Bóng đá nữ Việt Nam chuẩn bị SEA Games 24:

Tìm lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á

Tìm lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á
TP - Chưa khi nào, kể từ thời HLV Mai Đức Chung được chỉ định làm HLV đầu tiên của đội tuyển bóng đá nữ cách đây 10 năm, các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam lại bị đánh giá thấp như hiện nay.
Tìm lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á ảnh 1
HLV Trần Vân Phát và các học trò trong buổi tập tại Trung tâm huấn luyện Quốc gia I. Ảnh: Quang Thắng

Nhưng, như niềm kiêu hãnh bị tổn thương, thầy trò HLV Trần Vân Phát đang vắt sức trên sân tập, chạy đua với thời gian để biến những bông hồng thành thép ở SEA Games này.

Một buổi chiều mùa thu, nắng rất đanh, các cầu thủ nữ Việt Nam đang khởi động để chuẩn bị cho trận đấu với đội U15 của Hà Nội. Buổi tập phải dừng lại ít phút vì phải đón khách. “Khách” ở đây là một nhóm các người đẹp đang dự thi Hoa hậu Thể thao.

Người phụ nữ thường vốn can trường, không ngại khó, ngại khổ, họ sợ nhất là khi ‘bị” đem ra so đọ về cái đẹp. Ở điểm này thì sự thua thiệt luôn thuộc về các cô gái đá bóng. Thế nên không khó hiểu khi nhiều cầu thủ nữ tỏ ra lịch sự đón khách, cũng chào hỏi nhưng là lấy lệ. Trong ánh mắt họ không giấu được sự trốn tránh.

Khi bước chân vào tập bóng đá, hầu hết các cầu thủ nữ đã chấp nhận hy sinh cái đẹp, chấp nhận để da đen cháy, tóc râu ngô. Nó đã là cái nghiệp, không thể khác được. Tuyển thủ Kim Chi - từng được bầu là Quả bóng Vàng bóng đá nữ Việt Nam nói: “Không biết mấy em thi Hoa hậu thể thao chơi môn gì mà... trắng thế nhỉ” để rồi lại tự giải thích: “Nếu đẹp như thế chưa chắc mình đã dám chơi đá bóng”.

Chi nói rằng: “Ai cũng muốn đẹp, thậm chí trên sân cỏ, đẹp cũng có thể là một lợi thế nhưng với những cầu thủ đá bóng thì các loại mỹ phẩm thực sự là một loại xa xỉ phẩm”.

Ra nước ngoài, cũng được tham quan những siêu thị lớn nhưng các cầu thủ nữ chỉ dám lướt qua những cửa hàng mỹ phẩm hàng hiệu. Chẳng có gì ngạc nhiên khi những gian hàng họ dừng chân lâu nhất lại là những gian hàng dụng cụ thể thao.

Đã có lúc, các cầu thủ nữ tính chuyện dùng Lip Ice, kem chống nắng và dưỡng da nhưng cũng chẳng ăn thua. Cứ mỗi ngày hai buổi tập với nắng với gió, với mồ hôi thì bao nhiêu tiền mỹ phẩm mới đủ?

Hy sinh không có giới hạn

Có lần HLV Mai Đức Chung khi nói về các học trò nữ đã ngân ngấn nước mắt kể rằng: “Tôi đã từng chứng kiến cái cảnh mấy cầu thủ nữ cả gan mua trứng gà trứng vịt giữa mùa cúm gia cầm về để ăn chỉ vì lúc ấy giá trứng rẻ bất ngờ”.

Ông Chung cứ canh cánh trong lòng việc khó can thiệp để thay đổi cuộc sống của các cầu thủ nữ: “Phải thay đổi cả cách nhận thức, quan niệm và ghi nhận sự đóng góp của các cầu thủ nữ thì mới có hy vọng. Thay đổi cả cơ chế thì mình tôi sao làm được” - Ông Chung nói.

Như là một sự mặc cảm, đến ngay các cầu thủ nữ cũng không dám nhận những cầu thủ bóng đá nam là... đồng nghiệp. “Đồng nghiệp gì mà chênh lệch thế. Lương các anh ấy mấy chục triệu đồng, bọn em chỉ mấy trăm ngàn. Tiền chuyển nhượng các anh ấy bỏ túi cả tỷ, bọn em lo mấy chục triệu sửa lại các nhà cho bố mẹ chẳng xong”.

Có vẻ như 10 năm nay, sự hi sinh của các cầu thủ nữ đã trở thành”chuyện bình thường” tới mức ai cũng nghĩ là... bình thường. Ngay cả trong ý thức của VFF dường như cũng tồn tại quan niệm “khổ sẵn rồi, khổ thêm tí nữa cũng chẳng sao”.

Chuyện giải vô địch quốc gia nữ phải thi đấu vào đúng lúc nắng nhất đã bị báo chí, dư luận phê phán nhiều nhưng chưa một giải đấu nào mà các cầu thủ được đá trên sân có đèn.

Đối với những cô gái đá bóng, họ có thể hy sinh sắc đẹp, sống kham khổ nhưng cái cần là một tương lai ổn định. Chỉ có điều, khi nhắc đến chuyện này, các lãnh đội đều than rằng “Chuyện đầu ra là khó nhất”. Và bản thân các cầu thủ nữ cũng phải xác định rằng “cứ đá đã, còn sau này thế nào rồi tính”.

Một cái khó tính nhất đối với đa số các cầu thủ nữ là chuyện chồng con. Thế hệ vàng của đội tuyển bóng đá nữ đã giải nghệ gần hết nhưng lại có quá ít người tìm được cho mình một mái ấm gia đình.

Sức ép

Tìm lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á ảnh 2
Những bài tập nặng của HLV Trần Vân Phát giúp cho các cầu thủ nâng cao thể lực rất nhiều   Ảnh: Quang Thắng

Ba năm liền lên ngôi vô địch SEA Games, đó là một thành tích trên cả mong đợi. Tuy nhiên, tham vọng ít khi có điểm dừng, mấy tháng trước, khi đội tuyển nữ Việt Nam thua Thái Lan tại vòng loại Olympic Bắc Kinh tới 0-5, họ đã bị chỉ trích rất nặng nề.

Có vẻ như là bất công khi mà những cầu thủ nữ luôn bị đòi hỏi phải giành thành tích cao trong khu vực nhưng chế độ cũng như sự đối xử lại không được tương xứng.

Ông Trần Vân Phát được mời về huấn luyện với hy vọng đắp lại cái nền cho bóng đá nữ. Những ngày đầu tiên, chính ông thầy người Trung Quốc này đã tá hỏa vì đội tuyển nữ thiếu quá nhiều thứ mà cái thiếu đầu tiên là thể lực.

Thế là cả quá trình luyện hoa hồng thành... thép được bắt đầu ngay sau giải vô địch Đông Nam Á. Chuyến hành quân lên Tam Đảo rồi những bài tập... không giống ai như nhảy dây, tập tạ… đã khiến các cầu thủ nữ tưởng chừng không thở nổi.

Cựu tuyển thủ Thúy Nga - hiện là trợ lý cho HLV Trần Vân Phát nói: “Ngay cả thời tôi đá bóng cũng chưa bao giờ phải tập nặng thế này, khối lượng kinh khủng nhưng thể lực rõ là đã nâng lên quá nhiều”.

Không một cầu thủ nữ nào kêu ca, phàn nàn, tất cả đều cho đó là những điều phải chấp nhận, cũng như việc họ không được xinh đẹp, không được hưởng nhiều chế độ  như các đồng nghiệp nam.

Nhưng sau những nghi ngờ về khả năng thực sự của đội tuyển nữ, giờ đây niềm tin đang trở lại bởi thái độ tập luyện của họ.

HLV đội tuyển nữ Trần Văn Phát:

Tôi tin các cầu thủ của mình

Trong các trận giao hữu, tại sao ông lại yêu cầu đối thủ của đội nữ phải đá bung hết sức, ông không sợ những trận thua, như trận thua U15 Hà Nội tới 1-4 làm ảnh hưởng đến tinh thần cầu thủ không?

Không, tôi lại hy vọng các cầu thủ nữ phải gặp được những đối thủ có sức mạnh vượt trội trong quá trình tập huấn. Chính tôi cũng đã “bật mí” với đối thủ rằng, chúng tôi yếu những vị trí nào để họ khai khác. Họ càng khai thác thì chúng tôi càng rút được kinh nghiệm như thế là được, còn kết quả những trận đấu tập, tôi cho là không quan trọng.

Nhiều cầu thủ có nói rằng, họ đã phải tập quá nặng?

Điều này tôi đã nói với các cầu thủ rồi. Để chơi tốt 100% ở các trận đấu tại SEA Games thì họ phải chơi với 120% khi luyện tập. Vì vậy, mệt mỏi là chuyện đương nhiên. Nhưng tôi nghĩ thể lực của các cầu thủ đã được cải thiện phần nào. Nhưng chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Tôi nghĩ, thể lực là điểm yếu chung của bóng đá Việt Nam. Khi được rèn thể lực tốt, các cầu thủ sẽ nâng cao sức mạnh trên sân cỏ và điều đó sẽ giúp chúng ta thuận lợi hơn trong việc đạt tới mục tiêu.

Ông có bận tâm về kết quả bốc thăm SEA Games 24 không?

Một chút thôi. Vòng loại với những đối thủ như Philippines hay Lào không đáng ngại. Vào vòng trong mới là vấn đề.

Ông thích gặp đội nào ở bán kết, Thái Lan hay Myanmar?

Đội nào cũng thế cả thôi và để chiến thắng thì phải nỗ lực hết khả năng. Tôi nghĩ rằng, mình và các học trò còn thời gian để hoàn thiện. Tôi nhìn thấy sự quyết tâm trong ánh mắt cầu thủ và điều ấy làm tôi rất tin tưởng vào việc đội tuyển nữ Việt Nam sẽ lại giành HCV SEA Games.

Thanh Bình ghi

MỚI - NÓNG