Sự lên ngôi của bóng đá thực dụng

Sự lên ngôi của bóng đá thực dụng
TP - Vòng tứ kết World Cup 2006 đã cho thấy thật khó tồn tại thứ bóng đá thuần tuý nghệ thuật. Bóng đá đẹp đã và đang trở nên thứ đồ xa xỉ mà người ta chỉ có thể thấy được trong những trang báo…
Sự lên ngôi của bóng đá thực dụng ảnh 1
Đội tuyển Đức đã thể hiện một lối chơi đẹp mắt và cống hiến

1.Trong 8 trận đấu 1/16, có đến hơn nửa là bóng đá thực dụng giành chiến thắng. Selecao chỉ cần giành 3 điểm, giữ sức giữ quân và chơi như đi du lịch khi hạ Ghana đến 3-0.

Các trận đấu đầy toan tính còn lại đều như thế: Italia phải dùng đến cú ngã của Grosso để lấy 3 điểm của Australia, Ukraine cũng có cú ngã kệch cỡm của Sheva để loại Thuỵ Sỹ, Anh hơn bàn thắng rồi mà vẫn phải lui về phòng thủ giữ điểm ở sân nhà.

Và Argentina phải cò cưa rình rập khi bị Mexico cầm chân, bỏ lại phía sau dư vị tuyệt vời của trận thắng 6-0 tại vòng đấu bảng. Pháp cũng phải dùng đến tiểu xảo của Henry ở phút 83 tạo quả phạt để Vieira ghi bàn tạo nút thắt cho trận thắng 3-1 vừa giúp Pháp đi tiếp vừa làm Zidane toả sáng muộn.

Chỉ có Đức gây bất ngờ với lối chơi mang nét mới mẻ nhất cho đến nay: Xông lên về phía trước, ghi bàn bằng mọi cách có thể, cống hiến hết cả…

2. Không kể trận thắng khá dễ dàng của những người Italia luôn là biểu hiện của thứ bóng đá thực dụng, lại sở hữu một đội hình thiện chiến, họ vào cuộc trước một đội tuyển Ukraine còn khá non nớt trên sân chơi lớn, 3 trận đấu còn lại, là thành công của bóng đá thực dụng.

Sai lầm chết người của HLV Pekerman là đã quá thực dụng trong tư tưởng bảo vệ thành quả. Vị HLV này quên rằng họ đang chơi với người Đức, trên sân Đức và khi mà thời gian đang đứng về mình với “cuộc tra tấn” đội Đức thông qua con số hơn 60% thời gian kiểm soát bóng và lợi thế dẫn bàn.

Quên nên thất cơ, vì đưa ra sân nhà kiến tạo kỳ tài Riquelme, tay săn bàn cừ khôi Crespo, trong khi ấy, nét tươi mới mang yếu tố thực dụng của bóng đá Đức là tư tưởng tấn công, tấn công toàn diện của người Đức và nhất là tinh thần Đức, đặc biệt trong thời gian thi đá luân lưu 11m. Chính điều này là bi kịch lớn của điệu tango Argentina ngay thời điểm tràn đầy hy vọng của họ.

Đội bóng được coi là ứng viên số một Brazil lại chơi thực dụng theo kiểu khác. Chơi như gà mắc tóc, hờ hững không phảng phất một chút gì của samba, các cầu thủ Brazil chỉ lấn sân được có 5 phút cuối trận, khi đã bị đội tuyển áo lam chơi cực kỳ hay và đặc biệt là một Zidane xuất thần dẫn điểm.

Trận đấu sinh tử giữa tuyển Anh và Bồ Đào Nha lại là khúc ca bi tráng để tiễn biệt đội bóng đảo quốc sương mù với những tô vẽ không cần thiết vẫn được dư luận dường như quá ưu ái đã dành cho.

Trước một đối phương cọc cạch về đội hình, một đội tuyển chỉ biết trông đợi bàn thắng từ tuyến tiền vệ mà chính tuyến giữa ấy lại thiếu 2 gương mặt chủ chốt là Deco và Costinha, sư tử Anh vẫn chỉ biết vận dụng thô thiển sơ đồ 4-1-4-1 với một mũi nhọn Rooney, luôn bị chia cắt về không gian.

Họ đã chứng minh nhận định về lối chơi khô cứng của mình từ các trận đấu trước đó chỉ là thảm họa nếu cứ trông chờ sự phát hoả có phần may rủi của Beckham.

60 phút cuối trận đấu với Bồ Đào Nha là 60 phút mà những chú sư tử Anh chơi hay nhất giải. Và đáng buồn, đó cũng là những phút cuối cùng của họ ở World Cup 2006.

3. Vòng tứ kết World Cup 2006 đã cho thấy thật khó tồn tại thứ bóng đá thuần tuý nghệ thuật. Selecao thất bại, kéo theo ý niệm về sự lụi tàn của thứ bóng đá đẹp và tư tưởng thực dụng trong trận đấu lịch sử mà chính họ chưa kịp thích ứng. Và bất luận thế nào, bóng đá đẹp đã và đang trở nên thứ đồ xa xỉ mà người ta chỉ có thể thấy được trong những trang báo…   

MỚI - NÓNG