Tập trung ĐTQG: Chào HLV A.Riedl rồi...về!

Tập trung ĐTQG: Chào HLV A.Riedl rồi...về!
Hàng trăm triệu đồng bỏ ra cho đợt tập trung 10 ngày của 25 tuyển thủ quốc gia nhưng chẳng có mục đích gì rõ ràng. Một sự phí phạm tiền của và sức lực cầu thủ?
Tập trung ĐTQG: Chào HLV A.Riedl rồi...về! ảnh 1
Nếu lên đội tuyển chỉ để chạy thì thật khổ cho các cầu thủ và các CLB.

Sau thất bại của đội tuyển VN tại Tiger Cup 2004, VFF rút ra được bài học: Không tập trung đội tuyển với thời gian dài như trước nữa. Để sửa sai, VFF áp dụng phương án “xé nhỏ” thời gian tập trung của đội tuyển thành các đợt hội quân ngắn hạn. Hay đấy, nhưng...

Một chữ “nhưng” vướng víu, bởi ngay đợt tập trung đầu tiên trong năm 2005 (từ ngày 25-4 tới) phương án mới này đã lộ rõ sự bất hợp lý khi tất cả các yêu cầu đặt ra cho một đợt tập trung đều không có được câu trả lời thỏa đáng.

Dù VFF đã lên kế hoạch cho đợt này ngay từ đầu năm nhưng ngoài việc định ra ngày giờ và quân số trên giấy, các điều kiện đảm bảo chất lượng cho một đợt tập huấn (thời điểm, phong độ tuyển thủ và đối tượng cọ xát) sờ đến đâu thủng đó.

Việc M.U và 8 đội bóng trẻ danh tiếng khác đều từ chối làm “quân xanh” cho tuyển VN càng làm lộ rõ tính bị động của đợt tập trung này, bởi không có được quân xanh, có thể các tuyển thủ chỉ gom lại với nhau 10 ngày, “tập chay” dưới tên gọi “kiểm chứng phong độ” rồi ai về nhà nấy.

Nhiều chuyên gia, HLV tỏ ý rất lo ngại vì tính mục đích thiếu rõ ràng của đợt tập huấn này. Thậm chí có người không ngần ngại nói rằng Ủy ban TDTT và VFF bỏ tiền để gọi các tuyển thủ ra Trung tâm Huấn luyện thể thao QG I mười ngày là phí phạm. Nhiều HLV cho rằng nếu để các tuyển thủ nghỉ dưỡng sức ở CLB sau 11 vòng đấu có lẽ còn có ích hơn gom họ về “tập chơi” ở Nhổn.

Ngay chính các nhà tuyển chọn mà VFF giao cho (HLV Hoàng Gia, Trần Văn Khánh) và một vài thành viên ban các đội tuyển thừa nhận là phong độ của những cái tên được gọi lên tuyển đợt này đều sa sút quá nhiều khi không một cầu thủ nội nào lọt vào danh sách bình chọn các danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc trong tháng”.

Rót tiền nhà nước cho một đội tuyển không mục đích ở thời điểm này ai dám khẳng định rằng đó là cách đầu tư tốt cho SEA Games 23 cuối năm tới?

Những Văn Quyến, Văn Thành, Thanh Bình, Bảo Khanh... đều biến mất trong danh sách các cầu thủ có phong độ ổn định. Điều này khiến các nhà tuyển trạch đau đầu và đó cũng là một phần nguyên nhân mà VFF chưa dám công bố bản danh sách 25 cầu thủ.

Nhiều nhà phân tích còn đặt câu hỏi: có nhất thiết phải có đợt tập huấn vô bổ này nữa không khi sau đó đúng một tháng, VFF sẽ lại gọi các tuyển thủ trở lại để chuẩn bị cho Cúp VTV (do VFF và VTV tổ chức vào tháng sáu với ba đội nước ngoài tham dự là Olympic Indonesia, trẻ Phần Lan và CLB Pusan - Hàn Quốc).

Mật độ gần nhau của hai đợt gom quân có thể ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch thi đấu của các CLB ở V-League và lãng phí tiền ngân sách của Ủy ban TDTT và VFF. Thử làm một phép tính: Ủy ban TDTT sẽ phải chi tiền vé máy bay đi, về (3 triệu đồng/người), tiền công tập luyện, ăn ở cho các tuyển thủ 60.000đ/người/ngày.

VFF lo tiền bồi dưỡng khoảng 3 triệu/người. Với một đội tuyển 25 người, hàng trăm triệu đồng đầu tư như vậy sẽ thu lại kết quả gì? Không lẽ chỉ gom quân cho HLV A.Riedl nhận mặt rồi... về?

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.