Thể thao thế giới trước cơn 'sóng thần' COVID-19

Bóng đá Việt Nam có thể coi là hình ảnh phản ánh hiệu quả phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và người dân khi người hâm mộ vẫn có thể phủ kín sân trong những trận bóng đỉnh cao
Bóng đá Việt Nam có thể coi là hình ảnh phản ánh hiệu quả phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và người dân khi người hâm mộ vẫn có thể phủ kín sân trong những trận bóng đỉnh cao
TP - COVID-19 “thổi bay” hàng chục tỉ USD của ngành công nghiệp thể thao và bóng đá toàn cầu. Nhưng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, những con người thể thao vẫn cho thấy sức vươn lên thật sự mạnh mẽ, thậm chí có thể xứng đáng là biểu tượng chiến thắng trước đại dịch. 

Koffi Gueli chơi cho Gobhloe-su des Lacs ở giải VĐQG Togo. Không giống như Lionel Messi hay Marco Reus, những người chấp nhận cắt giảm lương để ủng hộ đội bóng mà vẫn thảnh thơi trong các căn hộ triệu đô, Gueli đang thực sự gặp vấn đề với các khoản chi của mình. “Tôi chưa được nhận lương tháng này. Họ (đội bóng) dù vậy hứa là mọi chuyện sẽ được giải quyết sớm”-Gueli nói với tờ DW (Đức).

Gueli theo kế hoạch sẽ cùng các đồng đội thi đấu cho Togo ở cúp vô địch châu Phi, nhưng giải đấu cuối cùng buộc phải dừng lại. Những người đứng đầu đội bóng đứng ra động viên anh và các đồng đội chờ đợi, chuẩn bị cho một phương án B có thể xảy ra.

Steven Lavon, Tổng biên tập tờ Africa Top Sports cho biết, nhiều cầu thủ đơn giản là không thể chờ đợi để có tiền. “Một số biết chúng tôi là phóng viên và đến hỏi, có thể kiếm cho họ được gì không”-Lavon nói.

Đấy là thời điểm trung tuần tháng 4/2020, khi COVID-19 mới bắt đầu lan rộng trên thế giới và rất nhiều giải bóng đá VĐQG các nước phải hoãn lại. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa lường hết được sự khủng khiếp của nó tạo nên đối với ngành công nghiệp bóng đá và thể thao toàn cầu trong thời gian sau đó. Ở châu Âu, UEFA vẫn hy vọng vào kế hoạch tổ chức thành công EURO 2020 ở 12 thành phố. Các quan chức Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và nhiều liên đoàn bóng đá quốc gia châu Âu khác hàng ngày vẫn họp bàn về thời điểm và cách thức để giải Ngoại hạng Anh hay các giải khác có thể tiếp tục chạy. Tất cả chỉ tắt hoàn toàn khi số ca dương tính ở châu Âu, Mỹ và trên toàn cầu tăng với tốc độ chóng mặt.

Từ cuối mùa hè, FIFA đã phải xây dựng gói cứu trợ lên tới 1,5 tỷ USD cho các tổ chức thành viên, để tránh sự đứt gãy hàng loạt tại nhiều nơi. Việt Nam cũng nằm trong danh mục được hỗ trợ với số tiền khoảng 1,5 triệu USD. Con số tưởng nhiều nhưng không thấm vào đâu so với thiệt hại ngành công nghiệp bóng đá toàn cầu phải hứng chịu. Theo ước tính của FIFA, giá trị thương mại các trận đấu thuộc cấp ĐTQG và CLB trên toàn cầu trong năm 2020 khoảng 46 tỷ USD. Nhưng dịch COVID-19 “thổi bay” hơn 1/3 con số này, và đấy là trong trường hợp dịch có thể sớm được ngăn chặn. Thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, các khán đài sân vận động tiếp tục trống vắng CĐV còn doanh thu nhiều CLB và các liên đoàn bóng đá vẫn theo xu hướng sụt giảm.

Nhưng đây không phải lo lắng lớn nhất của FIFA. Việc toàn bộ hệ thống thi đấu bóng đá trên toàn cầu phải dừng lại có nguy cơ khiến cho bóng đá bị sụp đổ hoàn toàn. EURO 2020 bị hoãn lại 1 năm theo quyết định mùa hè vừa qua, và người ta biết rằng nếu cùng Bồ Đào Nha tham dự giải đấu diễn ra năm 2021, Cristiano Ronaldo đã bước sang tuổi 35. Hồi tháng 12 vừa qua, FIFA đã quyết định hủy cả giải U17 và U20 thế giới năm 2021, và chỉ tổ chức lại vào năm 2023. Quyết định trên khiến cho kế hoạch chuẩn bị rất lâu dài của Indonesia cho lứa trẻ nước này nhắm tới giải U20 thế giới tan vỡ hoàn toàn. Đó rõ ràng không chỉ là vấn đề tài chính, bởi có thể rất lâu nền bóng đá một quốc gia mới tạo nên được một thế hệ tài năng.

Ở mức độ rộng lớn, COVID-19 có thể ví như một cơn sóng thần quét qua nền công nghiệp thể thao toàn cầu. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, công nghiệp thể thao trên toàn thế giới có doanh thu hàng năm khoảng 756 tỷ USD. Trên thực tế, hàng triệu lao động đứng trước mối đe dọa lớn khi dịch COVID-19 khiến hầu hết các giải đấu thể thao bị đóng băng hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Các VĐV phải đứng trước áp lực duy trì thể lực, kế hoạch tập luyện tại nhà đồng thời với nhiệm vụ giữ an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nhật Bản ban đầu đã cố gắng để Olympic Tokyo 2020 có thể diễn ra đúng kế hoạch. Tuy nhiên sau lần hoãn đầu tiên, chính phủ Nhật Bản buộc phải chấp nhận lùi thời gian tổ chức Thế vận hội sang năm 2021. Quyết định này khiến Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thiệt hại khoảng 800 triệu USD, nhưng con số này đối với Nhật Bản còn lớn hơn, lên tới 1,9 tỷ USD theo một báo cáo mới nhất. Trước khi hoãn Olympic, Nhật Bản đã phải chi hơn 12,6 tỷ USD cho việc đăng cai Olympic Tokyo 2020. Giới phân tích chính trị tin rằng COVID-19 tác động tới Thế vận hội 2020 cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy việc Thủ tướng Shinzo Abe phải ra đi.

Ánh sáng cuối đường hầm

Vắc-xin đang là hy vọng cho nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong đó có các hoạt động thể thao. Châu Âu, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt tiêm vắc-xin chống COVID-19.

Tuy nhiên từ trước đó, bóng đá và thể thao đã xoay xở để thích nghi với đại dịch, cho dù mọi thứ diễn ra một cách rất chật vật. Sau nhiều tháng tạm hoãn, giải VĐQG Đức Bundeliga đã trở lại, dù chấp nhận cảnh các trận bóng đá diễn ra không có khán giả. Tương tự, Anh và Tây Ban Nha cũng mở đường cho giải Ngoại hạng và La Liga khởi tranh với những điều kiện phòng chống dịch hết sức ngặt nghèo. Thật khó tin rằng có lúc khán đài sân Old Trafford lại vắng tanh ở một trận đấu của Manchester United. Tại Hàn Quốc, người ta thậm chí nghĩ đến việc đặt cả những chiếc ma-nơ-canh trên khán đài để cổ vũ tinh thần thi đấu của các cầu thủ.

Và cũng rất khó tin khi V-League, giải bóng đá VĐQG Việt Nam lại trở thành số ít giải đấu trên thế giới có thể để khán giả vào sân. Các khán đài chật cứng CĐV ở V-League có lúc đã trở thành biểu tượng cho ý chí chiến thắng đại dịch không chỉ của bóng đá mà cả người Việt Nam trước dịch COVID-19.

BTC Olympic Tokyo 2020 đã lên phương án cho cả khả năng Thế vận hội diễn ra trong bối cảnh COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhưng người ta cũng tin rằng cho tới khi đó, bóng đá và thể thao đã có thể thích ứng hơn, sống khỏe hơn bất chấp đại dịch. Do dịch COVID-19, Olympiad cờ vua thế giới theo kế hoạch diễn ra tháng 8/2020 tại Nga đã phải lùi qua năm 2021. Nhưng khi nhu cầu thi đấu của làng cờ lên cao, và hình thức trực tuyến cho thấy hiệu quả đáng kể, Liên đoàn Cờ vua thế giới đã quyết định tổ chức một kỳ Olympiad theo hình thức trực tuyến và đánh cờ nhanh. Các đội không phải lo kinh phí di chuyển, ăn nghỉ, cái cần nhất chỉ là hệ thống internet ổn định. Đó là trải nghiệm thú vị cho các kỳ thủ như Lê Quang Liêm của Việt Nam, người tham dự giải từ…Mỹ.

Ronaldo trong những ngày cách ly vì COVID-19 vẫn cho thấy sức mạnh, ý chí chiến đấu mạnh mẽ. Thể thao cho thấy sức chiến đấu thực sự dẻo dai và nếu có thể tìm ví dụ nào đó làm biểu tượng cho tinh thần vượt qua đại dịch, đó phải là những con người trong thể thao. Đó chính là cơ sở để tin rằng thể thao sẽ tiếp tục vượt khó trong năm 2021, chứ không đơn thuần hy vọng chỉ đặt vào vắc-xin.

Thể thao thế giới trước cơn 'sóng thần' COVID-19 ảnh 1 Những giải đấu hàng đầu thế giới chỉ có thể tranh thủ diễn ra trong những sân bóng đóng cửa, những khán đài mênh mông không khán giả

Rất khó tin khi V-League, giải bóng đá VĐQG Việt Nam lại trở thành số ít giải đấu trên thế giới có thể để khán giả vào sân. Các khán đài chật cứng CĐV ở V-League có lúc đã trở thành biểu tượng cho ý chí chiến thắng đại dịch không chỉ của bóng đá mà cả người Việt Nam trước dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG