Toni Lê Hoàng qua lời kể của một nhà báo thể thao

Toni Lê Hoàng qua lời kể của một nhà báo thể thao
"Thực sự là tôi không ngạc nhiên khi Tùng giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất U19 Ba Lan vì Tùng là một cậu bé có nghị lực ngay từ nhỏ..." Nhà báo Huy Tiến (Báo Thể thao TPHCM) kể về Toni Hoàng.

Nhà báo Huy Tiến hiện là phóng viên báo Thể thao TPHCM. Năm 1994, anh Tiến sang Ba Lan và sinh sống một thời gian dài tại đó. Anh là một trong những người đầu tiên chứng kiến khả năng chơi bóng của Toni Lê Hoàng.

Nhà báo Huy Tiến đã xem Hoàng đá bóng từ khi Hoàng 12 tuổi, ngày em tham gia trong đội hình CLB Hà Nội dự giải bóng đá cộng đồng tại Ba Lan.

Trong suốt 6 năm trời ở Ba Lan cho đến khi về Việt Nam, nhà báo Huy Tiến thường xuyên tiếp xúc với cậu bé mà theo anh là “chơi bóng rất hay và sống rất ngoan” này.

Nhà báo Huy Tiến nhớ lại: Ở Ba Lan, cứ mùa hè đến là chúng tôi tổ chức giải bóng đá cộng đồng, gồm các đội như Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, Hà Tây, Hải Dương… Giải có 8 - 9 đội, thu hút hàng vạn khán giả đến sân, cũng sôi động như một giải vô địch quốc gia vậy.

Mùa hè năm 1998, khi tôi là thành viên BTC, trước khi vào giải, lãnh đội Hà Nội đưa một cậu bé đến đăng ký vào danh sách thi đấu với cái tên lạ hoắc: Việt Tùng.

Ban đầu chúng tôi không đồng ý vì cậu ta nhỏ quá, mới 12 tuổi, cao chừng 1m40, nặng độ 35kg, nếu để cậu ấy đá với các chú các bác, nhỡ đâu chấn thương thì cũng khó ăn nói.

Nhưng cuối cùng mọi người cũng bị thuyết phục vì đội Hà Nội và Việt Tùng tha thiết xin ra sân. Ngay trận đó, hàng vạn cặp mắt trên sân đã bị hút theo cầu thủ “tí hon” này bởi cậu ghi được tới 2 bàn trong trận đội Hà Nội thắng đội Sân vận động 3-1. Từ đó cộng đồng người Việt tại Ba Lan mới biết đến cái tên Việt Tùng, hay còn gọi là Tùng con.

Lại nói về cái tên, tên của cầu thủ này cũng nhiều "phức tạp". Tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Việt nhưng cậu ấy lại có một người anh tên là Nguyễn Hoàng Việt Anh.

Vì gọi tên người anh dễ bị nhầm sang tên em nên ở nhà gọi cậu ấy là Nguyễn Hoàng Việt Tùng và người ta quen gọi tên không là Tùng. Mọi người trong cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan vẫn gọi là Tùng con, cái tên Toni Lê Hoàng là mấy cầu thủ và bạn bè người Ba Lan đặt cho Tùng.

Ở bên đó cứ nói Tùng “con” là mọi người nhận ra ngay. Tôi cũng quen gọi cậu ấy bằng cái tên quen thuộc là Tùng, Tùng "con".

Toni Lê Hoàng qua lời kể của một nhà báo thể thao ảnh 1
Báo chí Ba Lan viết về Toni Lê Hoàng

Về bóng đá, cậu bé nhỏ con này cũng vào hàng sao trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan, báo chí của cộng đồng người Việt viết về Tùng nhiều lắm. Cả báo chí Ba Lan cũng viết khá nhiều.

Tôi nhớ nhất kỷ niệm vào năm 2002, Tùng tham gia 1 giải đấu có 8 đội của 8 nước, gọi là Giải vô địch thế giới các cộng đồng người nước ngoài tại Ba Lan. Trong đó có đội của Đức, Anh, Tây Ban Nha, Việt Nam… Hồi đó, đội Việt Nam lọt vào trận chung kết với Ba Lan sau khi vượt qua các đội rất mạnh khác.

Vào trận chung kết gặp đội Ba Lan, đội bạn có 2 cựu tuyển thủ quốc gia Ba Lan thi đấu rất nổi bật. Trận đấu đó, đội của cộng đồng người Việt thua 2 - 4 song có 1 bàn thắng của Tùng tuyệt đẹp.

Từ bên cánh phải, Tùng dốc bóng qua 3 cầu thủ to cao của đội bạn, khi cách khung thành khoảng 25m, Tùng co chân sút căng như kẻ chỉ vào góc xa, một bàn thắng mà ngay cả các cổ động viên Ba Lan cũng phải nhớ mãi. Cũng tại giải này, Tùng nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất.

Năm 2002, đội Đà Nẵng sang Ba Lan tập huấn và thi đấu cùng đội cộng đồng người Việt. Tùng cũng chính là tác giả của 1 trong 2 bàn thắng vào lưới Đà Nẵng.

Suốt trong thời gian tôi ở Ba Lan, Tùng đã thi đấu rất nhiều giải cả trong cộng đồng và trong đội trẻ của Legia.

Thực sự là tôi không ngạc nhiên khi Tùng giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất U19 Ba Lan vì Tùng là một cậu bé có nghị lực ngay từ nhỏ.

Về đạo đức, tôi quý mến cậu bé này bởi tính tự lập, bản lĩnh và ý chí vươn lên không ngừng. Ngay từ khi mới 7 tuổi, Tùng đã có thể một mình đi từ Krakow lên Warszawa (cách 300 km) thăm bố. 7 tuổi, Tùng đã tự nấu cơm, tự sinh hoạt được 1 mình và tự đến trường.

Tôi cũng đã gặp ông Nguyễn Kim Hiển, bố đẻ Tùng, ông Hiển cũng từng đá bóng trong quân đội. Sau này ông ấy cũng rất đam mê bóng đá. Hai bố con sống với nhau, ông đã rèn cho Tùng tính tự lập từ nhỏ.

Có lần tôi hỏi có hỏi cháu: Khi cháu sống trong một tập thể có những cầu thủ nước ngoài cao to, làm thế nào để theo kịp họ về thể lực. Tùng trả lời: Cháu nghĩ rằng thể trạng của cháu không được tốt nên chỉ có một cách là tập luyện, tập luyện thật chăm chỉ.

Khi đá bóng, trên sân, tôi thấy Tùng toát lên một phẩm chất đáng quý, Tùng rất cần cù, liên tục di chuyển, trong 6 năm trời xem cháu thi đấu, chưa bao giờ tôi thấy cháu phản ứng với cầu thủ đối phương, ngay cả khi bị chơi xấu.

Trong đợt Tùng trở về Việt Nam lần này, tôi nghĩ rằng sự kỳ vọng của tôi và khán giả là chính đáng, vì trong bối cảnh bóng đá nước nhà đang rất cần những cá nhân tài năng để tạo nên sự đột phá.

Tuy nhiên sự khác nhau về môi trường sống, môi trường bóng đá ở hai nước là rất lớn. Do đó, chỉ có trên sân cỏ mới có thể có một cái nhìn chính xác về phong độ cũng như khả năng của Tùng.

Tôi thấy một điều rất đáng trân trọng là tinh thần cống hiến, mong muốn được thi đấu cho đội tuyển, cho bóng đá nước nhà mà không đòi hỏi bất cứ một chế độ đãi ngộ nào.

Nếu Tùng đáp ứng được về mặt chuyên môn thì đó là điều đáng mừng, còn nếu chưa đáp ứng được về chuyên môn thì tôi cũng rất mong các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện để có thể tiếp tục nuôi dưỡng tài năng đã được châu Âu thừa nhận.

Có thể là Tùng còn rất khiêm tốn chưa cho bạn đọc xem Cúp, vật phẩm, mà cháu đã giành được. Riêng tôi, tôi đã chứng kiến những thành tích đó. Tôi tin rằng Tùng sẽ làm được những điều mà chúng ta chờ đợi.

Káp Long (ghi)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.