Tấm lòng người bản xứ

Các tình nguyện viên luôn vui vẻ giúp đỡ phóng viên, VĐV nước ngoài. Ảnh: VSI
Các tình nguyện viên luôn vui vẻ giúp đỡ phóng viên, VĐV nước ngoài. Ảnh: VSI
TP - Với mong ước giúp thành phố quê hương để lại ấn tượng, nhiều người dân gốc Palembang từ khắp nơi trên xứ vạn đảo trở về quê nhà giúp quảng bá hình ảnh quê hương dịp SEA Games 26.

Theo thống kê của ngành du lịch xứ vạn đảo, hằng năm chỉ có khoảng 5.000 du khách quốc tế và 831.000 khách du lịch trong nước đặt chân tới Palembang, thành phố giàu tính lịch sử nhưng ít được biết tới ở phía nam đảo Sumatra.

Nhưng những sự kiện thể thao như Tuần lễ thể thao quốc gia của Indonesia năm 2004, rồi sau đó là một trong những địa điểm thi đấu của AFC Asian Cup 2007 đã đưa cố đô của vương quốc Ấn độ giáo và Phật giáo Sriwijaya bước ra ánh sáng. Và giờ đây tới lượt SEA Games 26 mang lại một cú hích phát triển mạnh mẽ với Palembang.

“Thông thường mọi người không biết nhiều về Palembang. SEA Games là một cơ hội tốt để chúng tôi trưng bày thành phố của mình”, cô sinh viên 20 tuổi Normala Dewi nói.

Còn anh chàng 29 tuổi Tri Anggana sống tại Palembang từ năm lên hai và làm việc ở bảo tàng Sultan Mahmud Badaruddin thì nói thêm: “Mọi người thường chỉ biết đến Jakarta và Bali, còn giờ đây thay vì chúng tôi phải ra ngoài để quảng bá cho thành phố của mình thì mọi người lại đang đổ đến. Thể thao là cách thức rất tốt để chúng tôi được nhận diện”.

Trong bốn lần Indonesia đăng cai tổ chức SEA Games thì ba lần đầu đều diễn ra ở thủ đô Jakarta. Người dân những địa phương khác chỉ có thể cảm thấy tự hào mà không có cơ hội trực tiếp tham gia tổ chức ngày hội lớn.

Bởi vậy, theo Maryama, nữ thư ký của BTC SEA Games tỉnh Nam Sumatra, dù lần này cùng tổ chức SEA Games 26 với Jakarta, ngoài người dân đang sinh sống ở Palembang, nhiều người quê gốc ở thành phố này hiện đang sinh sống ở những tỉnh thành khác cũng thu xếp công việc trở lại mái nhà xưa với mong muốn giúp quảng bá hình ảnh quê hương trong vai trò tình nguyện viên.

Cô sinh viên Dely Riana Saputri và bạn bè của mình ở trường đại học kinh tế Sriwijaya là những người trong số đó. Cô sinh viên 22 tuổi sắp tốt nghiệp này cho biết: “Chúng tôi rất tự hào với việc thành phố của chúng tôi được đăng cai tổ chức một sự kiện lớn như SEA Games.

Cho dù thế nào thì quê hương cũng là nơi tốt đẹp nhất, chúng tôi tự hào về thành phố của mình và nó chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim chúng tôi. Vì thế chúng tôi sẽ làm hết sức mình góp phần vào sự thành công của đại hội”.

Với các bạn du học sinh Việt Nam, SEA Games cũng là dịp để các bạn thể hiện tình đoàn kết với người dân địa phương.

Cô sinh viên năm thứ ba khoa tài chính ngân hàng trường ĐH President Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết cô và các bạn du học sinh Việt Nam cùng trường cũng đăng ký làm tình nguyện viên, tuy nhiên do kỳ tuyển chọn và tập huấn rơi vào thời gian thi giữa kỳ nên cô đành từ bỏ cơ hội.

Dẫu vậy, cô gái ở Thanh Xuân, Hà Nội này vẫn tham gia vào các hoạt động của SEA Games bằng cách cùng bạn bè tới các địa điểm thi đấu đấu cổ vũ nhiệt tình cho đoàn TTVN và U23 Việt Nam với hy vọng U23 Việt Nam sẽ đăng quang trên đất vạn đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG