Sự lụi tàn của một thế hệ

Sự lụi tàn của một thế hệ
Chỉ cách đây vài năm, họ vẫn là những vì tinh tú trên bầu trời bóng đá châu Âu, là nỗi thèm khát của bao đại gia, là tượng đài trong lòng người hâm mộ. Nhưng giờ đây...

Năm 2002, Luis Figo chìm đắm trong giấc mơ ngọt ngào. Tuyển thủ Bồ Đào Nha cùng Real Madrid bước lên ngai vàng bóng đá châu Âu, giành chức VĐ Champions League. Chính năm ấy đã đánh dấu sự thăng hoa tột bậc của Figo, được cụ thể hoá bằng danh hiệu mà cầu thủ nào cũng mơ ước: “Quả bóng vàng thế giới”.

Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho Figo, cho tài năng nở rộ của anh, cho những màn leo biên tốc độ, kỳ diệu và mạnh mẽ của anh. Vậy mà, hiện tại anh đang lo sốt vót tìm chốn nương thân. Khi mà thời gian đã in hằn trên những bước chạy nặng nề, Figo không còn là sự lựa chọn số 1 của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Real muốn đẩy anh ra đường càng sớm càng tốt.

Liverpool đã đặt vấn đề, nhưng lại e ngại trước mức giá 2 triệu bảng mà phía Real đưa ra. Gần nhất, Bolton và Middlesbrough cũng muốn thử vận, nhưng chỉ đồng ý cái giá...cho không, còn bản thân tiền vệ 33 tuổi phải chấp nhận giảm 50% mức lương hiện tại (90 nghìn bảng/tuần). Thật xót xa khi biết rằng, năm 2000, Figo chuyển từ Barca sang Real Madrid với giá kỷ lục thế giới: 37 triệu bảng!

Cũng trong năm 2000, Steve McManaman (sinh năm 1972 như Figo) ghi bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Valencia trong trận CK Champions League - một bản sao từ pha làm bàn kinh điển của tuyển thủ người Uruguay Gustavo Poyet.

Chiếc cúp Châu Âu 2002 của Real Madrid cũng in đậm bóng dáng McManaman. Còn bây giờ? Xin thưa, tiền vệ hào hoa này đang bơ vơ sau khi bị Man City sa thải, đang tính đường nghỉ dưỡng lão Qatar, Mỹ hay thậm chí treo giày. Thật xót xa!

Số phận của Vieira (29 tuổi), linh hồn của Arsenal trong cú đúp 2002 (VĐ Premier League & FA Cup) và chuỗi trận bất bại huyền thoại của mùa 03/04, chưa đến mức cùng đường. Nhưng một sự thực không thể phủ nhận, thời của tiền vệ người Pháp đã lùi vào dĩ vãng.

Nhận thấy điều đó, Arsenal lạnh lùng chủ động liên hệ với Juve, gấp rút bán tống bán tháo dù số tiền thu được (13,8 triệu bảng) kém cái giá mà họ từng nói không với Real Madrid mùa hè năm ngoái đến 10 triệu bảng.

Cùng chơi ở vị trí tiền vệ trụ như Vieira, Nicky Butt (30 tuổi) từng vinh dự được Pele bầu chọn “Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2002”. Quả thực, năm ấy Butt thi đấu ấn tượng, chắc chắc và hiệu quả trong đội hình “3 chú sư tử”.

Tuy vậy, tất cả chỉ dừng ở đó. Không thể cạnh tranh với Roy Keane, Butt buộc phải rời Old Trafford trong nước mắt, tìm kiếm tương lai ở Newcastle. Sau 1 năm gắn bó với “Chích choè”, Butt đã bị rao bán với giá...1 triệu bảng.  

Không chịu ảnh hưởng của tuổi tác, Hugo Viana (22 tuổi) và Massimo Maccarone (25 tuổi) cũng rơi vào cảnh lụi tàn sự nghiệp. Năm 2002, Newcastle United chấp nhận chi đến 8,5 triệu bảng cho chữ ký của Viana, “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Âu” lúc bấy giờ.

Sau 3 năm ở St James’ Park, Viana vẫn chỉ ở dạng...tiềm năng, không thể khẳng định được vị trí và bị đẩy đến Sporting Lisbon. CLB Bồ Đào Nha muốn mua đứt Viana nhưng...đành thôi bởi không thể lo nổi 2,5 triệu bảng tiền chuyển nhượng và khoản lương 25 nghìn bảng/tuần. Bế tắc, Viana đành quay lại Newcastle và chuẩn bị sống nhờ ở Stuttgart.

Chân sút người Italia Massimo Maccarone cũng vừa trở về Anh quốc sau thời gian đá mướn cho Siena. Không muốn giữ chân, Middlesbrough đã rao bán Maccarone với giá 3 triệu bảng. Bạn có biết, 3 năm về trước, Maccarone từng toả sáng tại giải U21 châu Âu và gia nhập Boro với giá kỷ lục 8,5 triệu bảng.

Chứng kiến sự lụi tàn của những danh thủ trên, hiếm ai không chạnh lòng. Nhưng đó là kết cục tất yếu của cuộc chơi sân cỏ. Lên đỉnh cao đã khó, trụ lại càng khó hơn. Những ai không thể sinh tồn cùng quy luật đào thải đành phải lùi vào dĩ vãng, nhường sân chơi cho thế hệ khác, sung sức hơn, tài năng và mạnh mẽ hơn...

MỚI - NÓNG