Trụ sở VFF bị “phong tỏa” vì sốt vé

Trụ sở VFF bị “phong tỏa” vì sốt vé
TP - Hàng ngàn lượt người đổ về trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để nhận vé mua qua đường công văn khiến khu vực này trở nên hỗn loạn. Nhiều người đến mua vé đã bị kẻ gian trà trộn móc sạch tiền bạc.
Trụ sở VFF bị “phong tỏa” vì sốt vé ảnh 1
Chen chúc xếp hàng chờ đến lượt mua vé

Hôm qua là một ngày khó quên của VFF và Công ty cổ phần phát triển bóng đá (VFD) khi trụ sở 18 Lý Văn Phức của họ bị bao vây với hàng ngàn lượt khách hàng chờ lấy vé.

Theo thông báo, VFD sẽ trả vé cho khách mua vé qua mạng aleale.com.vn và qua đường công văn vào đầu giờ chiều nhưng ngay từ buổi sáng, trụ sở VFF đã bị quá tải khi hàng trăm lượt người đổ tới đây để lấy vé.

Mặc dù đã cẩn thận huy động cả cảnh sát cơ động hỗ trợ bảo vệ an ninh nhưng trước số lượng người quá đông đảo, lực lượng này cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Lúc đầu, các khách hàng vào lấy vé được cho vào lần lượt theo tốp, mỗi tốp năm người hoặc 10 người nhưng do VFD tiến hành trả vé cho cả người mua vé qua mạng lẫn người mua qua công văn, mà trụ sở VFD lại quá nhỏ, nên không chứa nổi số người chờ tới lượt của mình mua vé.

Tình hình thực sự trở nên hỗn loạn vào đầu giờ chiều, khi con đường dẫn vào trụ sở VFF bị quây kín từ đầu đường Nguyễn Thái Học, còn khắp năm tầng nhà của VFF chỉ thấy toàn người là người. Tất nhiên, trong hoàn cảnh như vậy thì không thể tránh khỏi chuyện va chạm, cãi cọ, thậm chí suýt nữa còn xảy ra xô xát.

Và dù có cảnh sát cơ động bảo vệ ở dưới nhưng vẫn có kẻ gian lẩn vào đám đông chờ mua vé để móc ví của khách hàng. Anh Phạm Anh Tuấn, công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ than thở: Sau khi tôi và một đồng nghiệp xuất trình giấy tờ để được qua cửa sắt phía ngoài, khi sờ đến túi thì không thấy số tiền 10 triệu đồng mà cơ quan tạm ứng để mua vé đâu cả.

Không những thế, có người còn bị mất cả xe máy vì để ở trước cửa VFF mà không có ai trông coi. Với những người cẩn thận hơn khi cho xe vào các điểm trông xe tự phát tại khu vực xung quanh thì phải chịu mức giá chém rất ngọt: 10.000 đồng cho một chiếc xe.

Mọi chuyện càng rắc rối hơn khi xuất hiện một số người quây chặt cửa phòng Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn để đòi được mua vé khiến VFF phải gọi điện cầu cứu Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và lực lượng kiểm soát quân sự tới giải cứu cho ông Tuấn.

Theo thông báo của Tổng Giám đốc VFD Nguyễn Viết Thu, bất cứ công văn nào gửi tới VFD cũng sẽ được giải quyết nhu cầu mua vé, nhưng do số vé quá ít mà công văn đặt mua lại quá nhiều nên mới xảy ra tình trạng cơ quan nào đăng ký khoảng 100 vé thì được duyệt mua bốn chiếc hoặc nhiều nhất là sáu chiếc, khiến người đi nhận vé chỉ muốn khóc dở mếu dở vì không biết làm sao với chỗ vé ít ỏi như vậy.

Phe vé tiếp tục ôm vào

Không chỉ rao bán vé trận chung kết lượt về AFF Cup với giá đội lên gấp hơn mười lần, đội quân phe vé trước cửa sân vận động Hàng Đẫy còn hỏi mua vé của người đi đường để lấy “hàng” quay vòng.

17 giờ chiều qua, dù trời nhập nhẹm tối, đường đông nhưng hàng chục phe vé vẫn lượn lờ trước cổng sân vận động Hàng Đẫy mời chào người qua kẻ lại. Tùy theo vị trí ngồi ghi trên vé mà dân buôn mua lại vé với giá khác nhau nhưng thường đội lên khoảng năm lần so với giá gốc. Cặp vé loại 600.000 đồng được cánh phe hỏi mua 3 triệu đồng; loại 200.000 đồng được hỏi mua một triệu đồng…

Trong khi đó, giá vé chợ đen ngày càng tăng vùn vụt, tăng hơn mười lần so với giá thực. Loại 600.000 đồng/cặp được hét tới 5,5 triệu đồng. “Nếu không mua hôm nay, ngày mai không có giá này nữa đâu” -Một phe vé nói.

Không chỉ có các khán giả mà ngay cả các cầu thủ cũng như ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam trong thời điểm hiện tại cũng đều đang khốn khổ vì vé. Thông thường, mỗi trận đấu các cầu thủ đều nhận được ít nhất 20 cặp vé mời nhưng lần này do vé quá khan hiếm nên mỗi người chỉ được cấp sáu cặp vé, ban huấn luyện và các bác sỹ thậm chí còn ít hơn khi mỗi người chỉ được khoảng ba, bốn cặp.

Số vé này chẳng khác nào muối bỏ biển so với nhu cầu của các cầu thủ cũng như ban huấn luyện. Một thành viên ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam than thở: “Từ lúc về Hà Nội tới giờ tôi luôn phải tắt máy, vì hễ cứ bật máy lên là có tin nhắn hoặc điện thoại nhờ mua vé”.

MỚI - NÓNG