Thanh Trung, bầu Kiên và… Khổng Tử

Câu chuyện giữa bầu Kiên và Thanh Trung có thể đã không đến như mức độ hiện nay nếu như bầu Kiên làm đúng theo tinh thần câu nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” mà Khổng Tử rất tâm đắc.
Câu chuyện giữa bầu Kiên và Thanh Trung có thể đã không đến như mức độ hiện nay nếu như bầu Kiên làm đúng theo tinh thần câu nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” mà Khổng Tử rất tâm đắc.
Nếu không có thay đổi vào giờ chót, chiều mai (29-2-2012) phòng Pháp lí & Tư cách cầu thủ VFF sẽ tổ chức một cuộc gặp với sự tham dự của CLB BĐ Hà Nội và tiền vệ Đinh Thanh Trung để tìm cách giải quyết những vướng mắc đang tồn đọng xung quanh chuyện đi ở của cầu thủ này.

> “Con tin” của bầu Kiên

“Cháu phải thực hiện đúng những gì đã cam kết”!

Trên báo Thể thao 24h ngày thứ Sáu tuần trước (24/2/2012) đã cung cấp một số thông tin rất đáng lưu tâm về vụ việc của Thanh Trung.

Đấy là lời tuyên bố đanh thép của bầu Kiên với Thanh Trung khi cầu thủ này kiên quyết không chấp nhận mức giá mà bầu Kiên đưa ra để muốn Thanh Trung tiếp tục gắn bó với CLB BĐ Hà Nội: “Nếu cứ dây dưa như thế này, cháu sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất”.

Đấy là tâm sự tràn đầy cay đắng và chua xót của Thanh Trung sau cuộc gặp với bầu Kiên: “Sau rất nhiều lần bị trì hoãn, buổi gặp gỡ với chú Kiên ngày 21-2 vừa rồi (một tháng sau khi hợp đồng của tôi hết hạn) khiến tôi hiểu rằng mình sẽ không có tương lai tại CLB BĐ Hà Nội”.

Rõ là bầu Kiên đã rất không hài lòng với cách thức xử sự của Thanh Trung và dám chắc nếu Thanh Trung không cầu viện tới sự trợ giúp từ bên ngoài, cụ thể là VFF hoặc thậm chí cao hơn là Toà án dân sự, chắc chắn tiền vệ này sẽ khó có cơ hội đầu quân cho CLB khác, ít nhất là ngay trong mùa giải năm nay.

Vậy Thanh Trung đã làm những gì để khiến bầu Kiên bức xúc như vậy? Không có gì khác, ngoại trừ việc Thanh Trung từ chối kí tiếp hợp đồng với CLB BĐ Hà Nội do mức giá 1 tỷ/năm mà bầu Kiên đưa ra không phù hợp với mong muốn của Thanh Trung, và tiền vệ này cho rằng hợp đồng của mình đã hết hạn vào ngày 21-1-2012 nên anh có thể tự do ra đi mà không phải đền bù bất cứ khoản chi phí nào cho CLB.

Tuy nhiên, Thanh Trung kể lại rằng, trong cuộc gặp mặt chớp nhoáng vào tuần trước với bầu Kiên, khi nghe Thanh Trung bày tỏ quan điểm không còn muốn thương lượng lại về mặt tài chính nữa mà nói rõ giờ chỉ còn duy nhất nguyện vọng là ra đi, bầu Kiên đã khẳng định: “Cháu phải thực hiện đúng những gì đã cam kết”!

Hẳn là ý bầu Kiên muốn nói Thanh Trung cần phải tuân thủ những gì Thanh Trung đã cam kết với CLB Hoà Phát Hà Nội trước đây, hay nói chính xác là một biên bản ghi nhớ với nội dung sau khi mãn hạn hợp đồng, cầu thủ và CLB sẽ thỏa thuận ký tiếp hợp đồng có thời hạn từ 22-1-2012 đến 25-10-2013.

Tuy nhiên, cũng chính biên bản ghi nhớ này chỉ rõ ra rằng cầu thủ và CLB chỉ ký tiếp hợp đồng khi đã đạt được thỏa thuận với nhau. Như vậy, khi 2 bên không thỏa thuận được thì đồng nghĩa với việc Thanh Trung trở thành cầu thủ tự do, có thể tìm CLB mới cho mình.

Thế thì tại sao bầu Kiên lại muốn Thanh Trung “phải thực hiện đúng những gì đã cam kết” khi giữa ông và cầu thủ này không đạt được tiếng nói chung về mức phí gia hạn hợp đồng?

Mà nói đến cụm từ “phải thực hiện đúng những gì đã cam kết” lại khiến người ta phải nhớ tới câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình do VPF khởi xướng kéo dài suốt mấy tháng vừa qua.

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”

Nếu bầu Kiên muốn Thanh Trung phải tôn trọng những gì mà cầu thủ này đã thoả thuận từ trước với Hoà Phát Hà Nội thì tại sao VPF mà ông đang giữ chức PCT HĐQT lại không tôn trọng bản hợp đồng thương quyền truyền hình đã kí giữa VFF và AVG trước khi VPF xuất hiện, dù bản hợp đồng này đã được cơ quan quản lí Nhà nước công nhận là hoàn toàn không trái pháp luật?

Mà không chỉ không tôn trọng, VPF thậm chí còn nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để phủ nhận sự tồn tại của bản hợp đồng VFF-AVG, bất chấp sự khuyến cáo cũng như những mệnh lệnh từ phía VFF và cơ quan quản lí Nhà nước.

Đặt trường hợp Thanh Trung ngay sau khi mãn hạn hợp đồng với CLB BĐ Hà Nội đã tự ý xách giày qua tập luyện tại một CLB khác thì hẳn bầu Kiên sẽ giận dữ lắm, dù xét về lý thuyết thì Thanh Trung hoàn toàn có quyền làm như vậy.

Thế nhưng, Thanh Trung đã không làm thế, khi mà tuy đã dọn đồ ra khỏi CLB BĐ Hà Nội, nhưng trong thời gian tranh chấp hợp đồng, Thanh Trung vẫn tiếp tục tập luyện tại CLB BĐ Hà Nội, hành động chứng tỏ Thanh Trung là một người rất hiểu biết và cư xử có trước có sau.

Và nếu bầu Kiên cho rằng khoản tiền 6 tỷ đồng/mùa giải kèm theo điều khoản luỹ tiến 10% mỗi năm trong bản hợp đồng giữa VFF và AVG là quá thấp nên VPF muốn huỷ bỏ và thay thế bằng một bản hợp đồng khác với một đối tác khác, thì Thanh Trung cũng không có gì sai khi cho rằng mức giá 1 tỷ/năm mà CLB BĐ Hà Nội đề nghị với anh là không xứng đáng và Thanh Trung có quyền từ chối gia hạn hợp đồng để cân nhắc một giải pháp khác.

Suy cho cùng thì dù là ông bầu hay cầu thủ thì ai cũng là con người nên tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, và do đó không có chuyện phân định ranh giới rằng có những việc này người A được phép làm và người B thì tuyệt đối bị cấm và ngược lại.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lại một câu chuyện xưa: Tương truyền, một ngày đẹp trời, có đệ tử hỏi Khổng Tử: “Nhân là gì vậy sư phụ?”, ông đáp: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Lần nữa, một đệ tử khác lại hỏi: “Câu nào sư phụ tâm đắc nhất?”, ông cũng đáp: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Câu nói này dịch đơn giản nghĩa là cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác, hay nói khác hơn, mình muốn gì thì cho người khác cái đó.

Giả sử bầu Kiên áp dụng tinh thần của câu nói “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” mà Khổng Tử tâm đắc trong cách hành xử với VFF, với AVG và cả với Thanh Trung thì kết cục liệu có khác hiện tại hay không?!

Hỏi cũng có lẽ là đã trả lời!

Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG