Tân HLV trưởng ĐTVN Hữu Thắng - những chìm nổi trong đời

Hữu Thắng tận hưởng không ít niềm vui (ảnh lớn) song cũng nếm trải không ít nỗi buồn (ảnh nhỏ) từ sân cỏ. Ảnh: VSI
Hữu Thắng tận hưởng không ít niềm vui (ảnh lớn) song cũng nếm trải không ít nỗi buồn (ảnh nhỏ) từ sân cỏ. Ảnh: VSI
TP - Cả sự nghiệp sân cỏ, từ khi đá bóng tới lúc nắm quyền cầm quân, cuộc đời cựu trung vệ xứ Nghệ có thể ví như những mảnh ghép với gam màu sáng-tối xen kẽ, chìm nổi qua mỗi giai đoạn. “Tàu lớn không ngại sóng cả”, Thắng cứ lừ lừ tiến lên, bất chấp những quãng dừng.

Anh cả, một “đại ca”

Khi còn nhỏ, gia cảnh Hữu Thắng rất khó khăn. Với một gia đình có đến 7 miệng ăn (Hữu Thắng có 5 anh em), mức lương viên chức của bố mẹ cựu trung vệ xứ Nghệ không lúc nào là đủ. Tuổi thơ Hữu Thắng ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của 5 anh em.

Hỏi chuyện Hữu Thắng trong giới, nhiều người nhớ láng máng anh bắt đầu xuất hiện trong màu áo SLNA từ đầu những năm thập niên 1990, chính xác là 1993. Bóng đá Nghệ An khi đó chưa thực sự trở thành một thế lực như về sau. Thời điểm trên, Hữu Thắng bắt đầu được đưa vào đội hình chính, thi đấu với vai trò của một trung vệ “dập”. Vị trí này ở SLNA trước đó do “đàn anh” Quang Hải giữ. Chỉ sau vài trận đấu, Thắng “ghi điểm” trong mắt BHL đội bóng xứ Nghệ với lối chơi quyết liệt, lì lợm, và giành luôn một vị trí chính thức.

Bước ngoặt tiếp theo trong đời cầu thủ của Hữu Thắng có lẽ là năm 1996, khi anh cùng “thế hệ vàng” Hồng Sơn, Đỗ Khải, Công Minh, Huỳnh Đức… giành HCB SEA Games 1996 (Chiang Mai) dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức Weigang. Giới mộ điệu bóng đá Việt, nhiều trong số này là các “fan” nữ, mê Hữu Thắng ở phong cách thi đấu mạnh mẽ, lăn xả nhưng cũng không kém khôn ngoan, cùng vẻ ngoài đậm chất “đàn ông”. Chiếc áo số 4 gắn với Thắng từ CLB SLNA trở thành một “thương hiệu” trên tuyển.

Rất nhanh ở SLNA, Hữu Thắng dần tạo được cái uy với phần còn lại trong đội. Lứa cầu thủ Phi Hùng, Văn Sỹ Thủy, Ngô Quang Trường rồi tới Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh… về sau, tất cả đều chịu ảnh hưởng lớn của Thắng. Người trong giới “tán” rằng lối chơi đậm chất “đàn anh” của Hữu Thắng khiến anh nhận được cả sự nể phục lẫn sợ của các cầu thủ đàn em. SLNA trong một thời gian dài vướng vào các câu chuyện ngoài sân cỏ, nhưng tất cả đều được dẹp yên. Năm 2001, Hữu Thắng được đưa lên BHL đội bóng để san sẻ gánh nặng với HLV Nguyễn Thành Vinh. Cựu trung vệ xứ Nghệ sớm được đánh giá là một HLV trẻ đầy tiềm năng. Do liên quan đến vụ “mua cúp” cho SLNA hồi năm 2001, sự nghiệp của anh bị gián đoạn và đến năm 2008 mới bắt đầu trở lại với bóng đá, với công việc HLV trẻ của SLNA. Đây có lẽ là nốt trầm trong sự nghiệp bóng đá của Hữu Thắng.

Không kể thời gian bị ngắt quãng, Hữu Thắng đã tạo ảnh hưởng đặc biệt lớn ở SLNA. Ngoài đời, cựu trung vệ xứ Nghệ tạo ấn tượng luôn chơi hết lòng với anh em, bằng hữu. Lứa đàn em ở SLNA, khi cần, luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành của “anh Thắng”. Cho đến trước lúc chủ động xin rút lui ở SLNA mùa giải 2015, Hữu Thắng thâu tóm gần như toàn bộ quyền lực ở đội, đặc biệt đối với các vấn đề chuyên môn.

Người đàn ông của gia đình

Từ nhỏ, Hữu Thắng đã được mô tả là thuộc diện ít nói trong số bạn bè đồng lứa. Càng lớn, Thắng càng trở nên trầm tĩnh hơn. Bóng đá lúc thắng, lúc thua, cảm xúc tạo nên thường rất mãnh liệt. Nhưng hiếm khi nào người ta “chộp” được cảnh Thắng bộc lộ hết mình. Cả quãng đời lăn lộn, va chạm với đủ hạng người, trải qua đủ đắng cay, chìm nổi dường như đã tạo cho anh bản lĩnh đè nén cảm xúc của mình xuống tới đáy. Phong cách trên cùng với sự am hiểu, nắm rõ các ngón nghề của bóng đá Việt Nam đã giúp Hữu Thắng tạo được cái uy đối với cầu thủ. Chẳng có cầu thủ nào ở SLNA lại đủ gan “qua mặt” Hữu Thắng.

Giữa giai đoạn 2009, Hữu Thắng nhận lời bầu Hiển ra Hà Nội để cứu Hà Nội T&T, đội bóng khi ấy đang đứng trước nguy cơ rớt hạng. Đội bóng thủ đô sau đó “bật” một lèo để cán đích an toàn, nhưng Hữu Thắng sau đó từ chối bầu Hiển, quyết trở lại đội bóng quê hương. SLNA ngay cả ở mùa giải đăng quang chức vô địch V.League năm 2011, nổi bật lên vẫn là cái uy của Hữu Thắng với nền là lối thi đấu quyết liệt, hừng hực chất lửa. Không có bản sắc riêng như Hà Nội T&T, không cần lực lượng “khủng” như B.Bình Dương, đội bóng xứ Nghệ vẫn lên ngôi với đúng phong cách đậm dấu ấn của ông thầy.

Lạ là, với vẻ ngoài nam tính, càng “lì lợm” Hữu Thắng lại càng khiến những người yêu mến anh thêm ngưỡng mộ. Ở SLNA, người trong giới nói Hữu Thắng còn “hút” fan nữ hơn cả các cầu thủ. Tài năng đương thời như Trọng Hoàng, Công Vinh hay Văn Quyến… có lẽ cũng phải thua xa đàn anh, và cũng là ông thầy của mình. Thế mới có chuyện anh bị đồn vướng “nghi án ái tình” với một ca sĩ rất nổi tiếng trong Nam, khiến cả 2 lắm phen phải thanh minh. Cô ca sĩ vốn mê bóng đá, rất tự nhiên, cũng mê luôn chàng cầu thủ điển trai.

Giữ được mình như Hữu Thắng trước hàng loạt trái tim lúc nào cũng sẵn sàng “xin chết”, cũng thật đáng nể. Cuộc sống gia đình của anh có lẽ vì vậy, rất êm ả. Ngoài bóng đá, Hữu Thắng dành trọn thời gian cho bạn bè và gia đình. Gạt trái bóng qua một bên, Hữu Thắng thực sự là một người cha, người chồng đầy trách nhiệm, giàu tình cảm. Cùng lứa với Hữu Thắng, thành công được như anh hiện nay chỉ có Lê Huỳnh Đức được nhắc tên. Trong mỗi lần LĐBĐVN (VFF) định hướng chọn thầy nội cầm quân, anh đều là ứng viên. Và lần này, Hữu Thắng nhận lời. Một quyết định sẽ đưa sự nghiệp của Hữu Thắng qua một nấc
thang mới. 

SLNA ngay cả ở mùa giải đăng quang chức vô địch V.League năm 2011, nổi bật lên vẫn là cái uy của Hữu Thắng với nền là lối thi đấu quyết liệt, hừng hực chất lửa. Không có bản sắc riêng như Hà Nội T&T, không cần lực lượng “khủng” như B.Bình Dương, đội bóng xứ Nghệ vẫn lên ngôi với đúng phong cách đậm dấu ấn của ông thầy.

MỚI - NÓNG