Thể thao TPHCM đi về đâu?

Thể thao TPHCM đi về đâu?
TP - Trong vòng hai ngày cuối tuần qua, bóng đá TPHCM chứng kiến hai đội bóng Sài Gòn United và TPHCM lần lượt nói lời chia tay với giải hạng Nhất và V - League.
Thể thao TPHCM đi về đâu? ảnh 1
Một pha trong trận giữa Thể Công (áo sẫm) và CLB TPHCM. Ảnh: Phạm Yên

Một ngày sau, tới lượt lực sỹ Nguyễn Văn Lâm, nhà vô địch châu Á hạng cân 65kg, cũng làm đơn xin nghỉ vì lý do bị nợ tiền lương quá lâu.

Những sự kiện xảy ra dồn dập như vậy buộc người ta phải đặt câu hỏi xem vai trò quản lý của ngành TDTT TPHCM như thế nào mà để trung tâm thể thao lớn nhất nước giờ lâm cảnh bi đát như vậy.

Điểm lại lịch sử “xin đi” của thể thao TPHCM gần 10 năm qua thì thấy lực sỹ Nguyễn Văn Lâm không phải là trường hợp đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải là cuối cùng.

Đấy là với môn thể thao khác, còn bóng đá cũng không phải ngoại lệ. TPHCM từng là bệ phóng cho những cái tên như Lê Huỳnh Đức, Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Hữu Thắng, Huỳnh Quang Thanh… nhưng bây giờ tất cả đều gặt hái thành công ở đâu đó chứ không phải là cái nôi đã nuôi dưỡng mình từ thủa còn hàn vi như TPHCM.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại là do cách quản lý theo kiểu cào bằng của ngành TDTT TPHCM, nghĩa là không có sự khác biệt nào giữa một VĐV từng nhiều lần khẳng định tài năng của mình ở đấu trường châu lục với một gương mặt vô danh.

Chẳng hạn, Trương Thanh Hằng có sáu năm cống hiến cho thể thao TPHCM và mang về cho cơ quan chủ quản của mình bộ sưu tập huy chương đủ màu, đủ cấp độ, nhưng mức lương mà Thanh Hằng nhận được chỉ là hơn một triệu đồng.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Thanh Hằng cũng dứt áo chia tay với thể thao TPHCM để đầu quân cho Ninh Bình với chế độ đãi ngộ hết sức ưu đãi (lương tháng 16 triệu đồng, vào thẳng biên chế chính thức của ngành thể thao Ninh Bình, được chu cấp toàn bộ chi phí học hành tại trường ĐH TDTT Đà Nẵng…).

Giống như Thanh Hằng, một nhà vô địch châu Á khác là Phạm Văn Mách cũng kiên quyết ra đi vì sau bảy năm cống hiến cho thể thao TPHCM, VĐV này vẫn phải ở nhà thuê và không có chế độ đãi ngộ tương xứng.

Hay Phương Phi, cuarơ nữ từng có thời gian kiện cáo um xùm với thể thao TPHCM rồi mới được ra đi, cũng vậy. Sáu năm đầu quân cho thể thao TPHCM, Phương Phi luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị thi đấu cũng như điều kiện kinh tế. Thậm chí, ngay cả thứ thiết yếu là xe đua có chất lượng tốt để cải thiện thành tích thi đấu mà Phương Phi cũng không được bảo đảm để cung cấp như yêu cầu.

Và trường hợp mới nhất của lực sỹ Nguyễn Văn Lâm cũng không có nhiều khác biệt. Từ tháng 11/2008, khi tập trung ĐTQG, Văn Lâm bị ngành TDTT cắt mất số tiền hỗ trợ dinh dưỡng hơn một triệu đồng mỗi tháng, và cả gia đình Văn Lâm phải sống dựa vào số tiền bồi dưỡng cho tuyển thủ quốc gia là năm triệu đồng mỗi tháng từ đội tuyển.

Cũng giống như Phạm Văn Mách, Văn Lâm có ngót 10 năm thi đấu cho TPHCM với đủ các loại huy chương nhưng rồi vẫn lâm vào cảnh ở nhà thuê, tương lai thì mờ mịt. Thế nên không ngạc nhiên khi đã có tới bốn lần Văn Lâm đệ đơn xin nghỉ và không biết lần này anh có được toại nguyện hay không.

Thông tin mới nhất là HLV trưởng TPHCM Lư Đình Tuấn đã tuyên bố sẽ nộp đơn từ chức sau khi lãnh đạo LĐBĐ TPHCM và nhà tài trợ của TPHCM công khai đổ lỗi thất bại cho BHL hiện tại và cho biết TPHCM sẽ sớm có HLV mới.

Thể thao TPHCM chứng kiến sự chia tay của hàng loạt tài năng thể thao ở cấp độ châu lục như nữ hoàng cự ly trung bình Trương Thanh Hằng, lực sỹ Phạm Văn Mách, quán quân thế giới, châu lục và khu vực, hay trước đó là Trần Lê Phương Linh, Hồ Ngọc Thuận, Nguyễn Tiến Đăng Vũ, Phạm Đình Thông, Mai Huỳnh Quang Duy (bóng bàn), tay vợt trẻ tài năng Huỳnh Phương Đài Trang (quần vợt), Lê Ngọc Nguyên Nhung, Nguyễn Quang Minh, Trần Thanh Hải (cầu lông), Võ Thị Phương Phi (xe đạp)…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.