Tết này, vận động viên ăn gì ?

Tết này, vận động viên ăn gì ?
Khác với tâm lý vui mừng chờ đợi những khoản tiền thưởng từ phía đơn vị chủ quản của rất nhiều những người lao động ở các ngành nghề khác trong xã hội, mỗi dịp tết đến xuân về có khi lại đem đến… nỗi buồn cho phần đông các VĐV.
Tết này, vận động viên ăn gì ? ảnh 1
Nguyễn Thị Thiết vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác

Đơn giản chỉ bởi đa phần tuyển thủ rời các Trung tâm HLTTQG với 2 bàn tay trắng. Trong gần 10 năm theo đuổi và gắn bó với nghiệp thể thao nhưng khái niệm “tiền thưởng Tết” đối với lực sỹ Nguyễn Thị Thiết (môn cử tạ) là cái gì đó hết sức mơ hồ và dường như… không tồn tại.

Quanh năm, suốt tháng, cứ vùi đầu vào tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, lại thi đấu trong nước, quốc tế thì chả bao giờ buồn, nhưng cứ đến Tết thì Thiết lại cảm thấy chạnh lòng.

Tết Kỷ Sửu sẽ là cái Tết thứ 8 mà Thiết (gần như chắc chắn) về nhà với 2 bàn tay trắng, bởi chưa lần nào lực sỹ này nhận được khoản tiền thưởng riêng nhân dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay cũng sẽ không không khác, ngoại trừ có một “phép mầu”, Thiết đã nói như vậy khi được hỏi vui rằng, lực sỹ 2 lần liên tiếp giành suất chính thức tham dự Olympic sẽ đón Tết thật “hoành tráng” chứ?

Lịch trình mà Thiết “vẽ” ra trên cơ sở 7 cái Tết trước sẽ là, nhận một khoản tạm ứng tiền ăn (theo chế độ 120.000đ/ngày) tương đương với khoảng thời gian được nghỉ Tết (thường là 1 tuần) và tiền tàu xe đi lại từ Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Chấm hết. Sau đó nhảy xe về Thanh Hà (Hải Dương) ăn Tết cùng gia đình.

Khoản tiền được tạm ứng ít ỏi đó chủ yếu được tập trung cho việc sắm 1 chút quà nhỏ cho gia đình, tiêu vặt trong khoảng thời gian đón năm mới ở nhà là vừa hết và cũng hết… Tết luôn.

“Năm nào cũng vậy, đến Tết là chán hơn vì tiền công bị cắt đã đành (70.000đ/ngày theo chế độ). Đi đằng đẵng, cuối năm về nhà có khi em còn phải… xin thêm tiền gia đình nhưng có lẽ, mãi thế rồi nên mọi người cũng quen”, Thiết cho biết.

Tuy nhiên, như Thiết vẫn còn may chán. Trong năm vừa qua, lực sỹ này giành được 3 HCB tại giải VĐCA (từ tháng 4) và đã có 1 khoản kha khá tiền thưởng (75 triệu đồng) để “làm vốn”.

Không đâu xa xôi, ngay trong ĐTQG cử tạ có đến trên chục đồng đội của Thiết mới thực sự là những người “trắng tay” về nhà ăn Tết. Không có huy chương, không có thành tích nổi bật và đương nhiên là không có đồng nào tiền thưởng. Tất cả về nhà đón xuân mới với tâm trạng ngổn ngang trăm mối.

Khi đi tìm hiểu rộng hơn về chuyện tiền thưởng Tết cho VĐV ở nhiều môn khác (đều là ĐTQG), quả thật, người viết cũng thấy hơi bất ngờ khi phần nhiều các câu trả lời đều là “Không có gì”, hoặc những cái lắc đầu đầy chán nản.

Hi vọng lớn nhất về 1 khoản tiền thưởng Tết chỉ được đặt từ phía đơn vị chủ quản (địa phương), nhưng thường sớm trở thành thất vọng.

Bởi ngoài một số ít (có thể đếm trên đầu ngón tay) hỗ trợ một chút tiền để đón Tết, còn lại là con số 0 tròn trĩnh. Vì với các địa phương, dường như việc đáp ứng cho nhu cầu nuôi dưỡng và đào tạo đã chiếm toàn bộ khoản kinh phí vốn ít ỏi dành cho thể thao.

Như vậy, hành trang đón tết của đa phần các tuyển thủ quốc gia khi về gia đình chỉ là khoản tiền tạm ứng ít ỏi (đối với những ĐTQG tập trung trước tết). Còn với những VĐV chưa được triệu tập vào ĐT, có lẽ, họ đón năm mới với niềm tin năm sau…sẽ khác.

Theo Thể Thao Văn Hoá

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.