Trong bóng tối Calcio (phần 2): Truyền hình và Bosman phá hỏng tất cả

Trong bóng tối Calcio (phần 2): Truyền hình và Bosman phá hỏng tất cả
(TPO) Nụ cười hân hoan của các đội bóng “sống sót”, niềm vui thăng hạng Serie A của các tifosi (CĐV) vẫn còn ngời trong mắt, thì thanh gươm Damocles đã giáng xuống…
Trong bóng tối Calcio (phần 2): Truyền hình và Bosman phá hỏng tất cả ảnh 1
Lega Calcio đã bị giới truyền thông thao túng

Những kẻ xấu số có tên là Torino, Messina, Perugia, Verona, Salernitana, Como và Venezia. 5 đội đầu tiên đều nợ nần chồng chất, còn 2 đội sau chính thức phá sản. Sau cái đêm 9/7 đó, khi Ủy ban Kiểm tra tài chính và Chống phá sản của bóng đá Italy (COVISOC) công bố tên của 29 CLB không được dự 4 hạng đấu của Italy mùa tới, Calcio như trải qua một trận bão.

Nó gieo rắc chết chóc khắp nơi và có lẽ hậu quả vẫn chưa dừng lại. Messina nợ 15 triệu euro, được chính quyền Sicillia bảo lãnh, nhưng COVISOC không chấp nhận. Torino vừa mới thăng hạng - nợ 34 triệu euro, và Perugia đang ngụp lặn ở Serie B - nợ 41 triệu, đều không thuyết phục được Tổng cục thuế Italy cho phép được giãn nợ trong vài năm.

Số nợ của họ chẳng thấm vào đâu so với Lazio – 140 triệu, vẫn sống khỏe và được ưu ái trả dần trong vòng 10 năm (hay 23 năm!?) nhờ đạo luật “cứu bóng đá” mà Berlusconi đã ký!

Nếu không có điều thần kỳ nào xảy ra, thứ Sáu này cơn mưa bi kịch sẽ bắt đầu đổ xuống: Torino không được lên Serie A, Messina tụt xuống Serie B sau một mùa hết sức thành công (đứng thứ 8). Chủ sở hữu họ sẽ phải bán lại CLB cho người khác nếu không muốn CLB mình bị “xoá sổ” theo phán quyết Petrucci (*).

Thành phố Messina đang chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý chống lại cả nền bóng đá Italy. Hàng nghìn cổ động viên Torino xuống đường biểu tình phản đối chính phủ và các ông chủ Lega Calcio. Đứng đằng sau họ là Hội đồng thành phố và các nghị sĩ người Torino.

Nghị sĩ Marco Rizzo – CĐV Torino - tuyên bố: “Việc đẩy Torino xuống hạng là một thảm họa cho thành phố, cho đội bóng và các CĐV của Torino. Torino cần phải được ở lại Serie A”. Ông ta có lẽ không quan tâm đến việc Torino phải chồng đủ 34 triệu euro mới đạt được điều ông ta mong muốn.

Theo chân Torino, các chính trị gia của Genova cũng đứng lên bảo vệ “danh dự” cho đội nhà, mặc dù Genoa đang sống trong nỗi lo thấp thỏm sẽ chung số phận với Torino, khi vụ điều tra dàn xếp tỷ số ở Serie B kết thúc.

Không nhận được những quy chế “đặc biệt” như Lazio, Torino bắt đầu trả đũa thủ đô Roma. Cuộc chiến dai dẳng giữa 2 thành phố lại được khơi lên trong quốc hội Italy. Các phiên họp nội các bị ngắt quãng nhiều lần vì… bóng đá. Chưa đủ, trên báo chí họ còn hạ nhục lẫn nhau để giữ “tên tuổi” cho đội bóng vùng mình.

Tình yêu bóng đá của các ông nghị đột nhiên lại sâu sắc và mạnh mẽ đến thế ư? Không hẳn vậy! Trái tim họ không tròn như quả bóng mà vuông như hòm phiếu. Ai chiến thắng sau trận “võ mồm” này hứa hẹn sẽ kiếm được nhiều phiếu hơn trong các cuộc bầu cử Hội đồng địa phương vào năm tới. Một cuộc “cắn xé” không phải vì tương lai của Calcio.

Trong khi khốn đốn vì những rắc rối ngoài sân cỏ, bóng đá Italy thu được những gì? Chiến công ở các cúp châu Âu không thể che lấp một sự thật, Italy chỉ là một “người khổng lồ chân đất sét”. Đã 23 năm trôi qua kể từ khi Dino Zoff giơ cao cúp vàng trên đất Tây Ban Nha, đội tuyển Italy không gặt hái một thành tích nào đáng kể.

Thật xấu hổ nếu nhìn sang các đội bóng “hạng 2” ở châu Âu như Đan Mạch hay Hy Lạp. Thất bại liên tiếp tại World Cup 2002 và EURO 2004 là những biểu hiện rõ nhất cho thấy sự đi xuống của nền bóng đá được coi là tinh hoa của làng túc cầu thế giới.

Trước khi có phán quyết Bosman và sự bùng nổ của truyền hình, người Ý đã sống cùng thứ bóng đá đỉnh cao: 3 cầu thủ nước ngoài xuất sắc và 8 người Italy. Lúc ấy, họ còn sống trong một nền tài chính “bong bóng”, nhưng ít ra vẫn chắc chắn và vượt trội so với phần còn lại của châu Âu.

Thế nhưng, những CLB hàng đầu của họ, điển hình là AC Milan, liên tục kêu gào tăng thêm số cầu thủ nước ngoài. Cùng với phán quyết Bosman, một làn sóng cầu thủ mới kém chất lượng và cũng ít chọn lọc hơn đã tràn vào Italy. Rồi chính Milan đã nhận “quả báo”: mua về một đống cầu thủ hổ lốn, bắt đầu từ năm 1997 chìm trong khủng hoảng, và mãi mấy năm gần đây mới tìm lại mình.

Uỷ ban Olympic Italy (CONI) vội sửa sai bằng quyết định: kể từ mùa bóng 2006 - 2007, mỗi CLB Italy phải có ít nhất 50% cầu thủ trong đội hình 1 là người bản xứ. Đã quá muộn! Tính đến thời điểm này, 42 CLB Serie A & B đang sở hữu gần 600 cầu thủ nước ngoài, gấp 8 lần so với thời kỳ “chưa có Bosman”.

Cầu thủ nước ngoài tăng, đồng nghĩa với việc chính người Italy đang “mất chỗ”. Kiếm một cầu thủ ngoại quốc dễ hơn đào tạo một tài năng trẻ. Bất chấp Calcio vẫn sản sinh ra những “măng non” đầy hứa hẹn và đội U21 Italy đã 4 lần giành chức vô địch châu Âu kể từ năm 1994, đội tuyển Italy dự EURO 2004 chỉ có Cassano được đôn lên từ đội U21.

Một sự thụt lùi của Calcio. Các CLB lớn vẫn thích sử dụng các tài năng nước ngoài hơn là mạo hiểm với các cầu thủ trẻ của chính mình. Ở Italy các cầu thủ trẻ phải trải qua nhiều cửa ải: phục vụ những CLB nhỏ theo các hợp đồng cho mượn, đến khi được coi là trưởng thành lúc khoảng 27 tuổi.

Ở độ tuổi đó, nhiều người không còn giữ được những nét xuất sắc thưở ban đầu, vì chúng bị mai một trong những đội bóng ít tiếng tăm, với các trận đấu tầm thường.

Chỉ có các đội bóng nhỏ mới là nơi vun trồng các tài năng trẻ. Nhưng chính các lò đào tạo này lại chìm trong khủng hoảng tài chính. Atalanta là một ví dụ. Đội bóng này đã cung cấp cho Serie A những Pelizzoli, Morfeo, Locatelli hay Tacchinardi… năm nay lại giới thiệu Montolivo, Pazzini và Simonetta, đang trong cơn ngắc ngoải.

Hầu hết các đội nghèo đều sử dụng các cầu thủ Italy trẻ, nhưng 90% số này khi được các ông lớn thu nhận đều “mất điện” vì ở đó người ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi họ. Sau 1 - 2 năm, họ lại bị đẩy cho các CLB nhỏ rồi mất hút. Điển hình như Morfeo: tài năng này chưa bao giờ được trọng dụng tại Inter. Pirlo cũng đã từng bị “đầy đọa” khắp nơi trước khi toả sáng tại Milan, chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi.

Đã từ lâu, người Ý tự làm hỏng các tài năng của chính mình và đội tuyển Italy phải gánh chịu tất cả cơn giận dữ của số phận. Trong đội hình U21 Italy vô địch châu Âu hiện nay không có ai chơi cho một CLB lớn. Liệu 5 - 6 năm nữa, ai trong số họ đủ sức thay thế được thế hệ Vieri, Totti, Del Piero, Inzaghi, Cannavaro hay Nesta?

Calcio vẫn sống trong thời kỳ mông muội: người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi. Những đám mây u ám không thể bay đi khi bất công đang tồn tại như một thứ ám ảnh bất tận. Cuối tháng Tám, mùa bóng mới lại bắt đầu.

Bạn có thể háo hức chờ đợi cổ vũ cho đội bóng yêu thích mà không bận tâm đến những chuyện tiền nong, nợ nần và vô số chuyện khác ngoài sân cỏ. Nhưng không thể có những đội bóng mạnh từ một nền bóng đá ốm yếu. Serie A chưa chết, nhưng nó đã chết một ít khi Torino và Messina xuống hạng, như John Donne đã nói: “Không ai trong chúng ta là một hòn đảo, một thực thể hoàn chỉnh cả.

Mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền. Nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ nhỏ đi như mất một mũi đất. Cái chết của bất kỳ ai sẽ làm tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại. Vì vậy, anh đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đó!”.

(*) Phán quyết Petrucci: Lấy theo tên của Chủ tịch Uỷ ban Olympic Italy (CONI) Gianni Petrucci, được thông qua ngày 13/5/2004. Nó được coi là kim chỉ nam cho bóng đá Italy trong việc thắt chặt hơn nữa các quy định về tài chính, đáp ứng các yêu cầu của UEFA.

Cụ thể: những CLB nào không trả hết lương cầu thủ, nợ các sở thuế thu nhập cá nhân cầu thủ, hay nợ các nhà băng mà không trả được trước hạn (hoặc không có giải pháp chứng minh có thể trả), sẽ chịu các hình phạt sau đây:

- Tên của CLB sẽ được chuyển cho một đội bóng khác cùng thành phố ở hạng thấp hơn (nếu không có thì thôi). CLB sẽ bị giáng xuống ít nhất 1 hạng, bị xoá tên. Chủ cũ chỉ có thể sở hữu không quá 2% cổ phần của CLB mới thành lập.

- Những đội bóng nào ở hạng C2, sẽ bị giáng xuống 2 hạng nữa, tức là xuống hạng Nghiệp dư 2.

- Những đội bóng không có ít nhất 10 năm liền tham gia các giải VĐ chuyên nghiệp thuộc 4 hạng A,B,C1 và C2; hoặc chưa tồn tại quá 25 năm, sẽ bị xoá sổ hoàn toàn.

- Việc đặt tên cho đội bóng mới bị giáng xuống hạng sẽ do LĐBĐ Italy và Hội đồng thành phố nơi có đội bóng đó quyết định.

 Trong bóng tối Calcio (phần 1): Tiền bạc hay là chết!

MỚI - NÓNG