Sự phản biện của chân lý

Sự phản biện của chân lý
Brazil và Hy Lạp, hai thất bại khó tin, hai tỷ số 0-1, hai sự tự sát nhưng có chung một ý nghĩa. Dù cho đó chỉ là tình cờ, bất ngờ hay một giây phút “lỡ chân bất thường” thì nó cũng là sự phản biện của Chân lý.

Không ai phủ nhận khoảng cách quá lớn giữa hai nền bóng đá châu Âu và châu Á. Nó tồn tại suốt chiều dài phát triển của bóng đá thế giới. Việc một đội bóng châu Á vượt qua đối thủ châu Âu tại các giải đấu lớn hiếm hoi như sao sáng ban ngày, còn tại Confederations Cup thì chuyện đó lại càng không.

Sau 6 lần tổ chức, chưa bao giờ đại diện châu Á giành được chiến thắng, thậm chí chỉ là trận hoà trước đại diện ở cựu lục địa. Châu Á thường được nhắc đến với những kỷ lục thảm bại: Saudi Arabia thua Brazil 2-8 và Colombia 1-5 (1999), Nhật Bản - Argentina 1-5 (1995), UAE - CH Séc 1-6 (1997), Hàn Quốc - Pháp: 0-5 (2001)…

Nhưng mọi chuyện đã chấm dứt khi Nhật Bản xuất thần hạ ĐKVĐ châu Âu Hy Lạp trong trận đấu mà họ thực sự là người chiến thắng, không chỉ ở tỷ số 1-0.

Nếu Hy Lạp biện hộ cho sự kém cỏi của mình sau trận thua tơi tả trước Brazil bởi đối thủ quá mạnh, thì với cú vấp trước một đội bóng bị đánh giá thấp hơn nhiều đến từ châu Á, Hy Lạp đã không còn gì để thanh minh. Một thế trận lép vế hoàn toàn, một lối đá quá đơn giản, chỉ biết trông chờ vào những tình huống cố định, Hy Lạp bộc lộ bản chất của cái thời trước khi họ bước lên bục vinh quang tại EURO 2004.

Xét trên nhiều khía cạnh, (dù cho Hy Lạp chỉ được coi là nhà vô địch “giả tạo” theo kiểu “thời vụ” và đến giờ không ít người vẫn chưa quen với chức Vô địch châu Âu mà họ có) rõ ràng châu Á đã không còn non nớt khi đứng trước lục địa già. 

…và lần thứ 2

Mexico vốn được coi như người nhà của Nam Mỹ. Họ tham dự những giải đấu quan trọng nhất của bóng đá khu vực này và liên tục đặt dấu ấn của mình khi 2 lần lọt vào chung kết Copa America, 1 lần vào chung kết Libertadores. Nhưng dù sao thì họ vẫn chỉ là khách mời, là người mà Nam Mỹ chỉ coi như thứ thuốc thử cho không khí thêm phần rôm rả và một chút tính cạnh tranh.

Brazil đã từng vùi dập Mexico 4 bàn không gỡ tại sân chơi của mình. Nhưng ở Confederations Cup, một sân chơi sòng phẳng thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Lần thứ 3 giáp mặt Brazil tại Confederations Cup, lần thứ 2 Mexico có trọn vẹn niềm vui (năm 1999 thắng 4-3 tại trận chung kết).

Với những người Mexico, Brazil đã trở thành thuốc thử cho chính họ. Điều đó hoàn toàn có cơ sở bởi trong chiến thắng 1-0 của họ có đầy đủ những yếu tố làm nên sự ngạo nghễ. Không lả lướt, lãng tử như khi gặp Nhật Bản, nhưng Mexico lại cho thấy sự rắn rỏi, kiên cường, khôn ngoan và một chút may mắn.

Argentina có thể đánh bại Brazil bằng lối chơi tấn công ăn miếng trả miếng, nhưng họ không thể đánh bại Brazil bằng bản lĩnh, cáo già hay mưu mẹo trong đấu pháp. Biết mình yếu hơn, Mexico chọn giải pháp trị hưng phấn Brazil và họ đã thành công. Đúng là Brazil đã áp đảo gần như suốt trận, tạo được vô số cơ hội ngon ăn, nhưng tại sao không nói về “loạt đá” penalty của Borgetti?

Bàn thắng của Borgetti từ tình huống đá phạt góc là hậu quả của việc Brazil đã quá bỡn cợt với cơ hội của mình và cụ thể hoá sự khôn ngoan của Mexico. Các mũi tấn công của Brazil bị bắt từ giữa sân, các cầu thủ Mexico chơi phòng ngự có chiều sâu với cái đầu lạnh, bình tĩnh đến lạ thường.

Điều đó dẫn đến hình ảnh tồi tệ của Brazil sau đó: Bất lực, hoảng loạn đến không ngờ, điều rất hiếm thấy ở họï trong một trận đấu. Lần thứ 2 sau 6 tháng, Brazil mới lại chịu thua và cũng là trận thứ 2 mà họ không thể ghi được bàn thắng.

Trong hai lần Brazil và Mexico gặp nhau tại các kỳ Confederations Cup trước đây, người chiến thắng là đội vô địch chung cuộc (Mexico 1999, Brazil 1997). Năm nay, lịch sử liệu có lặp lại?

MỚI - NÓNG