Trong bóng tối Calcio (phần 1): Tiền bạc hay là chết!

Trong bóng tối Calcio (phần 1): Tiền bạc hay là chết!
(TPO) Màn đêm vẫn đang che phủ Calcio. Nó đã sống qua năm thứ 4 của một cuộc khủng hoảng lâu dài – “con đẻ” từ những năm tháng tiêu pha điên rồ và quản lý kém cỏi.
Trong bóng tối Calcio (phần 1): Tiền bạc hay là chết! ảnh 1
Phía sau Lega Calcio, ai biết được những chuyện gì đang xẩy ra?

Năm ngoái là một mùa hè buồn tủi cho những người yêu bóng đá Italy: Đội quân thiên thanh bị đá văng khỏi Bồ Đào Nha, mình đầy thương tích. Còn năm nay, điều gì sẽ đến? Ngay trên “bộ mặt” đẹp nhất của bóng đá Italy - Serie A và Serie B, những cuộc nổi loạn vẫn chực chờ bùng nổ. Người ta đã từng hy vọng vào một sự hồi sinh sau biết bao đổ vỡ và bi kịch ở World Cup, EURO hay cúp châu Âu.

Người ta nói ngôi nhà Calcio ấy đã vấy bẩn, kể từ khi một người đàn ông đầy tham vọng có tên là Berlusconi lên chức Thủ tướng Italy năm 1994. Nó bắt đầu mục ruỗng từ năm 1999, khi người ta cho phép các CLB tự do thương lượng bản quyền truyền hình.

Để rồi sụp đổ 1 năm sau đó, khi Carraro ngồi vào ghế chủ tịch LĐBĐ Italy (FIGC) và tan rã khi Galliani – Phó chủ tịch Milan, nắm “cây gậy thống chế” của BTC Serie A & B (Lega Calcio). Những con người đó, đại diện cho những thế lực tài phiệt của miền Bắc, đã làm cái hố ngăn cách giữa hai thế giới giàu - nghèo của bóng đá Italy ngày càng rộng ra.

Khi Juventus trở lại ngôi vua năm 2002, rồi cùng Milan thay nhau ngự trên ngai vàng, ai cũng hiểu rằng những câu chuyện thần tiên cho các CLB nhỏ đã kết thúc, sự lãng mạn trở thành lố bịch. Serie A trở thành cuộc chạy đua của một vài kẻ có máu mặt, phần còn lại không đáng đếm xỉa đến.

Nếu mùa bóng tới chất lượng xuống thấp, sự nhàm chán chế ngự, đầy rẫy scandal sinh ra từ những “âm mưu hãm hại lẫn nhau”… cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Giống như Trái đất hình thành từ cõi hỗn mang đến vụ “Big Bang” (vụ nổ lớn), Calcio đã bùng nổ với tư cách là giải đấu hay nhất hành tinh những năm 80-90 và bây giờ, nó đang biến thành “Big Crunch” (sự co lại lớn) khi đã hết một chu kỳ phát triển.

Hệt như một “miếng da lừa”, tất cả co lại cho một thời kỳ hỗn mang mới và một “Big Bang” mới. Primera Liga đang đi theo con đường đó. Sau bao năm nữa, họ cũng sẽ khổ sở như người Italia?

Sự thật là: khó mà chiến thắng trong bóng đá nếu không giàu có và khôn ngoan. Những thành công mà các đội bóng nhỏ tạo ra ngày càng hiếm hoi. Sau chức vô địch của Sampdoria năm 1991, không một Scudetto nào lọt khỏi tay tam giác Milano – Torino – Roma.

Kể từ sau Thế chiến II, Serie A chỉ có 8 câu chuyện cổ tích của Fiorentina năm 1956 & 1969, Bologna 1964, Cagliari 1970, Verona 1985, Napoli 1987 & 1990, Sampdoria 1991. Thật quá ít ỏi nếu so sánh với các ông lớn như Juve (21 Scudetto) hay Milan (14).

Thế vẫn chưa hết. Có một mối quan hệ ngầm giữa Juve và Milan về kinh tế và chính trị, nhằm chia sẻ ngôi bá chủ Serie A. Liên minh ấy không có chỗ cho Inter và cũng chẳng có phần cho 2 kẻ “ngoại đạo” đến từ thủ đô AS Roma và Lazio.

Sự chia rẽ trong Serie A ngày càng lớn như khoảng cách giữa hai đội vô địch Juve và đội sổ Atalanta. Trong khi Atalanta – cái “sân sau” của Juve, gồng mình với gánh nặng trả lương cho các cầu thủ, thì thu nhập hàng năm của Del Piero có thể “bao” cả đội bóng tỉnh lẻ Bergamo.

Năm ngoái, Milan, Inter và Juve đã gia hạn hợp đồng truyền hình với hãng Sky Italy tới năm 2007 với giá kếch xù: xấp xỉ 80 triệu euro/đội/mùa bóng. Nó làm bùng lên những lời phản đối và đòi Chính phủ can thiệp của những đội bóng nhỏ, vốn phải mặc cả từng đồng với Sky vì số tiền họ nhận được luôn bị cắt giảm.

Nhưng họ sẽ chẳng thu được gì vì Chính phủ là ai? Berlusconi, và ông ta có thể chống chế bằng đạo luật năm 1999 của Thủ tướng lúc đó là D’Alema: Cho phép các CLB được thương lượng bản quyền riêng rẽ với các hãng truyền hình. Đó là tiền đề cho “cái hố” của Calcio: thu nhập từ truyền hình của các CLB lớn gấp 12 - 13 lần một CLB nhỏ. Trong khi ở Anh, nơi mà Murdoch và Sky cũng là bá chủ, cách biệt giữa MU và West Brom chỉ xấp xỉ 3 lần.

Giàu có là thế, nhưng thật nực cười, trong khi yêu thích thị trường tự do, thương lượng thoải mái với các hãng truyền hình, thì bản thân các CLB lớn lại yêu cầu Chính phủ can thiệp để cứu họ khỏi phá sản vì tiêu pha quá mức, bằng đạo luật giãn nợ và giảm thuế trong vòng 10 năm(!)

Họ cũng kỳ kèo từng đồng trong số tiền 103 triệu euro lợi nhuận từ truyền hình phải chia sẻ cho 22 đội bóng hạng B. Trong “khu rừng Sherwood” Calcio, không có một Robin Hood công bằng và chính trực nào. Lẽ ra Lega Calcio phải làm điều đó, nhưng Chủ tịch của nó là Galliani, và ông ta là người Milan.

Mùa bóng vừa qua có lẽ là mùa tồi nhất trong hơn nửa thập kỷ gần đây. Nếu chỉ nhìn nhận cuộc chiến trụ hạng hay cuộc bám đuổi giữa Juve và Milan, để khẳng định một mùa giải hấp dẫn, thì thật sai lầm. Cơn khủng hoảng tài chính đã tìm thêm những nạn nhân mới: những ông vua Serie A cách đây 4 - 5 năm - Roma và Lazio đang kiệt quệ. Còn Parma – chưa bao giờ vắng mặt ở các cúp châu Âu suốt 14 năm qua, sống thoi thóp bằng sự hảo tâm của các đối thủ. Chính họ mùa trước còn nằm trong số 6 đội dẫn đầu.

Sự sa sút khủng khiếp của họ, cộng thêm với việc Serie A tăng vọt lên 20 đội sau nửa thế kỷ chỉ có 16  -18 đội, cùng sự góp mặt của một loạt các CLB tầm tầm, đã làm mặt bằng trình độ Serie A giảm xuống. Khi sự “cào bằng” này diễn ra, chẳng còn ai đủ sức chen vào cuộc đua song mã Juve – Milan, kể cả Inter, khiến Serie A có một kịch tính thật giả tạo.

Phần 2: Trong bóng tối của Calcio: Truyền hình và Bosman phá hỏng tất cả

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.