Thế mới là World Cup

Thế mới là World Cup
TP - Khi đội Brazil phơi áo trước đội Pháp, một người bạn thơ gọi cho tôi và đọc câu thơ ứng khẩu của anh “Năm châu vui thế, giờ còn một… châu”.

Châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, với những đội bóng tiêu biểu của họ đã cống hiến những màn trình diễn làm say lòng người hâm mộ đã ra về, giờ chỉ còn những người châu Âu đối chọi với nhau.

Không hiểu sao, trong tôi có một sự hụt hẫng, một sự buồn. Tôi tiếc cho Argentina, một đội bóng chơi hay ngay từ trận đầu. Những màn trình diễn của họ thực sự là những điệu tango cuốn hút.

Họ đã không may khi thủ môn chính bị chấn thương. Sự may rủi của những tên tuổi lớn. Tôi để ý, thấy hai trận về sau, không hiểu sao không thấy Maradona xuất hiện trên khán đài.

Hay các ống kính truyền hình không “bắt” hay mắt tôi không tinh?! Cảm giác này khiến tôi liên tưởng tới một cái gì đó “không may” ngay từ khi vào trận cho đội bóng mà tôi đặt rất nhiều hy vọng.

Đối với Brazil ngay từ đầu tôi thấy sự “nhạt nhòa” như ông A.Riedl đã bình luận. Dẫu vậy, tôi vẫn mong họ vào được tới trận chung kết. Đã mong muốn vậy, nhưng khi họ bị loại ở vòng tứ kết, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.

Những khán giả nông nổi đã từng mỉa mai đối với những tên tuổi lớn. Từ anh “béo” Ronaldo, đến chàng đầu hói Zidane. Rằng, họ đã “hết thời”, rằng họ chỉ là những “cựu thần” mà các huấn luyện viên không có cách nào “mời” họ rời khỏi “ngai”. Nhưng, bóng đá là bóng đá, tài năng là tài năng:

Khi Ronaldo với vũ điệu sampa làm nên cú hattrick phá kỷ lục ghi bàn ở các kỳ World Cup thế giới với 15 bàn thắng thì những người nông nổi mới té ngửa ra rằng: Tài năng chỉ lóe sáng đúng lúc.

Hay khi Zidane ghi bàn thắng tuyệt đẹp, đưa đội Pháp vào tứ kết, rồi bán kết, nhất là vai trò nhạc trưởng của anh trong trận đấu gặp Brazil thì “cựu thần” Zidane, vẫn cứ là “thần”.

Cuộc đời, không ai biết trước được điều gì. Bóng đá cũng vậy. Nếu biết trước mọi điều, cuộc đời mỗi con người chắc là chán lắm! Dù ông A.Riedl dự đoán khá đúng, có đến 80-90% những điều ông dự đoán trên báo Tiền phong đã thành sự thật, thì sự hấp dẫn nhất vẫn là ở chỗ bất ngờ, không thể nào dự đoán được!

Nhưng, có điều này thì không ai có thể phủ nhận: Những đội bóng lớn, có đẳng cấp cuối cùng vẫn chiến thắng, vẫn đi tới. Tuy không phải là tất cả!

Năm châu bốn biển giờ còn một châu!

Còn Đức, còn Pháp, còn Italia, còn Bồ Đào Nha. Còn những huấn luyện viên cực kỳ tinh quái như Scolari. Người ta nói, khi vào đến vòng tứ kết, thì trận đấu không chỉ là “cuộc chiến” giữa hai đội bóng, mà còn là giữa hai huấn luyện viên.

Chiến thắng của đội Bồ Đào Nha trước đội tuyển Anh chính là “chiến thắng” của ông huấn luyện viên Scolari “tinh quái” trước ông Eriksson cứng nhắc!

Giờ chỉ còn bốn đội trong một cộng đồng châu Âu, bốn nước cùng tiêu một đồng tiền, qua lại giữa bốn nước này cũng dễ dàng như đi từ tỉnh này đến tỉnh khác. Ta chỉ còn được xem mấy đội bóng “trong nhà” đá với nhau. Có buồn không!

Thực ra, qua World  Cup lần này, ta thấy rõ một điều là sự khác biệt trong lối chơi giữa các đội bóng ở năm châu lục không nhiều. Khái niệm “xe tăng Đức”, “cơn lốc mầu da cam” Hà Lan, hay vũ điệu Samba Brazil đều không còn thích hợp.

Bóng đá đã và đang “hội nhập” như cả thế giới đang “hội nhập” trong thời đại ngày nay. Dẫu vậy, có “năm châu bốn biển” hẳn là vui hơn.

Điều mà nhiều người bất ngờ, chính là đội tuyển Pháp và Italia. Họ suýt bị loại ở vòng đấu bảng! Ấy vậy mà về sau càng đá càng hay. Các huấn luyện viên “để dành” sức lực, “để dành” mưu mẹo chăng? Hay chỉ là chuyện “thời tiết” thường tình.

Duy chỉ có chàng Ronaldinho “đẹp giai” mà nhiều người tưởng sẽ là con bài “giấu” cho trận sau hóa ra đã là nỗi thất vọng lớn nhất của kỳ World Cup này. Được cái, chàng vẫn hồn nhiên “đẹp giai” như thế, còn nở nụ cười trong lúc lẽ ra phải khóc!

Thế mới là World Cup chứ!

MỚI - NÓNG