Thăm nhà mới của 'những khẩu thần công'

Thăm nhà mới của 'những khẩu thần công'
TP - Dù đã biết đến sân vận động mới của Arsenal nhưng khi được tận mắt chứng kiến sân Emirates, tôi đã hết sức ngỡ ngàng. Emirates không chỉ là một kỳ quan về kiến trúc mà còn là “con gà đẻ trứng vàng”...
Thăm nhà mới của 'những khẩu thần công' ảnh 1

Thủ đô London rất rộng lớn nhưng tìm đường đến sân Emirates của Arsenal khá đơn giản. Sân Emirates được xây dựng trong khuôn viên của khu công nghiệp Ashburton Grove, nằm giữa đường Holloway và nhà ga tàu điện ngầm trên tuyến Piccadilly. Chính vì thế, chỉ mất mấy phút tàu điện ngầm, tôi đã đến được Emirates.

Emirates nổi bật dưới vòm trời máu xám của xứ sở sương mù, mái vòm trắng xám trông gợi cảm như một tứ thơ. “Ngôi nhà mới” của Arsenal này vừa được đưa vào sử dụng từ mùa bóng 2006- 2007 sau hai năm xây dựng với tổng chi phí lên tới 390 triệu bảng.

Với sức chứa 60.000 chỗ ngồi, Emirates trở thành sân bóng lớn thứ hai tại giải Premiereship, chỉ sau sân Old Trafford của Manchester United với 76.000 chỗ ngồi. Công trình được thiết kế bởi công ty HOK Spord – công ty từng thiết kế sân Wembley.

Thăm nhà mới của 'những khẩu thần công' ảnh 2

Emirates cho người ta cảm giác về một sự mới mẻ và hoàn hảo về tất cả những gì thuộc về nó, từ lối vào, cửa soát vé đến cỏ trên sân. Nhưng để thưởng thức sự hoàn hảo ấy sẽ phải trả khá nhiều tiền. Tầng 1 và tầng 3 của sân dành cho hạng ghế phổ thông.

Toàn bộ 6.700 ghế hạng đặc biệt nằm ở tầng 2 và vé hạng này được bán theo mùa. Ở mùa giải 2006 - 2007, giá vé của hạng đặc biệt là 2.500 đến 4.750 bảng/ghế.

Người sở hữu vé hạng đặc biệt sẽ được xem toàn bộ 19 trận đấu ở Premiereship và tất cả các trận trong khuôn khổ Champion Legue, FA Cup, Carling Cup của Arsenal trên sân nhà. Ngoài ra, Emirates còn có 150 phòng nhỏ gồm 10, 12, 15 ghế dành cho gia đình hoặc một nhóm bạn muốn có không gian riêng.

Dĩ nhiên, cái giá cho khoảng không gian riêng có thể mua được một ngôi nhà  ở London: 65.000 bảng. Nhưng Emirates vẫn có chỗ cho người ít tiền và sinh viên ở các góc khuất khán đài, vé được bán với giá 20 –25 bảng.

Thăm nhà mới của 'những khẩu thần công' ảnh 3

Chẳng những kiếm bộn tiền từ bán vé, các mặt hàng quần áo cầu thủ, đồ lưu niệm của Arsenal cũng đưa lại cho CLB này một khoản thu đáng kể. Quầy hàng của Arsenal tràn ngập một màu đỏ truyền thống nhưng khi xem giá các mặt hàng tôi mới biết mình vào đây chỉ để... ngắm.

Giá một bộ quần áo đấu của các cầu thủ Arsenal khoảng 30 - 45 bảng, tương đương 1,2 - 1,5 triệu đồng Việt Nam. Một chiếc khăn hay đôi tất ghi thương hiệu Arsenal cũng được bán với giá 8 - 10 bảng.

Nhưng đừng tưởng bỏ nhiều tiền và đến tận Emirates sẽ mua được hàng hiệu, sáng hôm ấy tôi đã có được  một bất ngờ thú vị khi phát hiện trong quầy hàng có áo đấu cầu thủ Arsenal... made in Việt Nam (sản xuất tại Việt Nam).

Bảo tàng của Arsenal nằm ngay cạnh sân Emirates, cao 5 tầng và vé vào cửa là 5 bảng (gần 200 ngàn đồng). Hôm đó, toàn đội Arsenal đã sang bay sang Séc thi đấu với  Sparta Prague trong khuôn khổ Champions League nhưng Emirates vẫn đông người vào mua đồ lưu niệm và tham quan bảo tàng.

Arsenal đã khai thác triệt để thương hiệu của mình, ngay cả việc đặt tên cho SVĐ mới họ cũng “hy sinh” vì mục đích thương mại. Ngôi nhà mới của Arsenal mang tên Emirates sau khi câu lạc bộ ký kết hợp đồng tài trợ với hãng hàng không nổi tiếng Ả rập Fly Emirates.

Theo hợp đồng đó, Emirates sẽ là tên chính thức của sân nhà mà Arsenal mới xây ít nhất trong 15 năm tới. Thêm vào đó, Fly Emirates cũng sẽ trở thành nhà tài trợ trên áo đấu của Arsenal trong vòng 8 năm, kể từ mùa giải 2006 - 2007.

Trước khi mang tên Emirates, sân bóng mới của Arsenal được biết đến với cái tên Ashburton Grove và người ta thích nó vì tính chất tự nhiên, không mang tính thương mại.

MỚI - NÓNG