Tiền Giang gia nhập V-League sau 14 năm chờ đợi

Tiền Giang gia nhập V-League sau 14 năm chờ đợi
Vậy là Tiền Giang đã đặt cả 2 chân lên “chiếu” chuyên nghiệp sau khi thắng Stratta Đồng Nai 1-0 trên sân nhà ở vòng đấu 20 và về đích trước 2 vòng đấu.
Tiền Giang gia nhập V-League sau 14 năm chờ đợi ảnh 1
Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Tiền Giang

Tiền Giang đã chứng tỏ mình là “đại gia” đích thực của giải này chứ không phải 2 “hổ giấy” mới đá V -League mùa giải trước là Ngân hàng Đông Á TP và Thể Công.

Thế là sau 14 năm kể từ năm 1989 khi mà đội Tiền Giang bị “truất” khỏi hạng A1 ấy, hôm nay người hâm mộ sông Tiền đã có thể nở nụ cười mãn nguyện.

Đây là phần thưởng xứng đáng đối với người hâm mộ của một tỉnh kinh tế chưa thật mạnh nhưng các nhà lãnh đạo tỉnh và ngành TDTT vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu.

Hãy nhìn sang  tỉnh bạn Vĩnh Long, từ khi đội bóng này bị “truất” khỏi hạng mạnh cách nay 5-6 năm thì hôm nay, đội bóng đại biểu của họ vẫn đang chơi ở hạng nhì. Chính vì vấn đề kinh phí mà ngay trong mùa giải 2005 này, khi Tiền Giang đã có tín hiệu lên hạng thì các nhà lãnh đạo tỉnh đã có ý ngại ngần.

Thế nhưng khi dư luận lên tiếng, người hâm mộ đòi hỏi thì các nhà lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng quyết định không bỏ lỡ thời cơ và Tiền Giang được như hôm nay là nhờ sự quả quyết ấy.

Thậm chí ngay từ bây giờ, họ đã nghĩ đến việc gọi lại các cầu thủ sông Tiền đang thi đấu cho các tỉnh bạn về thi đấu cho đội Tiền Giang chuyên nghiệp ở mùa giải vô địch quốc gia V-League 2006. Và kế hoạch tìm kiếm tài trợ cho đội mùa bóng năm sau được bàn bạc ngay.

Nếu người hâm mộ Tiền Giang “vui nổ trời” thì người hâm mộ Khánh Hòa “buồn thúi ruột”. Đội bóng của họ đã tự phá cơ hội lên hạng khi để thua đội bóng đứng cuối bảng xếp hạng Bưu điện 2 bàn không gỡ.

Điều đáng nói ở đây là người ta không còn nhận ra được đội bóng Khánh Hòa từng “ăn gỏi” Thể Công đến 3 bàn. Các cầu thủ của họ đều chơi dưới mức trung bình, từ các ngoại binh đang được tung hô là “của hiếm” của giải hạng nhất như Jonatha (22), Felix (19), Issifu (18) đến các cầu thủ nội đang lên như diều là Tấn Tài (12), Ngọc Quí (9), Thiện Hảo (8)...

Nhiều người đã nghi ngờ trận thua này là... “có mùi”. Phải chăng Khánh Hòa đã tung cho Bưu Điện “phao cứu sinh” khi đội bóng này kêu cứu? Không thể có cách nghĩ khác. Có phải Khánh Hòa đã quá tự tin sẽ thắng Huda Huế trên sân nhà (vòng đấu áp chót 21 cuối tuần này) nên đã rộng tay với “người anh em”?

Bưu Điện đang trong cơn túng quẫn, thua dài dài, thầy thì xin từ chức, trò thì mặc cho đội trôi về đâu thì về... ấy thế mà Bưu Điện đã chơi trên chân Khánh Hòa và thắng 2 bàn không gỡ. Có lạ không? Nếu không lạ thì đó chỉ là biểu hiện “tâm bệnh” của BĐVN.

Thua Bưu Điện, để Đông Á TP nhảy lên ngang hàng (35 điểm), THS.Cần Thơ bám ngay sau lưng (34 điểm), nguy cơ của  Khánh Hòa là nếu họ thua Huda Huế trong trận đối đầu trên sân Nha Trang ở vòng 21 và ĐATP, THS.CT tiếp tục thắng, Khánh Hòa sẽ tự tay trao vé lên hạng chính thức cho ĐATP và THS.CT.

Thậm chí trong tình trạng đó, ngay tấm vé chơi trận play-off cũng chưa chắc đã về tay Khánh Hòa. Tự mình hại mình, nếu có nằm lại ở mùa giải này thì các cầu thủ Khánh Hoà chẳng còn trách được ai.

Lẽ ra có thể thoải mái vào trận với Huda Huế, đội Khánh Hòa lại căng thẳng bất bình thường và đó là điều không lành với đội bóng mà chỉ cách đây gần 1 tuần, ai cũng tin rằng suất lên hạng thứ 2 đã nằm trong tay họ.

Nhóm cuối BXH, do thắng Khánh Hòa mà Bưu Điện nhen nhóm cơ hội trụ hạng. Ba điểm lấy từ Khánh Hòa còn quí hơn vàng bởi bây giờ họ chỉ còn cách S.Đồng Nai đúng 1 điểm (18 và 19).

Nó kéo theo nguy cơ cho các đội khác là Thanh Hóa, An Giang, Quảng Nam, Thể Công (cùng 21 điểm). Tuy nhiên Thể Công, Thanh Hóa có lợi thế là 2 trận cuối cùng đều thi đấu trên sân nhà và Bưu Điện chính là đối thủ của Thanh Hóa (vòng 21) và Thể Công (vòng cuối cùng 22).

Thể Công cũng “dễ thở” khi vòng 21 họ gặp Tiền Giang đã thăng hạng. Có thể trận Thể Công - Bưu Điện sẽ đem vé trụ hạng cho Thể Công nếu đội bóng quân đội có 3 điểm mà như thế trận Thể Công - Tiền Giang không còn là trận “sinh tử” với Thể Công.

Cơ hội của Bưu Điện rất ít hay nói khác đi là không có nếu họ thua Thanh Hóa ngay trận đấu vòng 21. Cửa của An Giang cũng khá sáng khi họ gặp ĐATP (trận 21) và nhất là Đá Mỹ Nghệ (trận 22) vốn đã đủ điểm trụ hạng. Quảng Nam sau khi thua ĐATP ở vòng 20 đã lại rơi vào vòng xoáy của nhóm cuối.

Họ sẽ phải thi đấu với Đồng Nai ở vòng 21 trên sân nhà và Khánh Hòa (đang... chết dở) trên sân đối phương trong khi Đồng Nai tiếp Huda Huế (cũng trong tình trạng khát điểm như Khánh Hoà) trên sân nhà.

Nói tóm lại Bưu Điện khó thoát khỏi cửa tử còn tấm vé tranh trận playoff gần như chia đều cho Thanh Hoá, Thể Công, An Giang, Quảng Nam, Đồng Nai.

Hoá ra việc tránh suất xuống hạng và tranh suất play - off lại rộn ràng đến phút chót.

MỚI - NÓNG