nêu ra, Bộ VH-TT&DL đã đề cập tới thực trạng “một ông chủ, hai đội bóng” ở V.League.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải đã có ý kiến yêu cầu VFF tìm biện pháp xử lý. Sau khi thành lập Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định, sẽ giải quyết triệt để vấn đề trên. VPF sau đó ra tuyên bố, cho T&T một năm để tự xử lý.

Bản thân Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên để làm gương đã phải chuyển nhượng cổ phần ở K.Kiên Giang khi đội bóng này được thăng hạng V.League mùa giải này do đã có CLB bóng đá Hà Nội đang chơi tại V.League.

Đội Hà Nội không được thăng hạng

Đây là khẳng định của một lãnh đạo VFF với Tiền Phong trước câu hỏi đội bóng hiện đang dẫn đầu giải hạng Nhất của bầu Hiển, đội Hà Nội, có được thăng hạng không nếu giành chức vô địch.

Ở giải hạng Nhất, đội Hà Nội hiện được 38 điểm sau 20 trận, hơn đội xếp thứ nhì ĐT.LA năm điểm. Theo lãnh đạo VFF trên (xin được tạm thời không nêu tên), đội Hà Nội sẽ phải chuyển đổi chủ sở hữu nếu muốn lên thi đấu ở V.League. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 không cho phép hai đội bóng cùng một chủ sở hữu được thi đấu ở một giải đấu có lên xuống hạng.

Trong trường hợp không chuyển chủ sở hữu (không bán, bán không ai mua), BTC buộc sẽ phải nghiên cứu hướng xử lý, nhưng chắc chắn đội Hà Nội không được thăng hạng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG