Thể thao VN 2007: Lùi một bước, tiến ba bước

Thể thao VN 2007: Lùi một bước, tiến ba bước
TPCT - Có nhiều điều chưa ưng ý với thể thao VN trong năm 2006. Bởi vậy, điều mà thể thao VN cần nhất trong năm mới 2007 là một sự gai góc, mạnh mẽ hơn để biết đứng dậy sau thất bại…
Thể thao VN 2007: Lùi một bước, tiến ba bước ảnh 1
Cầu mây - điểm sáng của TTVN 2006

Cuộc đua năm bản lề

Không có gì quá lời khi khẳng định năm 2007 chính là năm bản lề của thể thao VN. Bởi lẽ, thành công ở các mục tiêu trong năm 2007 sẽ là một tiền đề cho những cú bứt phá tiếp theo của thể thao nước nhà tại Olympic Bắc Kinh 2008, Indoor Games 2009 (VN đã nhận đăng cai tổ chức). Tiếp đó, mục tiêu xa là giành quyền đăng cai tổ chức ASIAD 2018.

Hiển nhiên là với những mục tiêu rất cao như vậy, chúng ta cần phải khởi động lại guồng máy thành công đã bị đứt quãng sau cú sốc ASIAD Doha 2006. Vì vậy, trọng tâm của thể thao VN trong năm 2007 là chiến dịch giành ngôi Á quân ở SEA Games 24.

Thực tế, xếp thứ nhì toàn đoàn ở SEA Games 24 tức là chỉ chịu thua nước chủ nhà Thái Lan trong bảng tổng sắp huy chương. Nhưng tại ASIAD Doha 2006, VN không chỉ đứng sau Thái Lan mà còn tụt hậu đứng sau cả Singapore, Malaysia và Philippines, trong khi chỉ nhỉnh hơn Indonesia không đáng kể. Điều đó cho thấy nền tảng của thể thao VN không vững vàng, dù ở 2 kỳ SEA Games gần đây nhất, chúng ta đều xếp khá an toàn trong top 3.

Mặt khác dù SEA Games 24 vẫn phình to như… thường lệ với 40 môn thi đấu, tranh 441 bộ huy chương nhưng không hẳn vì thế mà thiếu những thách thức cho thể thao VN.

Đẳng cấp của thể thao Thái Lan đã vươn tới tầm Olympic nhưng ở sân chơi khu vực, căn bệnh thành tích đã khiến nước chủ nhà SEA Games 24 không ngần ngại tận dụng tối đa ưu thế chủ nhà để tăng những bộ huy chương ở các môn thế mạnh và “địa phương”, trong khi giảm số bộ huy chương của đối thủ cạnh tranh.

Điển hình là người Thái nâng số huy chương của quyền Anh lên 16 bộ, xe đạp: 14 bộ, Muay Thai: 12 bộ, cử tạ: 15 bộ, trong khi cương quyết gạt cờ Vua khỏi các nội dung thi đấu; giảm wushu xuống còn 12 bộ huy chương. Nên nhớ là tại SEA Games 23 ở Philippines, cờ Vua VN đã tạo nên thành công vang dội khi giành cả 8/8 HCV, trong khi wushu luôn là mỏ HCV cho thể thao VN.

Lùi một bước, tiến ba bước?

Có một điểm yếu cốt tử của thể thao nước nhà đã được chỉ ra sau Olympic Athens 2004 và ASIAD Doha 2006: chúng ta quá yếu trong những môn thể thao cơ bản!

Trong khi đó, ngay tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore đều có những thế mạnh riêng và họ đã giành được những tấm HCV đúng là… vàng mười. Đó là chiếc HCV của đội chạy tiếp sức nam 4X100m Thái Lan hay HCV nội dung bơi bướm của kình ngư Singapore Tao Li.

Vấn đề đặt ra cho thể thao VN trong năm 2007: làm cách nào để khắc phục những điểm yếu từ các môn thể thao Olympic, trong khi vẫn phải có thành tích thật lấp lánh để làm cơ sở nhận được những đầu tư lớn hơn để phát triển thể thao nước nhà?

Rõ ràng, đó là một bài toán khó đối với các nhà quản lý thể thao. Bởi lẽ nếu muốn giành vị trí thứ hai ở SEA Games 24, chúng ta buộc phải chấp nhận tiếp tục duy trì chiến lược “đi tắt đón đầu”, ăn xổi để “gặt” huy chương ở một số nội dung ngoài cơ bản như karatedo, cầu mây, wushu…

Trong khi đó, nếu chấp nhận “hy sinh” thành tích ở SEA Games 24, việc đầu tư cho thể thao VN có thể bị ảnh hưởng và đó sẽ là trở lực cho việc phát triển.

Tuy vậy, trong xu thế mà thể thao VN có hàng loạt mục tiêu lớn tại Olympic Bắc Kinh 2008 hay đăng cai tổ chức ASIAD 2018, không có cách lựa chọn nào khác là phải quyết liệt đầu tư cho những môn cơ bản.

Lùi một bước để tiến ba bước? Ở năm bản lề cho thể thao VN, chúng ta cần một sự dũng cảm để đứng dậy sau một thất bại đã được báo trước ở ASIAD Doha 2006 vì xuất phát từ sự mong manh, yếu đuối của nền móng thể thao nước nhà! 

MỚI - NÓNG