Thuê Kiatisuk hay ai cũng vậy

Dù có mời Kiatisuk về dẫn dắt thì ĐTVN vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn trước người Thái. Ảnh: VSI
Dù có mời Kiatisuk về dẫn dắt thì ĐTVN vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn trước người Thái. Ảnh: VSI
TP - Đội tuyển Việt Nam thua Thái Lan toàn diện qua tỷ số 3-0 tại Mỹ Đình, nhưng VFF khẳng định sẽ chỉ cân nhắc gia hạn hoặc ngừng hợp đồng với HLV Miura khi nào hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn vào tháng 4/2016 tới.

Trận thua đậm của ĐT Việt Nam trước Thái Lan làm dấy lên luồng ý kiến chỉ trích nhắm vào HLV Miura, và dù VFF có lên tiếng khẳng định ông thầy người Nhật tiếp tục làm việc đến khi kết thúc hợp đồng thì vẫn không ít ý kiến đòi thay HLV. Nhưng phải chăng, như một số ý kiến đặt vấn đề nên thuê Kiatisuk làm HLV trưởng cho đội tuyển Việt Nam thì mới có thể tiệm cận con đường thành công của bóng đá Thái Lan?

HLV Kiatisuk đã liên tục thắng ông Miura trong các cuộc đối đầu gần đây vì trong tay HLV Kiatisuk có dàn cầu thủ chất lượng hơn so với Việt Nam. Đội hình Thái Lan bao gồm các cầu thủ đã được ăn tập, rèn luyện và thi đấu cùng nhau trong 3 năm trở lại đây, từ SEA Games 2013, xuyên qua AFF Cup 2014 và cả SEA Games 2015. Nhưng trong quá khứ, Kiatisuk từng không thành công khi dẫn dắt HA.GL thi đấu tại V-League.

Chỉ một so sánh nhỏ: Kiatisuk hiện tại được đội ngũ giúp việc trong bộ máy ban huấn luyện rất chuyên nghiệp, trong đó có cả các chuyên gia thể lực người Đức, còn ông Miura thì phải lo mọi thứ.

Theo trợ lý HLV ĐT Thái Lan Apisit: “ĐT Thái Lan có được thành tích tốt như hiện tại, các CLB Thái Lan ủng hộ Kiatisuk bằng cách thường xuyên giữ liên lạc với ông để biết cần tạo điều kiện cho những cầu thủ nào được ra sân thường xuyên ở giải Thai League, cầu thủ nào bị chấn thương sẽ được CLB chữa trị dứt điểm trước khi lên tuyển... Vì vậy, dù giải vô địch quốc gia Thái Lan vẫn đang diễn ra nhưng khi tập trung đội tuyển đá vòng loại World Cup, các cầu thủ luôn ở trong trạng thái sung mãn nhất”.

Đồng ý là trong cái thua của tuyển Việt Nam có lỗi của ông Muira, nhưng nhìn chung đó là cái thua của cả một nền bóng đá Việt Nam so với Thái Lan. Lịch sử các cuộc đối đầu, ĐT Việt Nam mới chỉ thắng Thái Lan hai lần trong giải đấu chính thức ở bán kết Tiger Cup 1998 và chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008, và cả hai đều từ lối chơi bất ngờ cho đội tuyển Việt Nam luôn bị đánh giá là kèo dưới. Tiếc thay, những lần vượt qua người Thái hiếm hoi ấy lại làm cho chúng ta tưởng rằng bóng đá Việt ngang ngửa với bóng đá Thái.

Hội nghị Ban Chấp hành VFF ngày 13/10 cũng chẳng ai nêu được lối ra cho bóng đá Việt Nam. Suốt cuộc gặp báo chí, câu chuyện hầu như chỉ xoay quanh chủ đề chiếc ghế của HLV Miura, sự bức xúc của bầu Đức!

Từ khi dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, áp lực mà ông Toshiya Miura phải nhận là cực lớn. Ngay cả khi giúp ĐT Việt Nam giành thắng lợi, ông vẫn chịu chỉ trích với lối chơi phòng ngự tiêu cực hay không tin dùng lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

Hiện tại bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh “xây nhà từ nóc” mà HLV Alfred Riedl từng nhận xét. Theo ông Chung, mọi chuyện phải diễn ra dần dần, theo một quá trình nhất định: “Muốn có nền bóng đá tốt thì phải có nền đào tạo trẻ tốt, sau đó V-League phải mạnh. Từ đó mới tạo ra nguồn cung dồi dào cho đội tuyển quốc gia. Phải biết chúng ta đang đứng ở đâu, trình độ như thế nào để tính tiếp”.

Còn bây giờ, một nền bóng đá ngay từ khâu tuyển chọn HLV cũng phải dựa dẫm và lệ thuộc nhà tài trợ Toyota, còn V-League như giai đoạn cuối thì chưa thoát khỏi kiểu “bóng đá ân tình” thì làm sao có được một đội tuyển mạnh cho được.

Một thực tế là các hảo thủ một thời như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… dù gặt hái thành công khi dẫn dắt các CLB cũng không dám nắm tuyển, vì họ biết rõ cái thực tại của bóng đá Việt Nam. Với thực tại bây giờ của bóng đá Việt Nam, Kiatisuk hay dù cho Jose Morinho hay Pep Guardiola làm HLV tuyển Việt Nam có lẽ cũng đến vậy mà thôi.

Theo HLV Mai Đức Chung, sau thời HLV Calisto, bóng đá Việt Nam trải qua nhiều đời HLV nhưng mãi vẫn không định hình nổi lối chơi nên theo kiểu châu Âu hay Mỹ Latin. Trong lúc đó, người Thái cứ kiên trì theo đuổi một lối chơi và dần đã định hình thành một bản sắc.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.