Thể thao Việt Nam - Tinh thần Việt Nam

Vương Thị Huyền nhận HCV môn Cử tạ. Ảnh: tuấn Hải
Vương Thị Huyền nhận HCV môn Cử tạ. Ảnh: tuấn Hải
TP - SEA Games 30 đã chứng kiến nghị lực phi thường của các vận động viên Việt Nam tham gia tranh tài. Đó là tinh thần Việt Nam bước đến vinh quang bằng nước mắt, nụ cười và khát vọng.

Tại cuộc gặp gỡ đội tuyển U22 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam sau SEA Games, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về “tinh thần Việt Nam” không chỉ bóng đá mà còn các môn thể thao thành tích cao. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính các bạn đã mang vinh quang về cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, chính các bạn đã góp phần làm rạng rỡ non sông đất Việt”.

Kết quả 98 huy chương Vàng và hàng trăm huy chương Bạc, Đồng của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này rất đáng tự hào, vượt kế hoạch đề ra.

Thủ tướng nói: “Chúng ta rất hiểu những tấm huy chương của nhiều anh chị em là mồ hôi nước mắt mới đạt được, cũng thể hiện khát vọng lớn lao vì màu cờ sắc áo của Việt Nam”.

Thực tế, không chỉ có hai đội tuyển bóng đá nam, nữ hay cá nhân Ánh Viên, SEA Games 30 còn chứng kiến những nghị lực phi thường khác của các “cô gái Vàng” Việt Nam.

1. Nguyễn Thị Huyền (Điền kinh)

Nguyễn Thị Huyền nổi lên từ SEA Games tại Singapore năm 2015 với 3 huy chương Vàng cùng với đó là 2 chuẩn Olympic ở hai nội dung 400m và 400m rào. Với khuôn mặt xinh xắn và lối ăn nói có duyên, cô gái từ vùng quê ở Nam Định trở thành nhân vật được săn đón của giới truyền thông. Những rắc rối bên ngoài đường chạy đã ảnh hưởng tới thành tích thi đấu của Huyền sau đó. Sau SEA Games 2015, niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam đều trắng tay rời các giải đấu mà cô tham dự, từ giải vô địch thế giới 2015  Olympic Rio đến giải vô địch thế giới 2016.

Thể thao Việt Nam - Tinh thần Việt Nam ảnh 1 Nguyễn Thị Huyền - Ảnh: Tuấn Hải

Trong lúc khó khăn bủa vây, Nguyễn Thị Huyền bất ngờ lên xe hoa với chàng giảng viên Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh. Lập gia đình và sinh con chính là bước ngoặt giúp Huyền đứng dậy. Huyền giành huy chương Vàng ở nội dung 400m rào sở trường tại giải vô địch châu Á với 56 giây 14, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của cô, rồi giữ vững phong độ với 3 HCV ở SEA Games 2017.

Bảo vệ thành công ngôi hậu ở hai nội dung 400m và 400m rào tại SEA Games năm nay, Nguyễn Thị Huyền đã vỡ oà cảm xúc ngay tại đích đến với chia sẻ: “Ngày nào tập xong, tôi cũng gọi điện về nhà để nói chuyện và nhìn mặt con. Trước khi thi đấu, tôi cũng lấy ảnh và video của con trong điện thoại ra ngắm để có thêm động lực”.

Những tấm huy chương của Nguyễn Thị Huyền vô cùng ý nghĩa bởi những hy sinh lớn lao của “bà mẹ một con”: 3 tháng đã phải gửi con cho ông bà chăm sóc, 6 tháng đã phải cai sữa cho con… Huyền cho biết, cô cảm thấy đau lòng khi không thể tận thấy con lớn lên từng ngày, ở thời điểm cần gần gũi con nhất. Vì thế nên cô càng phải cố gắng nhiều hơn, thi đấu thật tốt để khi trở về được vui vẻ, bù đắp cho con quãng thời gian thiếu thốn tình cảm của mẹ. May mắn của Huyền, là được chồng và gia đình chồng thấu hiểu, cảm thông và ủng hộ.

2. Vương Thị Huyền (cử tạ)

Lực sỹ Vương Thị Huyền là một vận động viên tài năng, nhưng vô cùng đặc biệt của thể thao Việt Nam. Dù giành nhiều thành công ở môn cử tạ trên các đấu trường trong nước, châu Á và thế giới nhưng cô lại chưa một lần hưởng niềm vui tại các kỳ SEA Games.

Niềm khát khao lên đỉnh vinh quang ở đấu trường khu vực cuối cùng cũng được Vương Thị Huyền hiện thực hoá ở kỳ Đại hội trên đất Philippines. Sau khi giành tấm huy chương Vàng ở hạng cân 45 kg cho đoàn thể thao Việt Nam, cô bật khóc nức nở khi nhắc đến cha mẹ đã khuất. Những biến cố cuộc đời cô phải nhận gắn liền với chính giấc mơ sự nghiệp của mình. 

Năm 2012, lần đầu tiên Huyền được tập trung lên đội tuyển, mẹ của cô đã ra đi mãi mãi vì bệnh tật. Nỗi đau mất mẹ trở thành động lực to lớn giúp Huyền vươn lên để giành những thành tích cá nhân liên tiếp sau đó.

Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games năm nay, thời điểm Huyền đang tập huấn tại Trung Quốc, một biến cố lớn nữa lại ập xuống. Cô đón nhận tin buồn bố qua đời và phải tức tốc trở về Bắc Giang chịu tang. Sau 3 ngày lo chuyện gia đình, Huyền quay trở lại tập luyện, một lần nữa nén nỗi đau và biến nó thành động lực để thi đấu để giành thành tích cao.

Huyền kể lại, kể từ sau khi mất mẹ, bố là động lực duy nhất để Huyền cố gắng và cô cũng luôn là niềm tin của ông. Đối với Huyền, niềm vui lớn nhất chính là được nhìn thấy bố cười khi thấy cô đạt thành tích cao trên sàn đấu. Bây giờ không còn nữa, nhưng Huyền tin bố vẫn luôn mỉm cười nơi xa trước thành công của cô con gái bé nhỏ. Tấm huy chương Vàng SEA Games cũng là món quà mà Huyền dành tặng bố mẹ, khi cô không thể ở bên họ những phút cuối của cuộc đời.

3. Phạm Thị Hồng Lệ (điền kinh)

Dù không giành huy chương vàng, nhưng tấm huy chương đồng của vận động viên điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ ở nội dung marathon tại SEA Games 30 lại đáng quý hơn vàng. Cô đã khiến tất cả phải rơi nước mắt vì nghị lực và tinh thần vì màu cờ sắc áo.

Hồng Lệ hoàn thành đường đua 42,195 km trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Cô gái có dáng người nhỏ nhắn, với cân nặng bằng đúng chiều dài quãng đường này, đã gục ngã ngay tại đích đến vì kiệt sức. Cô được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị chuột rút, toàn thân căng cứng, không thể cử động và phải thở oxy. Khi BTC trao huy chương, Hồng Lệ vẫn chưa thể tự mặc được quần áo chỉnh tề và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các thành viên ban huấn luyện. Lúc được dìu lên bục nhận huy chương, cô bật khóc nức nở. Bao gian khổ, khó khăn cuối cùng cũng vỡ oà trong nước mắt.

  Thể thao Việt Nam - Tinh thần Việt Nam ảnh 2Phạm Thị Hồng Lệ - Ảnh: Tuấn Hải

Chỉ 2 ngày sau khi sự cố diễn ra, người ta lại thấy Hồng Lệ như chưa từng hề hấn gì. Nữ vận động viên sinh năm 1998 tiếp tục phăm phăm trên đường chạy 10km và mang về cho đoàn thể thao Việt Nam thêm một HCB. Thừa nhận cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục, cô gái quê Bình Định cho biết, cô không có ý định dừng lại vì màu cờ sắc áo. Ý chí và nghị lực phi thường của Hồng Lệ trở thành niềm tự hào và tấm gương cho các vận động viên Việt Nam tranh tài tại SEA Games 30.

Phía sau những tấm huy chương là mồ hôi, nước mắt và cả những mất mát không thể bù đắp của những vận động viên thể thao thành tích cao. Chúng ta từng chứng kiến không ít những câu chuyện đầy nước mắt của thể thao Việt Nam, thường rơi vào nữ vận động viên - những người phụ nữ Việt Nam với ý chí kiên cường, bất khuất. Và chỉ khi đứng trên bục vinh quang rồi, họ mới có thể nói bật ra cảm xúc mà bấy lâu nay dồn nén. 

Mỗi kỳ SEA Games đi qua, chúng ta mới hiểu hơn câu chuyện phía sau những tấm huy chương. Đó chính là tinh thần Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Mục tiêu sắp tới của nhiều vận động viên sẽ là Olympic 2020 - nơi tất cả đều muốn thấy những nụ cười và khát vọng trên bục vinh quang. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.