Thể Công sẽ không còn là Thể Công?

Thể Công sẽ không còn là Thể Công?
TP - Ngày mai (28/9), Thể Công sẽ tập trung trở lại để chuẩn bị cho mùa giải 2010, nhưng CLB này đang ở hoàn cảnh cực kỳ tế nhị, khi có thông tin cho biết cấp trên của Thể Công đã yêu cầu từ nay đội bóng không còn được mang tên Thể Công, đồng nghĩa với việc cái tên Thể Công sẽ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam sau 55 năm tồn tại.
Thể Công sẽ không còn là Thể Công? ảnh 1
Thể Công sẽ đi đâu, về đâu? - Ảnh: VSI

Thực ra không phải lúc này mà trước đó từ rất lâu đã xuất hiện nhiều thông tin xung quanh việc sẽ có biến động lớn về mặt tổ chức của Thể Công sau mùa bóng 2009, và trong buổi lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của đoàn thể thao Thể Công vừa qua, rất nhiều cựu binh của Thể Công đã nghe phong thanh chuyện như vậy.

Thậm chí, từ cách đấy cả tháng trời, nhiều “đại gia” ở V-League thông qua nhiều kênh quan hệ khác nhau đã tìm cách bắt liên lạc trực tiếp hoặc gián tiếp với một số trụ cột của Thể Công để mời họ về đầu quân.

Chiều qua, trao đổi với Tiền phong, ông Dương Văn Tính, Phó TGĐ Viettel, đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp Thể Công, cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được công văn nào từ cấp trên có nội dung như thế, nhưng giả sử có chuyện đó thì chúng tôi sẽ phải tiến hành họp bàn. Việc duy trì đội một Thể Công hay không cũng vậy, cũng cần phải mang ra bàn bạc kỹ lưỡng.

Chúng tôi quản lý Thể Công là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao phó, vì Thể Công là đội bóng của quân đội, nên chúng tôi đang chờ xem ý kiến của Bộ Quốc phòng như thế nào, nếu được giao nhiệm vụ thì chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý”.

Đấy là từ phía lãnh đạo Viettel, còn đối với những người trong cuộc thì phần lớn đều rất sửng sốt và từ chối bình luận cho tới khi nhìn thấy quyết định “xoá tên Thể Công” bằng giấy trắng mực đen.

Một số cầu thủ Thể Công khi được Tiền Phong liên hệ vào chiều qua đều từ chối trả lời vì lý do chỉ có thể phát ngôn sau khi đã được phổ biến trong cuộc họp nội bộ đội bóng vào ngày mai.

Ngay cả một số nhân vật từng có thời gian rất dài gắn bó với Thể Công nhưng nay đã chuyển qua công tác khác cũng tỏ ra ngại ngần khi nói về chủ đề này.

Một quan chức VFF từng có gần 20 năm cống hiến cho Thể Công từ khi là cầu thủ cho tới lúc trở thành HLV cho biết: “Đúng là hôm gặp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm ngày thành lập đoàn thể thao Thể Công vừa rồi, anh em cựu chiến binh chúng tôi cũng đã nghe râm ran chuyện như thế, nếu quả thật cái tên Thể Công không còn được duy trì nữa thì là điều rất đáng tiếc, nhưng chúng ta hãy chờ tới khi mọi việc hai năm rõ mười rồi đưa ra ý kiến cũng chưa muộn”.

Trong khi đó, NSƯT Đức Trung, một trong những CĐV nổi tiếng và trung thành nhất của Thể Công, thì bộc bạch: “Chưa biết quyết định chính thức từ cấp trên của Thể Công như thế nào nhưng chúng tôi cũng đã nghe đồn về chuyện cái tên Thể Công sẽ bị lấy lại từ lâu.

Sau hôm Thể Công kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống vừa rồi, tôi buồn đến độ chẳng muốn đọc báo nữa vì chỉ sợ phải nhìn thấy những tin không vui về Thể Công. Theo tôi, nếu thực sự Thể Công không còn là Thể Công nữa thì đây là tổn thất lớn với bóng đá Việt Nam chứ không riêng gì những CĐV của đội bóng áo lính.

Tôi chợt nghĩ nên chăng hãy cứ thu hồi cái tên Thể Công lại vài năm, để khi nào đội bóng kiện toàn được tổ chức, ổn định lại như cũ thì “trả lại tên cho em”. Mà thực ra là chỉ từ khoảng năm năm trở lại đây Thể Công mới xảy ra nhiều chuyện do tổ chức, quản lý kém, còn trước đó thì đâu có vấn đề gì”.

Còn một cựu cầu thủ Thể Công khi được Tiền phong hỏi ý kiến thì cho hay: “Chuyện thay tên đổi họ là thường tình, vì ngay cả ở Đông Âu (cũ), những đội bóng như CSKA hay Lokomotiv bây giờ cũng đâu còn thuộc sở hữu của quân đội hay đường sắt nữa, vấn đề bây giờ sau đổi tên thì là cái gì, đấy mới là quan trọng. Thể Công có thể không còn là Thể Công, nhưng đội bóng thì rất nên tiếp tục duy trì”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.