Truyền thông đang “thổi” chết U19

Các cầu thủ U21 VN (trái) chịu không ít sức ép về tâm lý khi phải đối đầu với U19 HAGL (phải). Ảnh: T.Thế
Các cầu thủ U21 VN (trái) chịu không ít sức ép về tâm lý khi phải đối đầu với U19 HAGL (phải). Ảnh: T.Thế
TP - Lời “kêu cầu” của HLV Guillaume Graechen dường như chưa có tác dụng, khi một bộ phận truyền thông vì lý do nào đó, vẫn đang tiếp tục dành sự o bế một cách thái quá cho U19 HA.GL, như từng đối với U19 Việt Nam thời gian vừa qua.

Ởđây cần xác định rõ hơn, là U19 Việt Nam trên thực tế bao gồm đa số là các cầu thủ thuộc học viện bóng đá HA.GL. Trong lịch sử, chưa từng có đội bóng lứa U nào nhận được nhiều sự quan tâm, chiều chuộng như lứa U19 hiện nay, từ cả LĐBĐVN (VFF), người hâm mộ và giới truyền thông. 

Lý do được thừa nhận công khai nhiều nhất, là các cầu thủ U19 với nòng cốt từ học viện HA.GL được đào tạo bài bản, có lối đá đẹp mắt, fair-play, thu hút được người hâm mộ. Ngay cả khi chưa đoạt được danh hiệu nào, và mới nhất vừa thất bại với mục tiêu giành vé tham dự VCK U20 thế giới trong cuộc đua tại Myanmar, U19 Việt Nam vẫn được một bộ phận báo chí tung hô.

Có phải U19 được ủng hộ đơn thuần chỉ vì vấn đề chuyên môn hay không, trong phạm vi bài viết hôm nay tôi xin không bàn đến. Nhưng có 1 thực tế tai hại, là sự ưu ái không đúng cách của truyền thông đang đẩy U19 Việt Nam và hiện là U19 HA.GL đang thi đấu ở giải U21 quốc tế vào thế dần đối đầu với phần còn lại của bóng đá Việt Nam. Ở đây xin lấy 2 ví dụ.

Để bảo vệ U19 Việt Nam, không ít người đã trích ý kiến bầu Đức tuyên bố “cạch” lò đào tạo SLNA. Lý do được viện ra là trong một trận giao hữu giữa đội trẻ đôi bên, các cầu thủ SLNA đã chơi “rắn”, khiến nhiều cầu thủ U19 HA.GL bị chấn thương. Tôi thì rất ít tin một người làm bóng đá lâu năm như bầu Đức lại đưa ra 1 tuyên bố như trên, vốn có thể làm mếch lòng số đông người hâm mộ xứ Nghệ. 

Người ta quên luôn một thực tế là dù có tiếng chơi “rắn”, nhưng SLNA vẫn là lò đạo tạo có nhiều cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Xứ Nghệ đã đóng góp rất nhiều cầu thủ tài năng cho ĐTQG, U23, Olympic… chỉ đếm lứa cầu thủ đang còn thi đấu hiện nay đã quá hai bàn tay: Hồng Sơn, Trọng Hoàng, Công Vinh, Văn Hoàn, Văn Bình… 

Để nâng U19 lên, người ta không ngại “dìm” các đối thủ xuống. Một nạn nhân khác của cách “yêu” này là tuyển U21 quốc tế báo Thanh Niên vừa qua.

Rất nhiều cầu thủ U21 đã than thở, trận đấu với U19 HA.GL ở bán kết giải đấu này là thảm họa với mình khi luôn phải lo ngay ngáy mỗi lúc lỡ đụng chạm quá mạnh với các cầu thủ đàn em. Một cầu thủ đã than thở, dù mang trên mình áo ĐTQG nhưng nơm nớp sợ truyền thông và người hâm mộ “ném đá” nếu lỡ phạm lỗi với cầu thủ U19 HA.GL.

Ở đây lại phải nhắc lại ý kiến của HLV Lê Thuỵ Hải. Ông Hải khi được đề nghị nhận xét về U19 đã nói thẳng, bóng đá là cuộc chơi đối kháng của những người đàn ông. Một cuộc chơi có toan tính chiến thuật, hướng tới mục tiêu cao nhất là chiến thắng. Việc phạm lỗi cũng là phổ biến trong bóng đá. Rất nhiều HLV khi chia sẻ đều thừa nhận, cầu thủ phải được hướng dẫn cách phạm lỗi khi cần thiết. Dĩ nhiên phạm lỗi không đồng nghĩa với thi đấu bạo lực, triệt hạ đối phương. Không phải vô cớ khi từng có ý kiến “khuyên” U19 Việt Nam phải học chơi xấu, sau rất nhiều lần thất bại! 

Sau trận đấu với U21 Sydney ở giải U21 quốc tế vừa qua, HLV Guillaume Graechen đã phải lên tiếng “xin” truyền thông bớt ca ngợi U19 Việt Nam. Ông Guillaume cho rằng, lối chơi cá nhân, manh nha “sao” của Công Phượng bắt nguồn một phần từ sự ca tụng quá mức của truyền thông, đẩy tiền đạo này lên như một ngôi sao, trong khi anh chỉ là một cầu thủ trẻ, còn cần nhiều thời gian để rèn luyện. Tuy nhiên, ý kiến này của ông Guillaume Graechen lại được rất ít báo trích dẫn đầy đủ.

Yêu thương không đúng cách, một bộ phận truyền thông đang ngày càng đào sâu khoảng cách giữa U19 với phần còn lại của bóng đá Việt Nam.

Chiều nay (28/10), trận chung kết giữa U19 HAGL và U21 Thái Lan diễn ra vào lúc 18h. Trước đó, lúc 15h30 là trận tranh giải ba giữa U21 Việt Nam và U21 Malaysia.

MỚI - NÓNG